Về góc nhớ góc thương

Nhôm nhựa bán mua... Tiếng rao không còn nữa từ rất lâu nhưng trong ký ức của những người xóm nghèo chúng tôi, thanh âm ấy như vừa qua tai.

Lang bạt ngược xuôi, thi thoảng tôi nghe ai đó nói "đồ nhôm nhựa", ý là một món đồ kém chất lượng. "Đồ nhôm nhựa" cũng có thể hiểu là thứ không thể sử dụng được nữa, phải bỏ đi.

Miền Nam gọi đó là ve chai, miền Bắc gọi đồng nát. Chưa rõ miền Trung thế nào nhưng riêng xứ Nẫu tôi gọi đó là nhôm nhựa. Cùng với tiếng leng keng của cà rem,"nhôm nhựa bán mua" - tiếng rao của cô chủ gánh hàng nhôm nhựa mấy mươi năm rồi còn văng vẳng bên tai, nghe mà mắc thương mắc nhớ.

Chỉ là tiếng rao như bao tiếng rao khác, có gì để nhớ để thương? Vậy mà nhớ quay quắt.

"Nhôm nhựa bán mua"... (Ảnh minh họa từ Internet)

Trong xóm nghèo ấy, nhà tôi nghèo có... thứ hạng. Các vật dụng từ nồi niêu, xoong chảo, thau, giỏ đi chợ... cho đến dép đều chi chít mối hàn dọc ngang, khi nào không thể hàn hoặc vá đóng cúc được nữa thì mới bỏ nên nhôm nhựa cũng là thứ không dễ tìm ở thời điểm ấy. Vì thế, gánh nhôm nhựa đến và đi cũng nặng nhẹ theo mùa, thường là mùa tựu trường và những ngày cuối năm. Đó là thời điểm dành dụm nhôm nhựa để đổi lấy cái nồi gang hay đôi dép.

Nói là nhôm nhựa nhưng nhiều và có giá nhất vẫn là lông vịt. Giỗ chạp, sau khi làm thịt vịt xong, má dặn chị em tôi nhặt lông đe

Buôn có bạn bán có phường. Lúc cô nhôm nhựa lần đầu đến xóm, bà con cũng ngại mua bán hay đổi chác, có thứ gì cũng dành cho mối cũ. Có khi nửa năm, thậm chí cả năm, gánh nhôm nhựa mới trở lại nhưng đám trẻ vẫn nhận ra qua tiếng rao quen thuộc rồi chạy băng ra ruộng báo tin cho má, cho chị.

"Nhôm nhựa bán mua" - tiếng rao ngọt lừ vừa đủ nghe vọng từ bên kia rặng tre. Chẳng mấy chốc, âm thanh kẽo kịt của chiếc đòn gánh nghe gần hơn và hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn xuất hiện với gánh hàng oằn vai. Các bà, các cô cũng kịp mang mớ nhôm nhựa ra trước đầu ngõ chờ đổi món gì đó.

Đám trẻ chúng tôi lúc ấy thường bám theo sau gánh nhôm nhựa để khi dừng lại trước nhà ai đó sẽ được thỏa thích khám phá những món đồ có trên hai đầu gánh. Có hôm, vì mải theo gánh nhôm nhựa mà nhiều đứa quên nhiệm vụ nấu cơm, cho heo ăn, để phải ăn... đòn. Cô nhôm nhựa hiền như cục đất. Có đứa nghịch làm đổ đồ hết xuống nhưng cô không rầy la, còn lót đòn gánh ngồi chờ bọn trẻ chuyền tay nhau đôi dép ngửi rồi ướm thử xong mới thong thả gánh đi.

Lại chuyện cũ, nhớ lần tôi ra chợ phiên để hàn dép. Người ta bảo "dép hàn nhiều quá không thể làm được nữa, đem về bán nhôm nhựa là vừa". Phần tiếc, phần không có dép mang, trước giờ đi học, tôi lọ mọ xỏ dây thép cột lại. Bất chợt nhìn lên, thấy má đưa tay áo lau nước mắt, khóe mắt tôi cay cay.

Trong buổi gặp gỡ anh em mới đây, anh bạn mang dép tổ ong với một chiếc đứt được cột bằng dây điện màu vàng, trông như cái nơ xinh và duyên lắm. Anh này làm tôi mắc nhớ, mắc thèm ngày xưa. Nhớ tiếng rao "nhôm nhựa bán mua", thèm nghe mùi nhựa dép mới...

Cô hàng nhôm nhựa ngày nào về đâu không ai rõ. Đôi gióng đòn gánh nếu còn cũng đã yên vị xó nào. Má vẫn thói quen gom nhôm nhựa vào một góc, để đó như luôn nhắc nhớ con cháu về góc nhớ góc thương.

Tri Trần

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/ve-goc-nho-goc-thuong-20230513191859567.htm