Về Dương Cốc xem tuồng

Hơn 50 năm trời say sưa với loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, gánh tuồng Dương Cốc sở hữu một bảng kịch mục dày dặn thật đáng trân trọng: ngót nghét gần 100 vở diễn với đủ các loại đề tài...

1.Ngôi làng cổ Dương Cốc thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội) có cái nét duyên trời cho riêng có, lại trộn lẫn với cái nét thi vị đặc trưng của vùng quê xứ Đoài huyền tích. Dẫu chẳng có cái cơ duyên của vùng đất thuộc vào hàng địa linh nhân kiệt nức tiếng như các miền thôn dã khác của xứ Đoài mây trắng, nhưng bù lại, từ cái "ngày xửa… ngày xưa", trời lại hào phóng phong thưởng cho người dân Dương Cốc cái chất giọng tuồng bẩm sinh.

Tất nhiên, trước khi "chết" vì tuồng thì người Dương Cốc còn biết hát cả chèo, cả cải lương và rất nhiều loại hình dân ca nữa mới lạ chứ. Nhưng xem ra với "cái món" tuồng cổ thì họ có "lương duyên" hơn tất thảy. Nhưng mọi sự không phải "bỗng dưng" mà có. Việc người dân Dương Cốc "phải lòng" với tuồng cứ như bị bỏ "bùa mê, thuốc lú" là "có tích", "có nguồn" của nó. Mà căn cốt của câu chuyện "cổ tích" ấy là thế này.

Đó là vào những năm 60 của thế kỷ 20, trong lúc đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, Đoàn tuồng Liên khu 5 với sự có mặt của những ngôi sao sáng trên bầu trời sân khấu tuồng một thuở vàng son như: Hoàng Châu Ký, Minh Quang, Phan Thế Nghiệm, Anh Ngọc, Đàm Liên, Quang Vinh, Kim Cúc, Xuân Huyền..., kéo nhau về Dương Cốc sơ tán. Cũng vào cái đận năm 1967 đó, không chỉ có "dân tuồng" về Dương Cốc tránh bom rơi, đạn lạc mà còn có cả "dân" Nhạc viện Hà Nội và nhiều nghệ sĩ điện ảnh v.v... Họ chia nhau ra khắp làng, sống trong các gia đình nông dân thuần phác, đôn hậu ăm ắp tình người sâu nặng.

Gánh tuồng Dương Cốc biểu diễn chào mừng nhân dịp làng vinh dự đón nhận danh hiệu "Làng văn hóa" do TP Hà Nội trao tặng.

Thế là, trong những ngày tháng rực rỡ ấy, dân làng Dương Cốc may mắn được đắm mình vào không khí nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng. Mặc cho những "thần sấm con ma" của đế quốc Mỹ ngày đêm hung hăng lồng lộn trên bầu trời miền Bắc nói chung và nơi xứ Đoài thơ mộng nói riêng thì, tại ngôi làng cổ Dương Cốc, những tinh hoa nghệ thuật nhiều sắc màu đầy vi diệu vẫn cứ hồn nhiên rung lên ở nơi ngô lúa nghèo nàn.

Đấy chính là cái "nguồn cơn" kéo người dân Dương Cốc đến với nghệ thuật tuồng. Và rồi, nhờ có cái duyên riêng với nghệ thuật tuồng mà ông trời và tổ nghề ban tặng, người làng Dương Cốc tạo danh cho cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình thành "đất tuồng" trứ danh có một không hai của xứ Đoài từ những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó.

2.Mới đó mà câu chuyện liên quan tới việc người nông dân chân đất Dương Cốc trở thành một phần của ngành nghệ thuật tuồng nước Việt nay đã vắt qua hai thế kỷ. Mặc dù chỉ mang tính "văn nghệ quần chúng" thật đấy, nhưng gánh tuồng làng Dương Cốc đã khẳng định như một đẳng cấp chuyên nghiệp từ diễn viên, phục trang cho tới âm nhạc và đặc biệt là kỹ thuật biểu diễn của họ.

Tại các Hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc, Dương Cốc luôn để lại một dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu tuồng, cũng như trong sự nể phục của bạn bè, của giới nghệ sỹ chuyên nghiệp.

Những người nông dân - nghệ sỹ chân quê thô mộc ấy đã làm nên một thương hiệu "Tuồng Dương Cốc". Hơn 50 năm trời say sưa với loại hình nghệ thuật di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, gánh tuồng Dương Cốc sở hữu một bảng kịch mục dày dặn thật đáng trân trọng: ngót nghét gần 100 vở diễn với đủ các loại đề tài.

Cũng là hơn 50 năm trời đằng đẵng ấy, không quản nắng mưa, gánh tuồng không chuyên Dương Cốc đã công diễn hàng vạn lượt, phục vụ hàng triệu người xem. Và đặc biệt, không lần nào tham gia các hội diễn trong tỉnh, toàn quốc mà các diễn viên… làng lại về tay không. Hơn 200 giải vàng tại các kỳ hội diễn, liên hoan là tài sản lớn nhất của gánh tuồng Dương Cốc.

Đấy là một con số không phải bất cứ một đoàn tuồng chuyên nghiệp nào cũng có cơ hội nắm trong tay chứ đừng nói tới những gánh tuồng làng, không chuyên. Tuồng đã hình thành nên tính cách của người dân Dương Cốc. Và cũng chính tuồng định hình nên bản ngã cốt cách riêng có của người Dương Cốc hôm qua và hôm nay: hào sảng tinh thần thượng võ và nhân văn!

Nhưng tiếc thay, xem ra cái tinh thần "Nhà nhà hát tuồng/ Người người hát tuồng" của cái "ngày xưa ấy" ở Dương Cốc bây giờ không còn nồng thắm như thuở nào nữa rồi. Dù có tìm mọi cách níu kéo thì gánh tuồng Dương Cốc đang đứng trước một thực tế xót xa: số người tự nguyện đến với tuồng giờ chỉ tính trên đầu ngón tay, dù rằng người làng không ai nỡ "hắt hủi" tuồng. Nhưng không ai bảo ai, tất cả các nghệ sĩ tuồng thôn dã của Dương Cốc đều giật mình hốt hoảng xót xa nhận chân ra một sự thật cay đắng này: cơ chế thị trường khiến cho họ không thể "sống" được với tuồng!

Thì đấy, nói đâu xa, ngay như vợ chồng ông bà Thường - Hảo, tiếng tăm vàng son với tuồng như thế, với những Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đủ kiểu… treo kín cả mấy gian nhà, nhưng cuối cùng, cặp vợ chồng nghệ sĩ này vẫn phải "lụy" từng con cua, con ốc và phản thịt lợn ngoài chợ thì mới có cái sinh nhai nuôi con nuôi cái, ngoài mấy sào ruộng khoán sản phẩm. Thế nên ngay cả con cháu của ông bà Thường - Hảo có lúc phải ngậm ngùi thốt lên: "Bố mẹ cứ Huy chương Vàng, Huy chương Bạc mà để làm gì cơ chứ?!".

3.Thật ra, cái sự tuồng Dương Cốc đang đứng trước nguy cơ "một mai, mai một", ngoài yếu tố khách quan do sự tác động gay gắt của kinh tế thị trường ra, còn có một yếu tố chủ quan xem ra rất đáng để suy ngẫm, mà rồi từ đó cần có "những việc cần làm ngay". Đó là, những nghệ sĩ chân quê của gánh tuồng làng không hề nhận được bất cứ sự tôn vinh ghi nhận của bất cứ một cấp, ngành nào phong tặng.

Từ những năm chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khó thuộc về thế kỷ trước cho đến tận ngày hôm nay, các thành viên của gánh tuồng Dương Cốc vô tư xả thân "sống chết" với nghề, lạc quan hỉ xả phục vụ đời sống cách mạng của quê hương, đất nước không khác gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Ấy thế nhưng buồn thay, chưa một ai được nhận tấm Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Đã thế, lại càng không hề có bất kỳ một nghệ sĩ nào thuộc "biên chế" của gánh tuồng làng Dương Cốc được vinh dự nhận các danh hiệu nghệ sỹ hay nghệ nhân gì.

Về mặt tinh thần đã thế, còn các hình thức hỗ trợ vật chất thì đôi khi năm thỉnh mười thoảng cũng có đấy. Nhưng cũng chỉ "gọi là" cho… có mà thôi! Buồn lắm thay! Như vậy, thử hỏi sao những người nghệ sĩ chân quê của gánh tuồng Dương Cốc lại không cảm thấy mủi lòng, chua chát xót thương cho một đời "chết" vì tuồng của mình và các đồng nghiệp?!

Và khi nhìn vào tấm gương của ông - bà - cha - mẹ… phải chịu đủ thứ thiệt thòi như vậy, thì liệu các thế hệ hậu sinh của làng Dương Cốc còn ai dám nối nghiệp những bậc "tiền nhân" của mình để giữ lại tiếng tuồng cho làng quê mình nữa?!

Vậy nên thiết nghĩ, dẫu có thể là một sự muộn màng (nhưng muộn còn hơn không!), song xem ra, đã tới lúc cần phải có một cách ứng xử sao cho thật công bằng và văn hóa đến nơi, đến chốn với tất cả những nghệ sĩ dân gian bằng việc phong tặng cho họ những giá trị văn hóa (kể cả vật chất) đích thực, một cách xứng đáng. Mà trong đó có những nghệ sĩ chân quê của gánh tuồng làng Dương Cốc.

Xem ra đấy cũng chính là liệu pháp tích cực nhất để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, chính quần chúng nhân dân chứ không phải ai khác mới là những chủ thể tích cực nhất trong sự nghiệp cách mạng nói trên. Mà một khi điều cốt tử đó được giữ gìn, phát triển một cách căn cơ bài bản thì âu đó cũng là một trong những biện pháp khả thi nhất làm triệt tiêu đi cái tư tưởng "tự diễn biến" và "tự suy thoái" đang có nguy cơ nảy nòi như những loài nấm độc hại làm băng hoại truyền thống đạo lý thuần Việt.

Do đó, thiển nghĩ, nếu như sự cống hiến của các nghệ sĩ chân quê không sớm được ghi nhận một cách thỏa đáng, công bằng thì e rằng, nghệ thuật tuồng cổ (và tất cả các loại hình dân ca, dân vũ khác) ở Dương Cốc nói riêng - và tất cả các miền quê thôn dã khác trên dải đất hình chữ S nói chung - chỉ còn là những tiếng ru hời, ru hỡi như những tiếng vọng thương nhớ về một thời quá khứ xa xăm mà thôi.

Một khi điều đáng tiếc ấy xảy ra thì tuồng Dương Cốc chỉ còn lại trong chuyện kể của những người già một thuở. Mà suy cho cùng, lỗi ấy chắc không thể đổ hết cho những "nghệ sỹ nhân dân" ở đất này?! Thế nên, mong lắm sao, một ngày nào đó, thế hệ "một mai" của làng Dương Cốc sẽ không phải giật mình tỉnh thức mà ngơ ngác thảng thốt xót xa hỏi nhau: "Những người muôn năm cũ - Hồn bây giờ ở đâu?!", ấy thế!

Tháng 4-2018

Lê Công Hội

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ve-duong-coc-xem-tuong-489811/