Về đâu 'vựa cam' Kim An?

Từng là cây trồng giúp nhiều nông dân ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) thoát nghèo, thậm chí 'đổi đời', tuy nhiên hai năm trở lại đây, năng suất và chất lượng cam Canh liên tục giảm. Nhiều nhà vườn đã phải chặt bỏ để chuyển sang trồng các giống cây ăn quả khác.

 Một vườn cam Canh của nông dân xã Kim An. Ảnh: Trọng Tùng

Một vườn cam Canh của nông dân xã Kim An. Ảnh: Trọng Tùng

Năng suất, chất lượng sụt giảm

Gia đình anh Nguyễn Kim Thụ ở thôn Tràng Cát (xã Kim An) có khoảng 4.000m2 trồng cam Canh. Hơn 300 gốc cam Canh đã cho thu hoạch nhiều năm qua. Những năm trước, thương lái về tận vườn mua với giá trung bình 45.000 đồng/kg. Có trường hợp đặt mua hết cả vườn. Mỗi năm, cam Canh mang lại cho gia đình anh Thụ thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Địa phương từng dự kiến xây dựng cam Canh là sản phẩm đặc trưng cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP". Tuy nhiên, trước sự suy giảm nhanh diện tích cam Canh hiện nay, xã Kim An dự kiến sẽ phát triển và đề xuất ổi Đài Loan là sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải.

Nhưng những mùa vui đó chỉ còn là ký ức. Đầu tháng 12/2019, thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn cách hơn 1,5 tháng, anh Thụ lại đang bỏ không hàng trăm gốc cam Canh. “Năm nay, cam Canh cho năng suất thấp, nhiều cây thậm chí không đậu quả” – anh Thụ cho hay.

Đi qua vựa cam Kim An, không khó để nhận thấy sự thưa vắng ở những nhà vườn, khác hẳn với không khí tất bật làm vườn, tấp nập người mua kẻ bán như nhiều năm trước. Hình ảnh những cây cam Canh trĩu quả đến sát mặt đất rất hiếm gặp, thay vào đó là những vườn cam xác xơ và thưa thớt trái.

Không chỉ vậy, một phần diện tích còn cho thu hoạch, chất lượng cam Canh cũng rất thấp. Thử một miếng cam được hái ngay tại vườn, có thể nhận thấy rất rõ sự thay đổi khi vị cam không còn thanh ngọt, tươi mát mà ngược lại, vị nhạt và khô nước.

Nhiều nhà vườn cho biết, nếu như nhiều năm trước, đây là thời điểm họ đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch cam Canh thì năm nay, chỉ nhận về nỗi thất vọng. Cam Canh bị mất mùa khiến nhiều nông dân phải chặt bỏ ngay trước thềm Tết Nguyên đán.

Tìm hướng đi mới

Theo thống kê, ở xã Kim An, trung bình mỗi gia đình có khoảng 4 – 5 sào ruộng trồng cam Canh. Loại trái cây này cho doanh thu từ 400 – 500 triệu đồng/ha. So với cây lúa và lá dong, cam Canh cho giá trị kinh tế cao gấp 7 – 8 lần.

Dù vậy, gần 8 năm đã trôi qua kể từ khi những trái cam Canh giúp thay đổi đời sống của nhiều nông dân xã Kim An. Đến nay, nhiều diện tích cam Canh đang được các nhà vườn chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác.
Theo nhiều nông dân nơi đây, cam Canh mất mùa là viễn cảnh đã được nhìn nhận từ vụ mùa năm 2018. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi sự suy thoái chất lượng đất sau nhiều năm canh tác. Ở đó, việc sử dụng nhiều phân bón hóa học được xem là một trong những tác nhân chính.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải cho biết, nhiều năm qua, địa phương duy trì khoảng 100ha trồng cam Canh. Hai năm gần đây, diện tích này giảm chỉ còn khoảng 50ha. Người nông dân đang có xu hướng chặt bỏ cam Canh để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác, trong đó, chủ yếu là ổi Đài Loan.

Một số nông dân đã trồng giống ổi này từ 2 – 3 năm trước cho hay, ổi Đài Loan cho giá trị kinh tế thấp hơn một chút so với cam Canh, đồng thời suất đầu tư cũng lớn hơn. Tuy nhiên, giá trị kinh tế thu về vẫn đạt trung bình từ 350 – 400 triệu đồng/ha.

Theo đại diện UBND xã Kim An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận người nông dân trong những năm đầu tiên chưa cho thu hoạch. Tuy nhiên, việc thích ứng với điều kiện canh tác thay đổi là yêu cầu bắt buộc. Để làm được điều đó, địa phương mong muốn Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn quả mới, đặc biệt là nghiên cứu, hỗ trợ về vốn và giống cây trồng cho người nông dân.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-dau-vua-cam-kim-an-359630.html