Về chuyến ngự giá Bắc tuần của vua Khải Định và tấm bia đá ở hang Đầu Gỗ

Mùa hạ, tháng 4 ngày 17 năm Ất Mão, Khải Định lên ngôi Hoàng đế tại điện Thái Hòa. Noi theo tấm gương của những hoàng đế trước (Gia Long năm 1804; Minh Mạng năm 1821; Thiệu Trị năm 1842), năm 1918, vua Khải Định ngự giá Bắc tuần. Với Quảng Ninh, chuyến đi này của vua Khải Định đã để lại một tấm bia đá vô giá trong hang Đầu Gỗ, Vịnh Hạ Long.

Chuyến Ngự giá Bắc tuần qua tư liệu lịch sử

Đồng Khánh, Khải Định chính yếu là tài liệu cuối cùng của Quốc sử quán triều Nguyễn, ghi chép từ thời Đồng Khánh 1885 đến hết năm Khải Định thứ 7- 1923. Năm 2010, tập tài liệu đã được Nguyễn Văn Nguyên dịch và in ấn. (Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp NXB Thời đại ấn hành). Qua Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, chuyến tuần ngự giá của vua Khải Định được ghi chép tỉ mỉ, chi tiết cho chúng ta phần nào hiểu hơn đặc điểm, tính chất của chuyến đi này cũng như sự ra đời và thông điệp của tấm bia đá còn hiện hữu tại hang Đầu Gỗ hiện nay.

Bia đá ở hang Đầu Gỗ chụp đầu thế kỉ XX. Nguồn: Viện Viễn đông Bác Cổ.

Bia đá ở hang Đầu Gỗ chụp đầu thế kỉ XX. Nguồn: Viện Viễn đông Bác Cổ.

Tháng 2 âm lịch năm Khải Định thứ 3 (1918), vua Khải Định ra dụ để nói về mục đích chuyến ngự giá của mình: “Trẫm đức bạc, nay mang trọng trách tiếp nhận cơ đồ to lớn, thường vẫn cảm thấy hổ thẹn vì nước yếu mà mình tài hèn chẳng làm được chút gì bổ ích, thương dân lầm than mà chẳng làm được chút gì để thi ân. Từ ngày lên ngôi, bên ngoài thì được các đại thần bảo hộ giúp đỡ, bên trong có các bậc thạc phụ Viện cơ mật phụ tá, nên đất nước may ra cũng được tạm yên ổn. Tuy nhiên trong lòng trẫm vẫn thấy là chưa đủ. Như các địa hạt xứ Bắc Kì ở xa xôi, dân cư đông đúc, chính sách trước nay vẫn phó cho người ngoài coi giúp nên nhiều nội tình thầm kín khó có thể từ xa mà thấu hiểu được. Bởi vậy, lần này noi theo lệ cổ ra thăm phương Bắc để bày tỏ chút tình của trẫm lo lắng cho dân. Sau khi đã thương thảo với Quý toàn quyền Đại thần Sa Lộ (tức Albert Pierre Sarraut) để ngài được biết, chuẩn định ngự giá sẽ khởi hành vào ngày mồng 9 tháng sau” (tức 9 tháng 3 âm lịch năm Mậu Ngọ - 1918).

Cũng trong dụ này, vua Khải Định yêu cầu quan chức sở tại thực hành tiết kiệm, không sách nhiễu dân chúng, giản lược lễ nghi đón tiếp: “Tại những nơi sẽ dừng lại nghỉ chân trên hành trình xa giá đi qua từ Quảng Trị trở ra phía bắc, truyền cho các tỉnh thần sở tại sử dụng ngân khoản do Nam triều lưu lại mà tiêu. Nếu dân địa phương có lòng cung tiến thì để được cho tùy tâm, tuyệt đối không được sách nhiễu dân chúng, nếu để phát giác ra sẽ bị nghiêm trị. Chuẩn miễn việc tổ chức bày hương án vái chào tại các phủ, huyện, xã để tránh quá phiền nhiễu cốt cho dân được yên ổn, hợp với ý của trẫm, sao cho mọi người trong thiên hạ đều biết trọn chức phận thần dân của mình”.

Đoàn công tác ngự giá của vua Khải Định không đông như các thời vua trước, mà chỉ gồm 20 người, trong đó không thiếu những nhân vật “cao cấp” và thân tín nhất trong triều đình. Tờ dụ viết: Lại mệnh cho Phù Quang bá Tôn Thất Hân (bản dịch cuốn Đồng Khánh, Khải Định chính yếu ghi là Tôn Thất Tố, có lẽ tự dạng chữ Tố và chữ Hân giống nhau nên bị nhầm- N.V.H), Ninh Lăng nam Đoàn Đình Duyệt, Thân binh vệ Thống chế Lê Văn Bách sung làm Hộ giá Đại thần; Phúc Môn bá Nguyễn Hữu Bài, Khánh Mĩ tử Hồ Đắc Trung, Trung quân Đô thống Hồng Đả, Tiền nhị vệ Thống chế Vũ ăn Kiêm đều sung làm Lưu kinh Đại thần.”

Hang Đầu Gỗ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Trần Minh

Thời gian ngự giá Bắc Kỳ được tổ chức trong vòng 20 ngày, từ 19/4 đến 8/5/1918, trong đó hành trình thời gian và địa điểm được Đồng Khánh, Khải Định chính yếu ghi chép rất chi tiết: Tháng 3, ngày mồng 9 (tức ngày 19/4/1918, dương lịch) ngự giá xuất phát từ kinh sư ra Quảng Bình rồi đi qua Hà Tĩnh, Nghệ An. Tại các tỉnh ấy đều dừng chân thiết triều hành cung.

Ngày 13 ngự giá đến Thanh Hóa. Ngày 16 ngự giá tới Hà Nội, lấy phủ Toàn quyền làm hành cung. Quý Toàn quyền Đại thần Sa Lộ dẫn các quan Tây và quan ta mở hội chào mừng; xem triển lãm Nông Công Thương; tới nhà Thái Học dự lễ khánh thành; thăm Văn Miếu Bắc Kì, sinh từ của Vĩnh Quốc công (tức Nguyễn Hữu Độ (1833-1888) – Kinh lược sứ Bắc Kỳ).

Ngày 20 ngự giá lên Lạng Sơn tuần thị đồn binh, lên núi Kì Lừa, quan sát cửa ải, du ngoạn Đồng Đăng, thăm động Tam Thanh.

Ngày 22 (tức ngày 2/5/1918 dương lịch) ngự giá ra Hải Phòng, các quý quan Tây, quan ta và các công đoàn mở hội chào mừng tại Tòa thị chính Hải Phòng, rước ngự giá tuần thị hải cảng, ra nhà nghỉ mát Đồ Sơn, đi xem máy móc và các xưởng chế tạo, ra Lục Hải thăm các động và cửa biển Cẩm Phả.

Ngày 24 trở về Hà Nội thăm Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương, Viện bảo tàng và Sở Hội nghị Thương nghiệp Bắc Kì.

Ngày 26 ngự giá Nam Định, thăm nhà máy tơ. Ngày 27 ngự giá từ Nam Định quay trở về, dừng chân nghỉ tại Nghệ An. Ngày 28 tới Quảng Trị dừng lại nghỉ. Ngày 29 sáng sớm tới Sở Phúc Môn. Chiều hôm đó Ngự giá về Kinh sư.

Nhật kí hành trình này hoàn toàn khớp với thông tin báo chí trong phóng sự Chuyến du hành của Hoàng đế Khải Định ra Bắc kỳ và Trung kỳ, của R.Orband đăng trên tập san Đô thành Hiếu cổ, số 3 năm 1918.

Tấm bia đá ở hang Đầu Gỗ

Đáng chú ý nhất trong hành trình này là ngày 22 tháng ba âm lịch, vua Khải Định, “ra Lục Hải thăm các động và cửa biển Cẩm Phả”. Lục Hải chính là Vịnh Hạ Long. Những cơ sở dữ liệu này rất trùng khớp với thời gian ra đời tấm bia và lời tựa trong đó do PGS.TS Đinh Khắc Thuân mới phục chế toàn bộ nội dung năm 2009: “Một buổi sớm mùa xuân năm Mậu Ngọ (1918), trẫm đi tuần du phía Bắc, cùng với quan toàn quyền Sa-rô (Albert Pierre Sarraut) từ Hải Phòng đi tàu thủy đến thăm Lục Hải (Hạ Long), ngược lên sông Lục Đầu, ngang qua động đá kỳ quan này. Nhân bước xuống thuyền con ghé vào bờ, dắt tay nhau bước vào cửa động…”

Du khách nước ngoài tham quan hang Đầu Gỗ - từng được người Pháp ví là "động của các kỳ quan".

Tổng kết chuyến ngự giá này, các học giả của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: Trên các hành trình đi đường cũng như nơi dừng nghỉ, có rất nhiều phong cảnh được vua tức cảnh vịnh thành 44 bài thơ, lại còn ngự chế bài văn bia lăng Trường Nguyên và đề Ngự chế thi kèm lời tự cho các phong cảnh gồm Lâm Hà trai thượng du lộ, Du Tam Thanh động và Lục Hải kì quan thạch động (được ban tên là Ngũ Thể Tường Vân), đều sai tỉnh thần sở tại khắc vào đá để ghi lại.

Việc đặt tên cho động là Ngũ Thể Tường Vân được vua Khải Định viết rõ trong văn bia: “Rõ ràng một áng mây lành lúc ẩn lúc hiện thường xuyên bao phủ. Liền leo lên xuyên qua đám u tịch để thỏa chí thưởng ngoạn cảnh tao nhã này, rồi theo thú đăng lâm mà dạo bước, bất giác dấy lên cảm hoài. Nhân đó, ban cho tên động là Ngũ Sắc Tường Vân (bản dịch sách Đồng Khánh, Khải Định chính yếu ghi là thể). Lại làm được bài thơ ngũ ngôn có 12 vần và cả bài tựa dẫn. Sai quan tỉnh thần Quảng Yên cho thợ khắc bia đá, đặt ở cửa động, một là để ghi lại sự khéo léo của tạo hóa, hai là để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà..” (theo bản phục chế của PGS.TS Đinh Khắc Thuân).

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tấm bia ở hang Đầu Gỗ được khắc vào năm 1918 ghi lại sự kiện Khải Định thăm hang vào thời gian đó như bản chữ Hán và phục chế của PGS.TS Đinh Khắc Thuân là hoàn toàn chính xác, tránh được những sai lầm ghi bia đá ra đời vào 1917, 1919 như trước đây. Thời gian từ lúc lên ngôi 1916 đến 1920, vua Khải Định chỉ ngự giá Bắc tuần có một lần vào 1918, do vậy, những tài liệu ghi thời gian khác đều không đúng. Hơn nữa, có lí do để biện minh thêm rằng, dù là bia đá ghi ngự đề của vua, do vua sai khắc nhưng so với nhiều tấm bia “cung đình” khác do vua triều Nguyễn sai khắc thì tấm bia này có giá trị thẩm mĩ và độ điêu luyện trong từng nét chạm đá không đạt bằng. Dẫu vậy, đối với di sản thế giới Vịnh Hạ Long, đây cũng là một di sản vô cùng quý giá, là một tấm bia đá duy nhất do một vị vua sai khắc đặt trong hang đá gọi di sản này là “kì quan”.

Tấm bia đá của vua Khải Định tại hang Đầu Gỗ hiện nay. Ảnh: Trần Minh

Ở nội dung tấm bia có câu “để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà” cần hiểu thế nào. Có một số cách hiểu khác nhau, song đặt tâm thế của vua Khải Định vào lúc đó thì chúng tôi cho rằng, tình cảm giao hiếu mặn mà ở đây chính là tình cảm của Khải Định đối với sự bảo hộ của Pháp lúc đó. Xem toàn bộ cuộc ngự giá Bắc tuần, khởi đầu cần sự “đồng ý” của Chính phủ Bảo hộ, đến việc đi lại, ăn ở, đưa đón đều phụ thuộc vào sự Bảo hộ của Pháp.

Đồng Khánh, Khải Định chính yếu còn cho biết một chỉ dụ của Khải Định vào tháng 4 năm đó khi đã kết thúc chuyến đi Bắc Kì được vị vua này ca ngợi là công trình khai hóa và nhưng sách lược vĩ đại mà quý bảo hộ thực hiện trên xứ này thực là sáng suốt và hữu hiệu bậc nhất: Mùa hạ, tháng 4, vua Bắc tuần hồi loan trở về dụ rằng: “…Đến nay, tuân theo lệ cổ đi xem phong cảnh, tới đất Bắc này, xét thấy tấm lòng tôn quân thân thượng của người dân vẫn còn giữ nguyên như trước, một niềm chân tình đón rước, hết lòng thành thực kính yêu, có thể nói là độc nhất trong hoàn cầu, khiến trẫm vô cùng vui sướng trong lòng, bất giác trào dâng niềm cảm hoài, nhìn cảnh ngày nay mà nhớ lại chuyện xưa. Những nơi trẫm đi qua, đô thị tấp nập đông vui, ruộng đồng khai khẩn trù phú, thường mại phát đạt, biên phòng nghiêm cẩn, cả đến học sinh ở các trường học cũng đều phơi phới rộn ràng, những vùng hiểm yếu cũng vẫn yên ổn bình thường. Trải xem cả cõi Bắc Kì xa xôi nguy hiểm tất cả đều trở thành non sông gấm vóc, có thể thấy công trình khai hóa và nhưng sách lược vĩ đại mà quý bảo hộ thực hiện trên xứ này thực là sáng suốt và hữu hiệu bậc nhất…”.

Khải Định ở ngôi 10 năm (từ 1816 đến 1925) và chỉ thọ 41 tuổi. Ông đươc coi là vị vua thân Pháp. Ngày nay, phương pháp tiếp cận lịch sử đa chiều cho chúng ta một cái nhìn khách quan và toàn diện hơn đối với con người và di sản vị vua này để lại. Dẫu thế nào, tấm bia do vua Khải Định cho khắc năm 1918 ở hang Đầu Gỗ vẫn là một di sản vô cùng quý báo đối với di sản Vịnh Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Toàn văn bài văn bia trong hang Đầu Gỗ- Vịnh Hạ Long

Một buổi sớm mùa Xuân năm Mậu Ngọ (1918), trẫm đi tuần du phía Bắc, cùng với quan toàn quyền Sa-rô (Albert Pierre Sarraut) từ Hải Phòng đi tàu thủy đến thăm Lục Hải (Hạ Long), ngược lên sông Lục Đầu, ngang qua động đá kỳ quan này. Nhân bước xuống thuyền con ghé vào bờ, dắt tay nhau bước vào cửa động.Những thấy: vách động mở ra, ánh đá lấp lánh; Rạng rỡ muôn sao la liệt, phô bày ngũ sắc lung linh. Móc nhỏ giọt, ráng hồng bay, từng đám từng đám khoe sắc. Bấy giờ phóng tầm mắt nhìn khắp, thì thấy: hoặc phô vẻ xanh lam, hoặc khoe màu vàng óng, vệt sáng dòng son, dáng vẻ không sao tả xiết. Rõ ràng một áng mây lành lúc ẩn lúc hiện thường xuyên bao phủ. Liền leo lên xuyên qua đám u tịch để thỏa chí thưởng ngoạn cảnh tao nhã này, rồi theo thú đăng lâm mà dạo bước, bất giác dấy lên cảm hoài. Nhân đó, ban cho tên động là Ngũ sắc tường vân.

Lại làm được bài thơ ngũ ngôn có 12 vần và cả bài tựa dẫn. Sai quan tỉnh thần Quảng Yên cho thợ khắc bia đá, đặt ở cửa động, một là để ghi lại sự khéo léo của tạo hóa, hai là để ghi lại tình cảm giao hiếu mặn mà. Còn như bảo rằng vẽ thêm hoa trên gấm vóc, thì hãy đợi các tao nhân mặc khách đời sau.

Bài thơ rằng:

Ngồi thuyền rồng đón gió mát

Cưỡi bè sứ vượt qua Lục Hải

Đến đâu cũng thấy đá núi trập trùng

Thuyền đi chẳng gặp sóng nước

Từng truyền có hang đá kỳ lạ

Dắt tay nhau xuống thuyền con

Cùng bước lên hang núi

Đến cửa hang thì đường nghiêng hẳn

Bên biển có các đảo sừng sững

Trước mặt là núi đá chắn ngang

Giữa vách đá có các lỗ thủng như hạt ngọc

Động có nhiều lớp được gọi là nhà

Cửa thánh còn thiếu bậc Đảm Hy

Lũy trời đế lại thực nhiều vẻ

Đá rủ hình màu ngà sắc

Lại như sao sáng bày hàng

Ráng hồng nhẹ bay qua cửa động

Hạt móc nhè nhẹ sa xuống đám cát

Hang mái ngân tiếng dịu dàng

Gợi ý cho tao nhân mặc khách đề vịnh

Bụi trần chẳng hề bén tới

Cánh Tiên cất tiếng ra ro

Hãy ghi lại chuyến đăng lâm này

Khắc vào đá cứng để ghi nhớ mãi.

Ngày 22 tháng 3 năm Khải Định thứ 3 (1918).

Người dịch: PGS. TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Nguyễn Văn Học (Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201908/ve-chuyen-ngu-gia-bac-tuan-cua-vua-khai-dinh-va-tam-bia-da-o-hang-dau-go-2452480/