Về Hà Lâu đi chợ phiên, xem những trận bóng đặc biệt

Hà Lâu là một trong 6 xã vùng cao của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh với trên 99% dân số là người dân tộc thiểu số và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng có. Nhiều du khách đến đây rất thích thú với phiên chợ quê hay 'mãn nhãn' với màn so tài đầy căng thẳng và kịch tính của đội bóng đá nữ Hà Lâu.

Chợ phiên Hà Lâu được tổ chức mỗi tháng vào ngày Chủ nhật của tuần thứ 4, với rất nhiều sản vật của địa phương được bày bán như gà Tiên Yên, mật ong rừng, rau xanh... và luôn sôi động với tiếng nói, tiếng cười của mọi người. Ông Nguyễn Thanh Tùng, quyền Chủ tịch xã Hà Lâu cho biết xã sẽ duy trì phiên chợ để người dân có một sân chơi gắn tình đoàn kết, còn du khách có một địa điểm để trải nghiệm khi đến với Tiên Yên.

"Đặc biệt trong phát triển kinh tế, xã tiếp tục kết nối, mở rộng và quan tâm đầu tư, mở rộng các hoạt động văn hóa, văn nghệ để phát triển chợ phiên Hà Lâu một tháng một lần. Huy động các lực lượng và tuyên truyền tới người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút du khách ở các địa phương khác đến. Ngoài ra cũng là dịp để các hộ trong thôn, xã đến tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa thể thao cũng như đem những mặt hàng nông sản ra để trao đổi hàng hóa", ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Trang phục cầu thủ nữ mặc là trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chỉ (áo xanh, chân váy màu đen) và dân tộc Dao Thanh Y.

Với mong muốn Hà Lâu trở thành điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao, Sán Chỉ, Tày… chính quyền xã xây dựng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao. Đặc biệt kể đến phong trào bóng đá nữ, cầu thủ là người dân, cán bộ đang sinh sống ở xã.

Trong trận bóng, 2 đội gồm 16 cầu thủ, đa phần chị em mới tham gia nên dùng cách “oẳn tù tì” để chia đội, chọn sân. Thay vì mặc trang phục dành cho bóng đá, cầu thủ nữ ở đây mặc trang phục của các dân tộc. Chị Lý Thị Thảo, người Tày ở xã Hà Lâu đến cổ vũ cho đội bóng hào hứng cho hay: "Mặc những bộ trang phục của dân tộc mình sẽ thể hiện được bản sắc riêng của xã Hà Lâu. Như này du khách sẽ rất hứng thú".

Không theo luật quốc tế của sân bóng, chị em ở đây chơi oẳn tù tì để chọn sân.

Ban đầu thành lập đội bóng đá nữ, một số chị em còn e ngại. Sau vài lần tổ chức, dần dần chị em tham gia đông hơn. Xã Hà Lâu có 6 thôn thì hiện 4 thôn đã có đội bóng đá nữ. Chị Bế Thị Lý, cô giáo mầm non người Tày ở Hà Lâu chia sẻ: "Em thấy vui, hào hứng và tự hào. Em hy vọng phiên chợ vùng cao tổ chức nhiều hoạt động như này để nhiều người dân được tham gia, giao lưu với nhau".

Anh Nguyễn Văn Quảng - cán bộ địa chính xã kiêm trọng tài cho các trận bóng đã nữ cho biết, nhiều khi anh vừa bắt bóng vừa chỉ chiến thuật cho chị em. Thú vị nhất của đội bóng ở Hà Lâu chính là trang phục truyền thống và tinh thần thể thao "cao ngút ngàn" của chị em. "Nếu nói về bản sắc, mỗi vùng miền có trang phục khác nhau. Chị em người Dao mặc trang phục rực rỡ. Dù khi đá bóng trang phục có phần nào ảnh hưởng đến hoạt động nhưng đó mới là bản sắc".

Trang phục của dân tộc Dao Thanh Y nổi bật trên sân cỏ.

Không chỉ diễn ra ở chợ phiên mà mỗi dịp xã có sự kiện, lễ hội hay Tết, người dân ở Hà Lâu lại tập trung về sân bóng trung tâm của thôn hò reo, cổ vũ các đội bóng đá nữ tranh tài. Các cầu thủ nghiệp dư ngày thường quen với công việc giáo viên hay đi rừng, làm nương,... nay xỏ giày đá bóng cũng không kém phần chuyên nghiệp. Những pha bứt tốc, sút xa dù đôi khi chưa chuẩn xác, nhưng niềm vui thì luôn tràn ngập trên sân cùng trái bóng tròn.

Lan Anh/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/san-tour/ve-ha-lau-di-cho-phien-xem-nhung-tran-bong-dac-biet-post1050158.vov