Vẻ đẹp nguyên sơ và quyến rũ

Vườn quốc gia Bái Tử Long thành lập năm 2001, vốn được chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn, quần thể đảo đất và núi đá vôi mà ở đó là khu rừng cấm trên biển đặc biệt của Việt Nam. Nơi này đang trở thành một địa chỉ đỏ du lịch với hệ sinh thái độc đáo và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn.

Không phải chỉ bây giờ, từ năm 1977, rừng đảo Ba Mùn (thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã là một khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt trong số 10 khu bảo tồn của quốc gia. So với 9 địa danh còn lại (như Cát Bà, Thổ Chu...), Ba Mùn có vị trí đặc biệt là nằm cạnh di sản thiên nhiên Hạ Long. Mặt khác, nó có năng lực tạo nên sự khác biệt bằng chính sự sinh động của quần thể thực vật và động vật tại đây. Núi đất và rừng già là đặc điểm nổi bật của rừng đảo Ba Mùn. Vây quanh nó là những hòn đảo nhỏ có đặc điểm sinh thái tương tự như Trà Ngọ, Sậu Đông, Sậu Nam, Đông Ma... Đến nay, sau hơn 30 năm, khu vực này vẫn được bảo vệ, sinh trưởng tốt. Men theo hành lang Cái Quýt, giữa Ba Mùn và Trà Ngọ còn có một rạn san hô đã được tính vào loại quý hiếm và tài nguyên thủy vực rất phong phú như đồi mồi mai đỏ, bào ngư, ngọc trai, sá sùng, cà gai... và các loài nhuyễn thể khác. Theo khảo sát ban đầu, có trên 160 loài san hô, trong đó có san hô đa sắc, san hô đỏ hiếm và quý ở đây.

Vịnh Bái Tử Long nhìn từ cảng Cẩm Phả.

Vườn quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 13.373ha, trong đó, 5.273ha đảo nổi có rừng xanh che phủ. Đây là diện tích vừa phải hợp lý cho một vườn quốc gia, dễ dàng cho việc bảo vệ, phát triển và cũng là khu vực đẹp nhất của vùng vịnh Bái Tử Long. Nếu như Hạ Long nổi tiếng với các cù lao đá vôi và hang động kỳ thú thì Bái Tử Long có lợi thế về quần thể động vật hoang dã trên đảo, hệ thủy sinh thềm lục địa ở các đảo rất phong phú. Khảo sát ban đầu cho thấy, Ba Mùn có hơn 400 loài thực vật bậc cao thuộc 109 họ và 230 chi, trong đó có 6 loài nằm trong danh sách bảo vệ đặc biệt của Việt Nam và thế giới. Động vật trên đảo gồm 170 loài có xương sống ở cạn với cách tồn tại và sinh trưởng đặc trưng của khu rừng đảo.

Tuy là vườn quốc gia trên biển, nhưng Bái Tử Long hội tụ đủ cả hai tiêu chí về thực vật và động vật, cả rừng và biển đều phong phú. Hầu hết các loài động vật tầng đáy đều là những loài hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm như hải sâm đen, đồi mồi, trai ngọc... Bên cạnh đó, ven chân các đảo của vườn quốc gia còn có nhiều vũng, áng, bãi triều đất bùn hoặc nhiều bãi cát hẹp, bãi đá. Có một số thung, áng rộng với cảnh quan thuận lợi cho việc đỗ tàu thuyền như vũng Cái Quýt, Ổ Lợn, Cái Đé... Xung quanh các bờ đảo hình thành bởi các mũi nhô đá gối, vách đá dốc đứng. Trong các đảo núi đá có nhiều hang động. Ngoài ra còn có các bãi cát thoải, mực nước nông, khuất gió như bãi cát Minh Châu, Sơn Hào, Hòn Chín, Trà Ngọ lớn. Trong khu vực này còn có vùng dân cư đông đúc và giàu bản sắc văn hóa như Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Đây chính là khu vực thương cảng cổ Vân Đồn, nơi in dấu ấn những cuộc chiến trên biển bằng chiến thuyền của cha ông ta xưa.

Nằm cách cảng Cửa Ông (thị xã Cẩm Phả) vài chục hải lý về phía Đông là trung tâm Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đó là một khoảng cách rất gần để nơi này trở thành một khu du lịch sinh thái hấp dẫn gồm cả biển khơi và rừng xanh. Việc quy hoạch và thăng hạng cho Vườn quốc gia Bái Tử Long vốn có mục đích phục hồi và phát triển hơn nữa vốn rừng, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên trên đảo, trồng rừng ngập mặn ở các bãi triều, hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác tài nguyên tại khu vực này. Với vị trí địa lý, vịnh Bái Tử Long không chỉ có ý nghĩa đối với chính nó, mà còn có vai trò như một "hậu cung" của đại dương. Nơi mà vào mùa sinh sản, động vật biển tụ về cư trú để sinh đẻ ở các vùng bãi triều ven đảo, các lạch ngầm và bãi san hô. Hệ thống các đảo nhỏ và cù lao kế cận quanh đảo Trà Ngọ đều thuộc phạm vi và ranh giới bảo vệ, đồng thời có thể phát triển du lịch lặn biển, nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá đại dương và rừng cấm trên đảo, đặc biệt là các khu rừng ngập mặn vốn mang sắc thái của các vùng bãi triều khu vực Quảng Ninh.

Điều đáng nói là toàn bộ khu bảo tồn gồm các đảo phần lớn đều có nước ngọt, khí hậu trong lành bên cạnh những xóm chài nhỏ. Ngoài các khu bảo vệ tuyệt đối của vườn quốc gia thì các vùng phụ cận vẫn phát triển bình thường mà không có sự can thiệp nào. Tuy nhiên, tại các hòn đảo lân cận như Thẻ Vàng, Cống Tây... cũng đã xuất hiện các trung tâm nghỉ ngơi cuối tuần của một số đơn vị, doanh nghiệp. Những đơn vị này đầu tư xây dựng nhà nghỉ, cải tạo bãi tắm, vườn cây cho cán bộ, công nhân viên hưởng kỳ nghỉ cuối tuần, đồng thời kinh doanh du lịch. Đến nay, khá nhiều khách du lịch bị hấp dẫn bởi các trung tâm này vì các đặc điểm nổi bật: Trong lành, sạch sẽ, yên tĩnh. Nhưng tình trạng này cũng dễ dẫn tới việc cả khu vực sẽ bị xé lẻ, manh mún bởi kiểu đầu tư như vậy.

Khu vực này hiện có sức hút rất lớn trong thị trường du lịch trong nước bởi những giá trị sinh thái, động thực vật phong phú và cảnh quan trong lành hiếm nơi nào có được. Ngoài một số bãi cát phẳng và các hành trình du lịch trên biển bằng tàu thì gần như chưa có loại hình du lịch nào khai thác hết giá trị của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đây vẫn là một sự bí ẩn trên biển Đông Bắc đang chờ đợi được khám phá.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ve-dep-nguyen-so-va-quyen-ru/