Về Hòa Loan xem lễ hội kéo co

Thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nằm khép mình bên Quốc lộ 2A, nơi có dòng sông Phan uốn lượn, hiền hòa chảy qua, đất đai trù phú, cây cối tốt tươi, con người luôn mến khách, nết na hay lam hay làm. Nơi đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về người dân lại tưng bừng mở lễ hội kéo co.

Theo các cụ cao niên trong làng thì tập tục kéo co vào dịp Tết cổ truyền có từ rất lâu đời, đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ người làng Hòa Loan. Có người xa quê mấy chục năm nhưng vẫn nhớ đến lễ hội của làng. Cứ mỗi mùa Xuân đến, tâm trạng những người đi xa luôn nhớ về quê hương, nhớ đến những kỷ niệm về lễ hội kéo co một thời. Kéo co là món ăn tinh thần, đã đồng hành cùng bao thế hệ người làng Hòa Loan vào dịp đầu năm mới. Kéo co không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc mà còn là nguồn động viên khích lệ rất lớn để người dân hăng say lao động sản xuất xây dựng quê hương trong dịp đầu xuân mới. Thế nhưng cũng như nhiều làng quê khác của dải đất hình chữ S, trong những năm đất nước còn chiến tranh giặc giã, Hòa Loan cũng bị địch bủa vây, bom đạn giặc cày xới, nên nhiều tập tục cổ truyền và lễ hội kéo co của làng cũng bị ngưng trệ. Cho đến mùa xuân năm 1992, khi mà đình làng Hòa Loan được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, thì lễ hội kéo co chính thức được duy trì trở lại.

 Một giải đấu cam go trong lễ hội kéo co ở Hòa Loan.

Một giải đấu cam go trong lễ hội kéo co ở Hòa Loan.

Lễ hội kéo co được diễn ra vào các buổi chiều, từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 8 Tết Nguyên đán hằng năm. Mọi thủ tục tế lễ, chia dây, đánh dấu cõi… được thực hiện đúng nghi thức truyền thống các cụ xưa để lại. Theo tục lệ, kéo co được chia làm hai bên: Đình Đông và Đình Giếng. Đình Đông của họ Dương, đình Giếng thuộc họ Đào (hai họ lớn nhất của làng). Còn lại họ Nguyễn, họ Phạm kéo bên đình Giếng cùng họ Đào; họ Khổng, họ Bùi kéo bên đình Đông cùng họ Dương. Như vậy cả làng ai cũng được tham gia kéo co, không phân biệt già trẻ, gái trai, dâu rể. Mỗi giải kéo (một lần kéo) không quy định về thời gian mà tùy thuộc vào sự quyết liệt của hai bên. Thực tế đã có những giải kéo hai bên giằng co nhau đến hơn một giờ đồng hồ.

Ông Dương Văn Lương, Trưởng ban tổ chức Lễ hội kéo co Hòa Loan chia sẻ: "Dây kéo co thường là dây song, có đường kính 4-5cm, dài khoảng 70-80m. Loại dây song này rất hiếm, thường chỉ có ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Hằng năm, Ban tổ chức lễ hội phải kiểm tra dây nếu dây song kém phải cử người đi tìm mua từ vài ba tháng trước Tết. Kéo co, ngoài sức khỏe ra cũng cần phải có mẹo, biết chọn thế đứng, cách gìm dây và điều quan trọng là phải biết đồng tâm hiệp lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, có như vậy thì mới dành được chiến thắng".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lai, Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa cho biết: Lễ hội kéo co ở Hòa Loan hằng năm được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm tốt an ninh trật tự, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia, thực sự là ngày hội của làng. Sáng người dân ra đồng cày bừa và cấy, chiều vẫn ra vui hội kéo co. Đây là lễ hội lớn nhất của địa phương cũng như một số xã lân cận nên tụ hội nhiều nam thanh nữ tú đến vui chơi, cổ vũ, tham gia kéo co. Điều đó thể hiện đậm nét văn hóa dân tộc trong những ngày đầu Xuân.

Đã có rất nhiều câu chuyện vui xung quanh lễ hội kéo co in đậm trong tâm trí người làng Hòa Loan. Nó như là món ăn tinh thần, tiếp thêm năng lượng cho người dân hăng say lao động, sản xuất trong một mùa xuân mới.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-hoa-loan-xem-le-hoi-keo-co-608907