Vẻ đẹp của nỗi buồn

Hầu hết những triết lý trên hành tinh này dựa trên một tiên đề rằng hạnh phúc có ở muôn nơi và mọi lúc là điều tốt.

Chúng ta có một chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu đo lường xem dân ở đâu hạnh phúc nhất (Đan Mạch đứng đầu bảng). Bhutan thậm chí còn có một Ủy ban Hạnh phúc Quốc gia, có quyền lực lớn đến nỗi có thể giám sát các chính sách của chính phủ và phân bổ lại nguồn lực ngân sách.

Tuy nhiên, dù thống nhất công khai như thế, có một sự thật kỳ quặc là chúng ta không hề muốn mình lúc nào cũng hạnh phúc.Đôi khi chúng ta buồn có nguyên nhân, và cũng có lúc ta buồn - một cách vô thức hoặc chủ ý - đơn giản vì ta... muốn thế.

Có lẽ ý nghĩa của điều này là đa dạng cảm xúc bao giờ cũng tốt hơn sự đơn điệu, ngay cả khi sự đơn điệu ấy là hạnh phúc đi chăng nữa. Nhưng cũng có thể mọi chuyện sâu xa hơn thế nhiều: Nỗi buồn có thể dẫn vào những tầng sâu kín của tâm hồn mà hạnh phúc thậm chí không bao giờ chạm đến.

Bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet của danh họa Vincent van Gogh, một trong những tác phẩm u sầu nổi tiếng nhất thế giới, từng được bán với giá 82,5 triệu USD. Nguồn ảnh: wga.hu.

Bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet của danh họa Vincent van Gogh, một trong những tác phẩm u sầu nổi tiếng nhất thế giới, từng được bán với giá 82,5 triệu USD. Nguồn ảnh: wga.hu.

Buồn là tất yếu

Trên tài khoản Twitter có tên So Sad Today (tạm dịch: Hôm nay buồn thế), Melissa Broder - một nữ nhà văn người Mỹ, đã viết đều đặn về tâm trạng của mình từ năm 2012, và toàn là... nỗi buồn. Một ngày, cô than thở: "Thức dậy là đã thấy thất vọng rồi". Một ngày khác, cô cay nghiệt: "Cái mà các người hay gọi là suy nhược thần kinh thì tôi gọi là, ồ, tai nạn vì phải nhìn thấy những thứ như các người".

Tài khoản Twitter tiêu cực này đã thu hút đến 675.000 người theo dõi, và cuốn sách về cuộc chiến chống lại trầm cảm của cô, cũng tên So Sad Today, đã thành công vang dội khi được xuất bản vào năm 2016.

Sự thẳng thắn của Broder đã trở thành một hiện tượng trong bối cảnh chúng ta hầu như chỉ khoe rằng mình là người hạnh phúc như thế nào trên mạng xã hội, chứ hoàn toàn không chịu thừa nhận nỗi buồn như một phần cơ yếu của cuộc sống này.

Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra: chúng ta càng cố gắng tìm kiếm niềm vui và xiển dương hạnh phúc, thì càng dễ bị nỗi buồn dìm sâu xuống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người bị trầm cảm đã tăng 20% chỉ trong một thập kỷ qua. Cứ mỗi 4 giây lại có một người tự tử. Cứ như thể cuộc đời ngày càng không đáng sống, dù con người nghĩ rằng mọi thứ đang ngày một tốt hơn, ít nhất trên phương diện vật chất.

Vậy thì bí ẩn của nỗi buồn nằm ở đâu?

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cảm giác không-hạnh-phúc thực sự đóng góp cho tâm trạng tích cực. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Emotion vào năm 2016 rút ra từ tập mẫu 365 người ở Đức từ 14 đến 88 tuổi, được tiến hành trong 3 tuần.

Mỗi người tham gia khảo sát được trao một chiếc smartphone và hàng ngày phải trả lời 6 câu hỏi trắc nghiệm cảm xúc trên đó. Trước đó, họ được phỏng vấn về tình trạng cảm xúc của họ, và sau khi kết thúc quá trình thí nghiệm, các chuyên gia hỏi về sự hài lòng với cuộc sống của họ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trạng thái tinh thần tiêu cực với tình trạng sức khỏe tinh thần lẫn thể chất yếu ớt đã giảm đi với những cá nhân coi tâm trạng tiêu cực là có ích. Ngược lại, những ai coi nỗi buồn là vô dụng và cần tránh né nó đều bị nghịch cảnh đánh gục: họ thất vọng cùng cực với cuộc sống của mình.

Một thí nghiệm khác cho thấy rằng sự vui vẻ cổ động bề ngoài có thể khiến chúng ta suy sụp dễ đến thế nào là thử thách 35 câu đố, được thực hiện như sau: 120 tình nguyện viên sẽ phải giải 35 câu đố tìm từ dựa trên các chữ cái cho trước trong vòng 3 phút. Dữ kiện mà họ không biết là một nửa trong số 35 câu đố không hề có câu trả lời. Tức chiến thắng trò chơi là điều bất khả.

Điều băn khoăn duy nhất còn lại là họ ứng xử với thất bại như thế nào. Các chuyên gia cho một số bước vào căn phòng có đủ tranh ảnh cổ động, gợi niềm vui, và họ phải giải đố trong đó. Một số bước vào căn phòng trung tính hơn, không cố làm họ vui vẻ trong khi tham gia thí nghiệm.

Kết quả là số tình nguyện viên bước ra từ căn phòng vui vẻ có xu hướng tự dằn vặt mình vì giải đố thất bại nhiều hơn những người bước ra từ căn phòng trung tính. Một bối cảnh vui vẻ hóa ra lại tô đậm sự tuyệt vọng.

Trong cuốn sách Mặt khác của hạnh phúc: Chấp nhận cách tiếp cận ít sợ hãi hơn để sống, tác giả Brock Bastian, một chuyên gia tâm lý đang giảng dạy ở Đại học Melbourne (Úc) đã đưa ra một con số giật mình: một người phương Tây có khả năng bị trầm cảm và lo âu nhiều gấp 4-10 lần một cá nhân sống trong nền văn hóa phương Đông.

Khác biệt ở đây là văn hóa: người Trung Quốc và Nhật Bản đều coi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực là một phần cơ yếu của cuộc sống. Trái lại, người phương Tây có một áp lực phải duy trì sự vui vẻ, và tránh xa nỗi buồn.

Càng ý nghĩa, càng buồn

Tiếng Nhật có một cụm từ không thể dịch trọn nghĩa là (Mono no aware) ám chỉ một nỗi buồn đẹp đẽ khi chứng kiến vạn vật vô thường. Phật giáo cũng cho rằng đời sống này cơ bản là bể khổ: thoát khỏi nỗi buồn khổng lồ ấy là điều bất khả.

Và thực tế cuộc sống có lẽ đúng là như thế. Khoảng thời gian hạnh phúc nhất là ấu thơ, khi chúng ta chưa hề có ý niệm gì về vô thường, hay ý nghĩa cuộc sống. Những người trẻ coi cuộc đời họ là niềm vui bất tận, lao vào các cuộc chơi điên rồ, tìm kiếm sự vui vẻ bên bạn bè, nổi loạn và có xu hướng tách khỏi gia đình. Thậm chí cười vào truyền thống, lễ nghi, và muốn làm mọi thứ để duy trì niềm vui liên tục.

Nhưng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi, vào một khoảnh khắc mà họ phải giật mình tự hỏi: tôi sống để làm gì, và sự tồn tại này có ý nghĩa gì không? Cây thập giá cuộc đời sẽ ngày một nặng hơn khi tâm hồn con người trưởng thành hơn: nhu cầu vui vẻ sẽ ít đi, thay vào đó là nhu cầu tìm thêm ý nghĩa để sống.

Ví dụ rõ ràng nhất là hôn nhân: đấy là một cuộc vun đắp gian nan và mệt mỏi nhiều năm để duy trì một nguồn phát cảm giác có ý nghĩa rất mạnh cho chúng ta. Đa số thời gian của người có gia đình là mệt mỏi: hôn lễ mệt mỏi, kéo dài, những đứa trẻ thường khóc quấy và khó bảo nhiều hơn ngoan ngoãn, và chi phí cho một gia đình buộc mỗi người phải giảm bớt chi phí cho sở thích cá nhân.

Nhưng đồng thời, ta có một mục đích rất rõ ràng để sống. Làm mọi thứ vì gia đình mang lại cho chúng ta cảm giác ý nghĩa rất lớn, vì những đứa trẻ được coi là cuộc đời nối dài của chúng ta, và sống chung với một người bạn đời nhiều năm đòi hỏi tự chủ bản thân và tình yêu to lớn. Những điều này dường như làm bản thân chúng ta trở nên cao quý hơn, dù đánh đổi bằng thời gian mà đáng ra ta có thể sống vô ưu, vui vẻ.

Và một khi nhận ra được rằng phải làm thế nào để sống có ý nghĩa là bạn đã dấn thân nhiều hơn vào nỗi buồn, thậm chí nhận ra rằng bản chất của đời sống này là như thế. Cần nhiều nỗ lực cơ mặt để tạo ra một lần nhăn nhó hơn là nở một nụ cười. Bất cứ kẻ ngốc nào cũng có thể sống và hạnh phúc, nhưng cần thật nhiều ý chí và sức mạnh để sống với nỗi buồn.

Con đường dẫn đến cái đẹp

Bộ phim Vẻ đẹp Mỹ (American Beauty) là một trong những tác phẩm gây hoang mang nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới: nó hay đến nỗi đã giành 8 đề cử Oscar năm 2000, và chiến thắng 5 hạng mục quan trọng, nhưng khó mà cắt nghĩa nổi mối liên hệ giữa tựa phim với những gì đã diễn ra trên màn ảnh.

Đấy không phải cái đẹp mà chúng ta hình dung. Toàn bộ phim là những cuộc đời buồn thảm (thậm chí bệnh hoạn) được giấu kín trong nhiều vỏ bọc, và cảnh duy nhất diễn dịch "cái đẹp" lại là một vật hết sức tầm thường: chiếc túi nilon bị cuốn đi trong gió dưới ống kính camera của cậu thanh niên Ricky, người luôn tin rằng đằng sau những thứ tầm thường như chiếc túi nilon ấy là "cả một cuộc đời", và mang "vẻ đẹp ẩn chứa" riêng.

Chiếc túi nilon xoay tròn bị gió cuốn phăng đi ấy và những bí mật khủng khiếp trong tâm hồn các nhân vật có thể đem lại một cảm giác tuyệt vọng với những ai lần đầu tiên xem phim: hóa ra con người và cuộc sống này đáng buồn và thậm chí đáng ghê tởm như thế sao?

Thế nhưng nỗi buồn thảm khi nhìn thấy đống bùi nhùi nhân tình thế thái ấy có lẽ là cầu nối giữa nhận thức về sự đau khổ và vẻ đẹp tri kiến.

Vì sao? Charles Darwin đã từng viết trong cuốn Sự thể hiện cảm xúc của con người và động vật (1872) rằng nỗi buồn được biểu hiện giống nhau trong mọi nền văn hóa. Ta nhận ra rằng không chỉ có bản thân mình đâu, mà tất cả giống loài này đều mắc kẹt trong những nan đề rất chung, bất chấp màu da, giới tính, và xuất thân.

Ta nhận ra rằng trong sâu kín tâm hồn mình, không chỉ có những suy nghĩ thuần khiết, mà cũng có cả những điều đen tối đến phi lý. Ta nhận ra rằng ngay cả một người thiện lương nhất, đôi khi cũng biết ác độc. Ta nhận ra những giới hạn nhỏ bé của kiếp người, sự mông lung của cuộc sống và những khó khăn phổ quát của cảnh làm người.

Nỗi buồn ấy có thể bùng lên bất cứ lúc nào, không phải để đẩy ta vào bi quan. Có một loại niềm vui phức tạp trong nó, khi ta nhận thấy rằng đau khổ là một phần không thể thiếu trong quá trình đào sâu chính mình, giúp ta nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong nỗi buồn to lớn và chung nhất của con người. Không phải để khiếp sợ hay tuyệt vọng, mà là để dũng cảm và bao dung hơn.

Ban Cầm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/ve-dep-cua-noi-buon-566583/