Về di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương(Đồng Văn): Cần phân định rõ 'chuyện cũ' và 'chuyện mới'

VH- Xung quanh việc quản lý, bảo vệ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương (Đồng Văn - Hà Giang) lại một lần nữa được 'người trong cuộc' xới lên thông qua nhiều đơn thư khiếu nại gửi các cấp, trong đó xuất hiện một vấn đề hoàn toàn mới xen lẫn cả câu chuyện đã quá cũ, tưởng chừng như đã khép lại sau hơn 16 năm qua.

Bởi thế nếu những ai đó chưa nắm rõ theo hướng “nói cho rõ ngọn ngành” thì sẽ lầm tưởng chính “câu chuyện xưa” nên mới nảy ra vấn đề mới như hiện nay, và rồi mọi thứ cứ rối tung lên, không biết đâu mà lần. Chính vì lẽ đó cần phải phân định rõ đâu là câu chuyện cũ và đâu là vấn đề mới, và nó có liên quan đến nhau hay không.

Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương đã là địa điểm thu hút du khách trong, ngoài nước Ảnh: TL

Không lẽ ông đã quên ngày ấy...

Trong đơn thư khiếu nại gửi cơ quan của Bộ VHTTDL mới đây, ông Vương Duy Bảo, người đứng đơn, một lần nữa đề cập đến chi tiết, “tòa nhà này của chúng tôi trước đây đã được “công nhận chui” là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993... nhưng chúng tôi không được biết sự việc này, mãi đến năm 2002 khi chính quyền tỉnh, huyện, xã của tỉnh Hà Giang đến “vận động” người nhà chúng tôi ra khỏi nhà của mình để Nhà nước trùng tu làm bảo tàng. Khi đó chúng tôi mới được biết là đã có quyết định từ năm 1993?”. Không chỉ trong đơn thư mà trả lời báo chí gần đây ông Bảo cũng nói lại những thông tin này như là những thông tin mới “phát hiện”, bây giờ mới bật mí.

Có lẽ ông Vương Duy Bảo đã quên hay trong thâm tâm muốn khơi lại chuyện cũ... cách đây đã 16 năm về trước để cho dư luận bán tín bán nghi về sự công nhận di tích quốc gia Khu nhà Vương? Chắc ông Bảo không quên vì ông cũng là người tham dự cuộc họp trong ngày hôm đó. Tại Thông báo “Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL-N.V) Phạm Quang Nghị tại buổi làm việc với ông Vương Quỳnh Sơn, đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật”, do ông Phạm Việt Long, Chánh Văn phòng Bộ ký ngày 20.3.2002, đã viết rõ: “Về phía đại diện gia đình có ông Vương Quỳnh Sơn, đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương, nguyên là chuyên viên cao cấp Ủy ban Dân tộc-Miền núi..., Đồng chí Vương Duy Bảo, con trai ông Vương Quỳnh Sơn, Giám đốc Nhà sáng tác Đại Lải, Khu sáng tác, Bộ VHTT”.

Cũng tại văn bản này, có đoạn: “Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích Nhà Vương, là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Đó là mục đích và việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương có di tích và cho toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp”. Bên cạnh đó, văn bản Thông báo còn nhấn mạnh: “Bộ VHTT cùng với địa phương và gia đình dòng họ Vương không những có trách nhiệm quản lý, giữ gìn giá trị vật chất, kiến trúc của di tích, không để hư hỏng, xuống cấp, mà còn phải giữ gìn, nâng cao và phổ biến các giá trị văn hóa, nghệ thuật của di tích thông qua việc bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu di tích, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.

Và văn bản trên còn cho biết, “Những ý kiến kết luận trên đã được ông Vương Quỳnh Sơn hoàn toàn nhất trí. Bộ VHTT xin thông báo để các đơn vị chức năng của Bộ, địa phương, ông Vương Quỳnh Sơn cùng gia đình biết để phối hợp thực hiện”. Điều này có thể hiểu, xung quanh việc Bộ VHTT ra quyết định công nhận Khu nhà Vương là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đã được thống nhất lại với ông Vương Quỳnh Sơn về giá trị, ý nghĩa, trách nhiệm và đã được ông Sơn “hoàn toàn nhất trí” với sự tham dự của ông Vương Duy Bảo. Nói cách khác, ông Vương Quỳnh Sơn, đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương đã hoàn toàn thừa nhận việc công nhận di tích Khu nhà Vương là “việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương có di tích và cho toàn xã hội”. Vậy thì cơn cớ gì mà ông Bảo lại còn nhắc đến cái gọi là “công nhận chui” tại thời điểm này?

Bộ VHTTDL đã có Phiếu chuyển gửi UBND tỉnh Hà Giang. Theo đó, Bộ VHTTDL nhận được đơn khiếu nại của ông Vương Duy Bảo, nội dung đơn là khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với khu di tích kiến trúc-nghệ thuật Nhà Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Sau khi nghiên cứu nội dung đơn, căn cứ Luật Khiếu nại năm 2011, Nghị định 75/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại, Bộ VHTTDL chuyển đơn của ông Vương Duy Bảo đến UBND tỉnh Hà Giang xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Nhiều nguyện vọng đã “chuyển hóa” trên thực địa

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 9.4.2002, Bộ trưởng Bộ VHTT lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Nghị đã ký gửi Thủ tướng Chính phủ “Báo cáo tình hình giải quyết di tích Nhà Vương tỉnh Hà Giang”. “Việc xếp hạng di tích và đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Nhà Vương ở Sà Phìn nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian qua của Nhà nước là một chủ trương đúng đắn. Sau khi trao đổi, họ Vương và ông Vương Quỳnh Sơn đánh giá cao sự quan tâm của Nhà nước đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật tòa nhà họ Vương. Bộ VHTT cũng đã khẳng định với ông Vương Quỳnh Sơn Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp”, văn bản cho biết. Văn bản này cũng được gửi tới ông Vương Quỳnh Sơn.

Cũng tại thời điểm đó, trên cơ sở trao đổi với ông Vương Quỳnh Sơn mà thực chất là ông Sơn đề đạt nguyện vọng, Bộ VHTT cho biết sẽ phối hợp với địa phương, các gia đình dòng họ Vương và ông Vương Quỳnh Sơn bàn bạc để bảo tồn và phát huy khu di tích, thực hiện tốt những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; Bộ và UBND tỉnh Hà Giang sẽ tiến hành lập dự án tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích Nhà Vương, trong quá trình lập dự án sẽ bàn bạc, trao đổi với ông Vương Quỳnh Sơn. Dự án bảo tồn các yếu tố gốc của di tích, gồm toàn bộ khu nhà, phục hồi các hạng mục đã mất, đồng thời giữ nguyên các ngôi mộ của dòng họ trong khu di tích; Để đảm bảo cho công tác bảo quản di tích và tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các gia đình trong khu di tích, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang nghiên cứu vị trí thích hợp và hỗ trợ kinh phí để di chuyển các hộ thuộc dòng họ Vương hiện đang sinh sống trong khu di tích, trên cơ sở những quy định chung của Nhà nước và sự thỏa thuận của các hộ trong dòng họ Vương; sau khi tu bổ tôn tạo Nhà Vương, đồng ý để 1 hoặc 2 phòng trong di tích cho dòng họ sử dụng. Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang giao Sở VHTT tỉnh Hà Giang tuyển chọn những người trong gia đình họ Vương tham gia các lớp học nghiệp vụ bảo tồn bảo tàng để có thể tham gia quản lý và phục vụ khách tham quan di tích Nhà Vương và Nhà văn hóa tại thị trấn Phó Bảng....

Sau khi hoàn chỉnh dự án tổng thể tu bổ, tôn tạo di tích Nhà Vương, các cơ quan chức năng thuộc Bộ VHTT lúc đó đã xin ý kiến ông Vương Quỳnh Sơn. Ông Sơn đã viết: “Theo chính sách bảo tồn của Đảng, của Chính phủ ta đối với Khu di tích họ Vương, tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung của dự án”. Cuối tháng 10.2002, Bộ VHTT đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư tổng thể tu bổ, bảo tồn di tích khu nhà dòng họ Vương, với tổng mức đầu tư hơn 6,6 tỉ đồng. Năm 2010 Bộ tiếp tục hỗ trợ di tích này 500 triệu đồng.

Với sự quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo như trên, đến nay di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương đã trở nên khang trang, vững chãi và trở thành điểm tham quan hấp dẫn, độc đáo của du khách trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, những đề xuất của ông Vương Quỳnh Sơn vào thời điểm ấy cũng đã được Nhà nước giải quyết. Nếu vào những năm 90 của thế kỷ trước ngành Văn hóa và Bộ VHTT lúc bấy giờ chưa nhận ra giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Khu nhà Vương, chưa có sự quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo đúng mức đối với di tích này thì liệu rằng đến nay chúng ta có thể có được một khu di tích như thế không? Tin chắc ai cũng sẽ có câu trả lời.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ve-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-quoc-gia-khu-nha-vuongdong-van-can-phan-dinh-ro-chuyen-cu-va-chuyen-moi