Về đâu nón bài thơ xứ Huế?

Ở Huế, mỗi chiếc nón bài thơ có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét riêng, phong cách riêng của văn hóa Huế. Thế nhưng nghề làm nón bài thơ hiện nay lại đang phải đứng trước nỗi lo thất truyền.

Nguồn gốc chiếc nón bài thơ

Lâu nay du khách gần xa khi đến Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những chiếc nón lá. Cùng với tà áo dài, nón lá được xem là biểu tượng cho sự dịu dàng, mộc mạc của người phụ nữ Việt. Nói về nón lá không thể không nhắc đến Huế, nơi làm ra những chiếc nón được xếp vào hàng bậc nhất cả nước. Ở Huế, chiếc nón lá không chỉ độc đáo bởi vẻ đẹp bề ngoài mà còn mang đậm những nét văn hóa, phong cách riêng.

Thiếu nữ Huế dịu dàng trong tà áo dài, nghiêng vành nón lá. Ảnh: Lê Chung

Một số tài liệu có ghi chép, từ thời các vương triều phong kiến nhà Nguyễn, ở Huế đã có những làng nghề làm nón lá nổi tiếng như Phủ Cam, Dạ Lê, Kim Long, Tây Hồ… Là vật dụng gần gũi, rẻ tiền lại tiện lợi nên bấy giờ chiếc nón lá có mặt khắp thôn quê cho đến thị thành. Nghề làm nón nhờ vậy cũng phát triển ở nhiều địa phương và được nhiều người theo đuổi.

Ban đầu nón lá Huế đơn thuần chỉ là vật dụng che nắng, che mưa nhưng dần dà theo thời gian lại được xem như "phụ kiện" đắc dụng của người phụ nữ. Để tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón lá, những nghệ nhân chằm nón xứ Huế đã nảy ra ý tưởng đưa thơ và những hình ảnh của Huế vào trong chiếc nón.

Khi soi dưới ánh sáng, trên mỗi chiếc nón, cảnh cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ hay những câu thơ như “Huế đô thanh lịch dịu hiền/ Bài thơ chiếc nón tâm tình tặng em” hiện ra mờ ảo khiến người ngắm không khỏi thích thú. Không chỉ vậy, nhiều người còn “kết” nón bài thơ bởi màu trắng sáng xanh đặc trưng, thanh nhã trong từng đường kim mũi chỉ được trau chuốt công phu. Nón tuy dày hai lớp mà vẫn nhẹ tênh, bền chắc.

Những câu thơ và hình ảnh của Huế ẩn hiện trong vành nón lá khi soi dưới ánh sáng. Ảnh: Lê Chung

Để làm nên một chiếc nón như vậy, người chằm nón phải kỳ công, trải qua không dưới 15 công đoạn lớn nhỏ. Mỗi chiếc nón bài thơ khi hoàn thành có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét riêng, phong cách văn hóa riêng của Huế. Cùng với tà áo dài, hình ảnh người con gái Huế nghiêng vành nón lá còn đi cả vào trong thi ca. Thông qua chiếc nón, hình ảnh của Huế trong mắt bạn bè, du khách càng thêm phần thơ mộng.

Tìm hiểu được biết, nguồn gốc của những chiếc nón bài thơ hiện nay là từ ngôi làng mang tên Tây Hồ thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngày nay, nghề làm nón bài thơ đã đến với nhiều địa phương, nhưng người dân Tây Hồ vẫn luôn tự hào là nơi làm ra những chiếc nón bài thơ đầu tiên và đẹp nhất xứ Huế. Đáng tiếc là theo thời gian với nhiều biến động, đến nay nghề làm nón bài thơ ở Huế lại đang bị mai một dần.

Đìu hiu làng nón

Khác với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi về hình ảnh già trẻ hăng say làm việc trong không gian đầy nón và lá. Đến Tây Hồ bây giờ khó có thể tìm ra được cảnh người dân miệt mài ngồi chằm nón. Hỏi ra thì được biết, làm nón nay không còn là nghề chính của làng nữa. Làm nón bài thơ thì lại càng ít. Một vài người còn làm nón thì chỉ những lúc nhàn rỗi, phần là để giữ nghề, phần để kiếm thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Thủy chằm nón bài thơ. Ảnh: Lê Chung

Lần hỏi nhiều người, chúng tôi cũng tìm được đến nhà bà Nguyễn Thị Thủy, một trong số ít gia đình vì hoàn cảnh mà còn sống bằng nghề chằm nón. Năm nay 47 tuổi nhưng bà Thủy đã có thâm niên chằm nón gần 40 năm. Bà Thủy cho biết, xưa nghề làm nón ở làng giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả nhưng đến nay đã không còn nhiều người mặn mà với nghề.

“Ngày xưa còn nhiều người đội thì nón lá còn bán được, giờ mọi người lại thích đội mũ nón vải hơn. Nón lá bây giờ chỉ bán được cho các o, các mệ lớn tuổi, cho người dân ở vùng quê. Nón bài thơ thì chủ yếu bán cho khách du lịch, đa số là khách nước ngoài nhưng ít lắm. Vậy nên làng nón ngày càng đìu hiu, ế ẩm”, bà Thủy chia sẻ.

Bà Thủy cho biết thêm, chằm những chiếc nón lá bình thường đã rất vất vả, chằm nón bài thơ lại càng vất vả hơn bởi sự cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Dù vậy giá thành của hai loại nón không chênh lệch nhau là bao. Người giỏi việc chằm nhanh nhất chỉ được ba đến bốn nón mỗi ngày. Giá bán sỉ ở chợ chỉ từ 40.000 – 60.000 đồng, trừ đi chi phí tiền lời một chiếc nón còn lại rất ít, chỉ dao động từ 30.000 -50.000. Đầu ra ngày càng khó khăn nên thu nhập từ vài chiếc nón mỗi ngày chỉ đáng lấy công làm lời.

Công việc chằm nón bài thơ khá công phu, vất vả và mất nhiều thời gian. Ảnh: Lê Chung

“Đến đời của tôi xong có lẽ cái nghề làm nón này cũng coi như hết. Lớp trẻ bây giờ đều kiếm việc khác có thu nhập hơn để làm chứ oằn lưng chằm nón cả ngày cũng không đủ để sống”, bà Thủy giọng đượm buồn.

Trước khi rời làng Tây Hồ, chúng tôi tình cờ được gặp thêm bà Dương Thị Tươi (65 tuổi). Bà Tươi là người dành cả đời gắn bó với nghề chằm nón và vừa nghỉ chằm khoảng một năm nay. Biết chúng tôi quan tâm đến việc bảo tồn nghề làm nón bài thơ, bà Tươi góp chuyện rằng từ đầu năm đến giờ cũng có hai đoàn khách nước ngoài tìm về Tây Hồ nhờ bà chằm nón cho xem. Khách xem xong rất thích lại còn hỏi mua nón với giá cao về làm kỷ niệm.

“Khách nước ngoài họ khuyên làm sao phải giữ được cái nghề này. Người làm nón chúng tôi cũng mong vậy bởi nếu mất đi nghề của cha ông thì thật tiếc. Nếu sau này tìm cách đưa được khách về Tây Hồ trải nghiệm làm nón bài thơ thì tốt quá. Cứ kéo dài tình cảnh như bây giờ thì về lâu dài chắc người làm nón khó mà giữ được nghề”, bà Tươi bộc bạch.

Lê Chung

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ve-dau-non-bai-tho-xu-hue-345207.html