Về Hà Giang - Mảnh đất 'cỏ chen đá, đá chen hoa'

Mục tiêu chính của đoàn xe chúng tôi nối dài trên nẻo đường ngoằn ngoèo là đến một điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để bàn giao những căn phòng nội trú, những món quà thiết yếu cho các em học sinh. Dọc theo cả quãng đường dài hàng trăm cây số đường đèo uốn lượn chúng tôi thực sự được mãn nhãn trước vẻ đẹp của mảnh đất Hà Giang - nơi được ví như 'nàng thơ' của núi rừng với nét đẹp hùng vĩ mà dịu dàng, trong trẻo và thanh bình của tạo hóa ban tặng cho nơi đây.

Chúng tôi ngược cao nguyên đá vào những ngày cuối thu - thời điểm đẹp nhất trong năm của cảnh vật nơi vùng đất “cỏ chen đá, đá chen hoa” này. Đất nước Việt Nam nhiều nơi núi non hùng vĩ nhưng phải đến Hà Giang mới có thể cảm nhận được sự đặc biệt của núi non nước Việt. Đúng như lời bài hát “Hà Giang ơi” mà chúng tôi vẫn hay ngân nga khi ngồi trên xe trong suốt chặng đường dài:

“Đây Hà Giang nắng hồng gọi mây

Bức tranh đẹp ngỡ là tiên cảnh

Núi nghiêng mình yêu thương

Cao nguyên đá sáng bừng kỳ vĩ”

(Tác giả Quách Beem)

Tôi từng đọc một tài liệu nói về đặc điểm địa hình nơi đây. Cụ thể, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 m đến 1.200 m so với mực nước biển. Đây là vùng tập trung nhiều ngọn núi cao. Địa hình Hà Giang về cơ bản, có thể phân thành 3 vùng.

Đường về Hà Giang có những khúc cua quanh co hiểm trở/https://dulich.petrotimes.vn/

Đường về Hà Giang có những khúc cua quanh co hiểm trở/https://dulich.petrotimes.vn/

Vùng cao phía Bắc còn gọi là cao nguyên Đồng Văn, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 90% diện tích là núi đá vôi. Ở đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, nhiều vách núi dựng đứng.

Vùng cao phía Tây gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần là một phần của cao nguyên Bắc Hà, thường được gọi là vòm nâng sông Chảy, có độ cao từ 1.000m đến trên 2.000m. Địa hình nơi đây phổ biến dạng vòm hoặc nửa vòm, quả lê, yên ngựa xen kẽ các dạng địa hình dốc, đôi khi sắc nhọn hoặc lởm chởm dốc đứng, bị phân cắt mạnh, nhiều nếp gấp.

Vùng núi thấp bao gồm địa bàn các huyện, thị còn lại, kéo dài từ Bắc Mê, thị xã Hà Giang, qua Vị Xuyên đến Bắc Quang. Khu vực này có những dải rừng già xen kẽ những thung lũng tương đối bằng phẳng nằm dọc theo sông, suối.

Nói qua những kiến thức về địa hình để thấy rằng, cụm từ “cỏ chen đá, đá chen hoa” là hoàn toàn có lý khi nói đến mảnh đất này. Đứng ở một điểm cao để nhìn bao quát tầm mắt thì hầu hết địa hình ở đây là đồi núi đá vôi. Cỏ cây đều phải chen đá để ngoi lên và cả những bông hoa nhỏ bé mong manh cũng hiên ngang khoe khắc bên những mỏm đá. Cũng như những con người nơi đây, họ sống bền bỉ, hiền hòa cùng với thiên nhiên. Mỗi căn nhà như những khóm cây, mỗi con người như một bông hoa mạnh mẽ tỏa sắc giữ núi rừng.

Hà Giang đẹp và ý nghĩa ở ngay cả chính tên gọi của nó. Hà Giang theo cách giải thích về nghĩa chữ, thì trong từ Hà Giang, cả "Hà" và "Giang" đều có nghĩa là sông, trong đó "Hà" là sông nhỏ và "Giang" là sông lớn. Tên gọi Hà Giang được giảng nghĩa là "sông nhỏ chảy vào sông lớn". Cách đặt tên này dựa vào đặc điểm địa hình thực tế của Hà Giang, với dòng sông Miện chảy vào sông Lô. Đây là hai con sông chính chảy qua trung tâm của tỉnh.

Và Hà Giang trong cách phát âm của người Việt cũng dễ để lại một mối cảm mến tơ vương. Nó như một cô gái đẹp vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng. Dịu dàng như dòng sông Nho Quế uốn lượn hiền hòa quanh năm khoác lên mình chiếc áo xanh ngọc bích.

Chuyến đi của chúng tôi qua nhiều điểm thuộc cao nguyên Đồng Văn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hành trình gần 160km từ thành phố Hà Giang trên con đường Hạnh Phúc (Quốc lộ 4C), chúng tôi qua những cổng trời và rất nhiều khúc cua hiểm trở. Cả chiều đi và về, chúng tôi đã dừng chân ở rất nhiều những điểm “check in” nổi tiếng của Hà Giang mà bất kể du khách nào khi đặt chân đến vùng đất này cũng không thể bỏ qua.

Tôi biết đến mảnh đất Hà Giang qua câu chuyện của cha về những năm tháng mảnh đất này còn chìm trong khói lửa chiến tranh - nơi ông đã để lại một phần máu thịt, mồ hôi, nước mắt cùng đồng đội trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Lúc bấy giờ Hà Giang hiện lên trong suy nghĩ của tôi với vẻ đẹp mờ ảo của sương khói núi rừng miền biên viễn, của hình ảnh những anh lính cụ Hồ xông pha ra chiến trận… sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất nơi địa đầu Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

Năm 1989, chiến tranh Biên giới phía Bắc kết thúc. Trải qua hơn 30 năm, giờ đây mảnh đất Hà Giang đã hồi sinh mãnh liệt và phát triển không ngừng cùng với sự thay đổi không ngừng của tất cả những vùng quê trên lãnh thổ Việt Nam. Cuộc sống nhiều đổi thay, thế nhưng, điều mà hầu như bất cứ người con đất Việt nào khi đặt chân đến mảnh đất này lại vẫn luôn cảm nhận được đó là cảnh núi non hùng vĩ, có những cung đường còn mang vẻ hoang sơ… đặc biệt là được hòa mình vào giữa thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành, được chứng kiến cuộc sống với những điều hoàn toàn mới lạ của đồng bào vùng cao, nơi mà dân ở miền xuôi chưa từng được biết. Tất cả đều mang đến trong tâm hồn mỗi người một cảm giác bình yên, thanh thản đến lạ.

Nghĩa trang Vị Xuyên

Đặt chân đến Hà Giang, điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Nói đến Vị Xuyên là nói đến mảnh đất “máu và lửa” bởi nơi đây hơn 4.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (năm 1979 và năm 1984-1989) để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhưng đến nay chỉ có hơn 1.800 hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và được đưa về nghĩa trang để an táng.

Thắp những nén nhang trước đài tưởng niệm và vái vọng những bia mộ liệt sĩ mà chúng tôi không thể đến tận nơi thắp hương cho các anh cũng như các anh vẫn còn nằm đâu đó trên mảnh đất Vị Xuyên, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Bình yên hôm nay đã được đánh đổi bằng những trận mưa bom bão đạn, những anh dũng hy sinh của hàng ngàn chiến sĩ từ hàng thập kỉ về trước.

Cánh đồng hoa tam giác mạch

Rời Vị Xuyên, chúng tôi bắt đầu rong ruổi trên những cung đường của quốc lộ 4C. Hà Giang đón đoàn chúng tôi với không khí trong lành và mát mẻ, dù cái nắng vàng óng, bỏng rát vào cuối thu vẫn tỏa tràn ra khắp nơi. Thời gian này, tuy những thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang chưa vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín nhưng không phải vì thế mà kém sắc. Nơi đây vẫn đủ sức làm bao con tim xao xuyến bởi màu xanh mơn mởn của những cánh đồng ngô - một trong các loại lương thực chủ yếu của vùng "hoa mọc trên đá" này hòa lẫn trong màu xanh ngút ngàn của núi rừng.

Mặc dù đang “ngây ngất” với liên tiếp những khúc cua trên con đường đèo dọc quốc lộ 4C, nhưng chúng tôi chợt bừng tỉnh và như có chút “doping” khi nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch chạy dọc hai bên đường.

Ở Hà Giang, những cánh đồng hoa tam giác mạch được người dân trồng dọc quốc lộ 4C và tỉnh lộ 176 ở Hà Giang. Hoa tam giác mạch thuộc họ đậu (Fabaceae), cánh hoa chụm lại với nhau thành hình chóp, ở giữa là hạt mạch. Màu sắc của hoa tam giác mạch thay đổi theo từng giai đoạn. Khi mới nở, hoa mang màu trắng tinh khôi, rồi chuyển sang hồng nhạt, hồng ánh tím rồi đỏ sẫm. Những cánh đồng hoa này nở rộ đẹp nhất vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11. Do vậy, chúng tôi đang có dịp đứng giữa cánh đồng hoa vào độ đẹp nhất.

Nhiều năm trở lại đây, hoa tam giác mạch được coi là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của cao nguyên đá Đồng Văn. Năm nay, Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII sẽ khai mạc vào ngày 26/11/2022 tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) với chủ đề "Sức sống cao nguyên đá".

Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang đã trồng gần 400ha hoa tam giác mạch. Thời gian hoa nở sẽ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ hội.

Tại huyện Quản Bạ, địa điểm tập trung nhiều hoa tam giác mạch là điểm dừng chân Cổng trời, điểm du lịch Thạch Sơn Thần và các điểm dọc quốc lộ 4C. Huyện Yên Minh có các điểm trồng nhiều hoa là Na Khê, Lao Và Chải, Du Già, thị trấn Yên Minh. Tại huyện Mèo Vạc trồng nhiều ở thôn Há Chí Đùa, Hấu Chua, Pả Vi…

Nhiều năm qua hoa tam giác mạch đã trở thành điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch đến với Hà Giang mỗi năm, đặc biệt là các bạn trẻ thích du lịch và đam mê khám phá.

Cổng trời Quản Bạ

Không chỉ gây ấn tượng với cảnh đẹp xuất sắc của những cánh đồng hoa tam giác mạch mà suốt cả quãng đường đi, chúng tôi bị hút hồn bởi nhữnng vạc đá tai mèo trải dài khắp các sườn đồi, con đường đèo quanh co uốn lượn.

Cổng trời Quản Bạ là cửa ngõ đầu tiên và quan trọng nhất của Đồng Văn và cũng là nơi bắt đầu của con đường Hạnh Phúc. Để ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn, đoàn phải leo qua 135 bậc thang dẫn đến đỉnh núi, hơi mệt chút nhưng thật sự rất xứng đáng. Bởi tại đây, chúng tôi được phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh đẹp của thị trấn Tam Sơn và cả ngọn núi đôi Cô Tiên ngay bên dưới một cách tuyệt vời nhất.

Đèo Mã Pì Lèng

Tọa lạc trên quốc lộ 4C, xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang - đèo Mã Pì Lèng Hà Giang được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam với chiều dài 24 km, nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển. Đây cũng là một cung đường cheo leo và hiểm trở nhưng vô cùng nổi tiếng lại Hà Giang.

Du khách tham quan tại Mã Pì Lèng/https://dulich.petrotimes.vn/

Mã Pì Lèng đóng vai trò là cung đường chính nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, tầm mắt chúng tôi được bao trọn cả khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế. Phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp.

Hơn thế nữa, trên Con Đường Hạnh Phúc này, chúng tôi còn được dịp nhâm ly tách cà phê ở Mã Pì Lèng Panorama - một điểm check in của giới trẻ không thể bỏ qua khi đến cung đường Mã Pì Lèng.

Dòng sông Nho Quế

Cùng với Mã Pì Lèng hiểm trở, sông Nho Quế đã trở thành huyền thoại, đi vào thơ ca và là một trong những biểu tượng của Hà Giang. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam, sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng Kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.800m, sông Nho Quế chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua núi rừng hoang vu hiểm trở, đổ vào xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) để vào nước ta. Sông tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo Mã Pì Lèng, khi đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh và chảy sang địa phận Cao Bằng, cuối cùng nhập vào sông Gâm tại ngã ba Nà Mát.

Hầu hết thời gian trong năm, nước sông Nho Quế có màu xanh ngọc lục bảo tuyệt đẹp, ánh lên giữa những chân núi đá xám lạnh, bên cạnh những mảng xanh thẫm trong không gian hùng vĩ của rừng già, đá núi và mây trời.

Đã đến Hà Giang, nếu đến thăm sông Nho Quế, người ta sẽ muốn chinh phục đèo Mã Pì Lèng và ngược lại, vượt đèo để ngắm cảnh kỳ vĩ của dòng sông xanh thơ mộng. Nho Quế - Mã Pì Lèng giống “cặp đôi” tuyệt cảnh của du lịch Hà Giang, bởi thiếu một trong hai thì vẻ đẹp không còn trọn vẹn.

Dinh Vua Mèo

Dinh thự Vua Mèo hay còn được biết đến với cái tên Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km và cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành).

Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. Còn con trai ông là người đi theo con đường cách mạng, nhờ những cống hiến cho đất nước nên được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên.

Toàn bộ dinh thự "Vua Mèo" có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1898 và hoàn thành 9 năm sau đó tức năm 1907. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Kiến trúc bên trong dinh thự vô cùng độc đáo, là sự kết tinh của 3 nền văn hóa khác nhau gồm người Mông, người Pháp và người Trung Quốc. Công trình gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc chia thành 3 khu vực tiền dinh (dành cho lính canh và nô tì), trung dinh và hậu dinh (là nơi ở và làm việc) với 64 buồng nhỏ chia thành 2 tầng.

Để đáp ứng được tiêu chí kiên cố, những người thợ xây đã sử dụng đá xanh để xây dựng giúp dinh thự đứng vững trước kẻ thù và thời gian. Mái vách và cột trụ được làm bằng gỗ để tôn thêm sự uy nghiêm và uyển chuyển cho những căn phòng. Một vật liệu nữa được sử dụng là đất nung dùng cho việc xây các mái ngói để tạo hình dễ hơn nhưng không kém phần chắc chắn. Cho đến tận ngày nay, Dinh thự Vua Mèo là một trong số ít những công trình đáp ứng tất cả các yêu cầu về nơi ở, làm việc và trở thành một căn cứ phòng thủ mỗi khi có chiến sự xảy ra.

Dù có sự kết hợp của 3 nền văn hóa trong kiến trúc nhưng nhiều người nhận xét rằng dinh thự họ Vương vô cùng hài hòa, uyển chuyển nhịp nhàng như thành một khối thống nhất mà không hề gò bó, khiên cưỡng.

Phố cổ Đồng Văn

Nhắc đến phố cổ, người ta thường nhớ tới Phố cổ Hội An hay Phố cổ Hà Nội 36 phố phường và khi bước chân xuống mảnh đất Hà Giang, chúng tôi còn được biết đến một phố cổ nữa là Phố cổ Đồng Văn.

Chợ đêm Đồng Văn/https://dulich.petrotimes.vn/

Phố cổ Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.600m so với mực nước biển. Giữa bốn bề là núi rừng trập trùng, phố cổ Đồng Văn ẩn mình trong sự trầm mặc và cổ kính đầy ấn tượng. Không ngoa khi nói rằng vẻ đẹp của khu phố này là điểm nhấn đặc sắc giữa vùng cao nguyên đá khô cằn.

Khi đặt chân đến con phố này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc vô cùng hoài cổ với những dãy nhà xây làm 2 tầng đầy cổ kính. Phía trên là mái ngói âm dương - một kiểu kiến trúc tiêu biểu trong những nếp nhà của người dân tộc vùng núi phía Bắc nước ta. Một số căn nhà còn được treo đèn lồng đỏ trước cửa để trang trí khiến không gian thêm huyền ảo hơn.

Phố cổ Đồng Văn ở Hà Giang như nơi dòng chảy thời gian đã xóa nhòa khoảng cách giữa quá khứ và hiện thực. Từ những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, những phiên chợ vùng cao cho đến những đêm hội rực rỡ sắc màu…

Khu nghỉ dưỡng H’mong Village

Khu nghỉ dưỡng cao cấp H’Mong Village nằm tại xã Đông Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 60km, là cửa ngõ vào công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn.

H’Mong Village tọa lạc trên sườn núi được ôm trọn bởi rừng đá hình cánh cung, dưới chân là thung lũng Tráng Kìm và dòng sông Miện hiền hòa chảy qua. Khu nghỉ dưỡng có diện tích lên đến 25ha, được chia làm hai khu. Khu vực bên ngoài gồm hệ thống trung tâm điều hành, nhà hàng, quán bar, nhà trưng bày các mặt hàng lưu niệm, bể bơi vô cực, nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa trên 50 khách và 14 bungalow hình quẩy tấu. Khu vực phía trong nằm khá biệt lập, là khu nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao với 25 bungalow và 1 hồ bơi vô cực có hệ thống nước nóng, lạnh, một nhà hàng chuyên phục vụ món Âu. Đan xen các công trình là vườn đào, vườn mận, rừng đá tự nhiên, ruộng bậc thang hoa và thảm cỏ xanh mướt trải rộng bốn mùa.

H’Mong Village có kiến trúc đặc trưng với tường trình đất, mái lợp ngói âm dương, khuôn viên sân vườn xếp bằng đá xanh. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa cây, cỏ và nước tạo cho H’Mong Village một không gian yên bình, gần gũi với thiên nhiên, nếu mùa Đông ấm áp thì mùa Hè lại vô cùng mát mẻ.

Chợ đêm Mèo Vạc

Chợ đêm Mèo Vạc nằm trong khuôn viên chợ trung tâm huyện, với diện tích hơn 3.500 m2, được sắp xếp với các khu chính, gồm: Khu bán hàng lưu niệm và các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu; khu bán nước giải khát, đồ nướng; khu ẩm thực; khu tổ chức văn hóa - văn nghệ. Mỗi tối thứ 7 hàng tuần, sẽ có 3 - 4 đoàn trình diễn những làn điệu dân ca, hát đối giao duyên, múa, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc đặc trưng để phục vụ công chúng. Vì vậy, mỗi du khách đến với chợ đêm không chỉ được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống, như: Mèn mén, thắng cố, rượu ngô men lá… còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, tham gia giao lưu với các nghệ nhân hoặc trải nghiệm hát, múa khèn.

Chợ đêm Mèo Vạc cũng là nơi để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng không chuyên có cơ hội thể hiện niềm đam mê yêu nghệ thuật dân gian, nơi nuôi dưỡng ước mơ cho các bạn trẻ, các em học sinh kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của ông cha; là cơ hội để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đến với du khách. Chị Nguyễn Thị Hương, du khách đến từ Bình Phước chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên đến Mèo Vạc và cũng là lần đầu tiên được tham dự phiên chợ đêm đặc sắc, tôi được hòa mình vào cuộc sống vùng cao với những phong tục, tập quán mang đậm giá trị truyền thống; khi trở về tôi nhất định sẽ giới thiệu cho bạn bè để họ lên tham dự phiên chợ đêm nơi đây".

Điểm đặc biệt nữa là chợ hoạt động vào tối thứ 7 hằng tuần nên rất thuận lợi để các công ty lữ hành tổ chức tour, tuyến cho du khách. Chợ đêm Mèo Vạc là điểm đến vô cùng thú vị, nơi giao lưu và đưa văn hóa địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Vừa ăn thắng cố, vừa nâng chén rượu ngô… đủ sức làm say lòng du khách.

Chợ phiên Đồng Văn

Chúng tôi tìm đến chợ phiên Đồng Văn bởi được nghe giới thiệu rất nhiều về những món ăn vừa ngon vừa độc lạ nơi đây. Nếu như ở phía ngoài của chợ là nơi bán những đồ nông sản do người dân địa phương tự trồng, tự làm như vài bó rau, quả vườn nhà, khoai, ớt, măng rừng, thịt gác bếp… Thì đi sâu vào trong chợ là một khung cảnh hết sức nhộn nhịp. Khói và hơi thức ăn bốc lên nghi ngút từ các gian bán hàng ăn mang theo những mùi thơm khó cưỡng. Ai đến đây vào buổi sáng cũng cũng mang theo những chiếc bụng đói do vậy đều nhanh chóng tìm cho mình những thức ăn phù hợp để ghé chân vào.

Bạn có thể thưởng thức một số món ăn đặc sản nổi tiếng như thắng cố, là một trong những món ăn đặc trưng của Hà Giang. Ngoài ra bạn cũng có thể thưởng thức món ăn này cùng với một chút rượu ngô để cảm nhận được vị đậm đà khó quên của thắng cố. Bạn cũng có thể thưởng thức thêm một số những món ăn khác ở tại khu vực chợ phiên như mèn mén hay thắng dền để cảm nhận về một Hà Giang thật khác biệt.

Rời khỏi gian hàng ăn, chúng tôi vẫn không khỏi luyến tiếc vì chưa thể thưởng thức hết được những món ăn. Đành hẹn một ngày gần nhất trở lại Hà Giang, trở lại mảnh đất tuyệt vời này để tiếp tục khám phá và thưởng thức ẩm thực vùng cao.

Cột cờ Lũng Cú

Sở dĩ tôi nhắc đến Cột cờ Lũng Cú cuối cùng trong hàng loạt điểm dừng chân của chúng tôi là bởi vì, ai đã trót mê hoặc bởi vẻ đẹp của Hà Giang, ai đã dâng đầy niềm tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên của Tổ quốc Việt Nam thì sẽ không thể không đến Cột cờ Lũng Cú để ghi dấu chân mình.

Từ chân núi, leo 389 bậc thang đá lên đỉnh cột cờ, ai cũng thấm mệt nhưng khi tận mắt ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc rộng 54m tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay hiên ngang trong gió, đứng trên cao nhìn ngắm khung cảnh xung quanh và thấy xa xa vùng biên giới với nước bạn, dường như ai cũng có một cảm xúc rưng rưng đầy tự hào.

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú (độ cao 1.700 so với mực nước biển) hay còn gọi là đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc của Tổ quốc.

Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước, mặc dù ở độ cao chót vót này nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng).

Vẫn còn nhiều điểm du lịch mà chúng tôi chưa có dịp được ghé qua trong chuyến công tác ngắn ngủi của mình nhưng sức cuốn hút của “nàng thơ” Hà Giang chắc chắn đã để lại nhiều thương nhớ với mỗi chúng tôi. Và chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại Hà Giang vào những ngày gần nhất để vừa tiếp nối những việc làm thiện nguyện của mình, vừa tiếp tục được khám phá những vẻ đẹp của mảnh đất kì bí mà gần gũi thân thiện này.

Ngày 2/8/2021 Nghị quyết số 11-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 ra đời, ghi dấu quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nghị quyết khẳng định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa.

9 tháng đầu năm 2022, Hà Giang đón 1.525.638 lượt khách du lịch, tăng 240% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch năm 2022; trong đó 26.022 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 1.499.616 lượt người, doanh thu du lịch đạt 3.051 tỷ đồng.

Minh Lê

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ve-ha-giang-manh-dat-co-chen-da-da-chen-hoa-670588.html