Về làng đồ thờ dịp cuối năm

Những ngày cận Tết Nguyên đán, các hộ sản xuất, kinh doanh vàng mã tại làng nghề đồ thờ Hiền Đa, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê lại tất bật với công việc vót tre, làm khung, dán giấy 'chạy đua' với thời gian để kịp thời đáp ứng, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân dịp cuối năm.

Các hộ trong làng nghề tất bật hoàn thiện các sản phẩm để giao cho khách.

Nghề làm vàng mã ở Hùng Việt đã có từ cách đây vài chục năm, truyền dạy, nối tiếp trở thành nghề truyền thống, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Được công nhận làng nghề vào năm 2011, các hộ trong làng nghề không làm vàng mã theo mùa vụ mà sản xuất quanh năm, trong đó có ba đợt “cao điểm” là rằm tháng Bảy, cận Tết Nguyên đán và tháng Giêng. Mỗi năm làng nghề sản xuất hàng nghìn sản phẩm, chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang...

Năm Giáp Thìn nên sản phẩm hình con rồng được làng. nghề sản xuất với số lượng lớn.

Trung bình, mỗi ngày các hộ làm nghề ở đây phải sản xuất hàng trăm mẫu hàng khác nhau mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Vào dịp cuối năm, các hộ sản xuất phải làm từ sáng sớm cho tới tận khuya mới ngơi tay và hầu hết các sản phẩm đều được làm thủ công. Đến thăm gia đình chị Đỗ Thị Định, người gắn bó với nghề vàng mã đã hơn 30 năm, chúng tôi được chị chia sẻ: “Cách làm thủ công như thế này vẫn được nhiều người trong khu vực và các tỉnh lân cận ưa chuộng vì giá thành phù hợp và mẫu mã đẹp mắt. Những hoa văn, họa tiết trên các sản phẩm chúng tôi đều dán bằng tay, sử dụng hồ dán theo các cụ ngày xưa truyền lại. Cách làm này giúp tiết kiệm giá thành và sản phẩm cũng được bền hơn, không dễ bị bung, tuột”.

Theo chia sẻ của người dân làng nghề, công việc làm vàng mã từ giữa tháng Chạp cho tới tháng Giêng sẽ còn rất bận rộn. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng không có nhiều biến động, dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, hoặc giá thành cao hơn đối với những mẫu hàng to, đẹp theo yêu cầu đặt riêng của khách hàng.

Chị Tâm tạo hình ngựa từ các nan tre.

Là một trong những hộ sản xuất với số lượng lớn, bán buôn và cả bán lẻ tại nhà, chị Nguyễn Thị Tâm, khu Phú Xuân cho biết: “Việc sản xuất, tiêu thụ diễn ra quanh năm nhưng tháng cuối năm mới là dịp cao điểm, nhất là khoảng từ 20 tháng Chạp để người dân cúng ông Công, ông Táo. Hàng hóa làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều khi còn cháy hàng, các thương lái đến mua còn phải chờ làm xong cho đủ chuyến xe mới vận chuyển đi. Sản phẩm hàng mã phục vụ cúng ông Công, ông Táo có nhiều mức giá, một bộ đầy đủ có giá dao động từ 30.000- 70.000 đồng".

Thăm quan các hộ làm nghề có thể thấy các sản phẩm được sản xuất tại làng nghề rất phong phú và đa dạng về mẫu mã, chủng loại, kích cỡ... từ thoi vàng cho đến hình nhân, ngựa, xe, mũ, nón, quần áo giấy...... Mỗi loại đều có những phụ phẩm đi kèm, được làm bằng chất liệu đơn giản, giá cả phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng.

Các sản phẩm rất phong phú, đa dạng.

Xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”, dù giàu hay nghèo thì việc sắm lễ vàng mã cúng cho người cõi âm trở thành thói quen tiêu dùng không thể thiếu đối với đại bộ phận người dân Việt Nam trong mỗi dịp lễ Tết. Trải qua thời gian, làng nghề sản xuất đồ thờ cúng cũng vì thế mà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh, gắn liền với phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt và tục thờ bếp, cúng Táo quân ngày Tết. Tuy nhiên, cùng với những nét văn hóa, phong tục, tập quán, các hộ gia đình cũng cần cân nhắc khi mua các sản phẩm vàng mã, để đảm bảo hợp lý, vừa đủ... tránh tình trạng lãng phí, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/ve-lang-do-tho-dip-cuoi-nam/206379.htm