Về miền di sản Nghi Xuân

Về miền di sản Nghi Xuân

Video: Review Khu du lịch biển Xuân Thành (Nghi Xuân). Nguồn: CTV

Dẫu đã đặt chân đến đây không biết bao nhiêu lần nhưng trong tiết Thanh minh này về lại nơi quê hương của cụ Nguyễn Tiên Điền, những cảm xúc lại bồi lên trong tôi như lớp sóng ngoài sông Lam vỗ vào bờ bãi. Đứng trước Khu di tích Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền, nhìn về phía bến Giang Đình, những câu thơ của Đại thi hào cứ vọng lên như nhắc nhớ một tâm hồn sống mãi cùng mạch nguồn quê hương xứ sở: Cáo lão cha xưa nhớ những ngày/ Ngựa xe rong ruổi bến sông này (Giang Đình hữu cảm). Những năm tháng sôi nổi của thời thanh niên, ông đã từng nhận mình là “Hồng Sơn liệp hộ”, “Nam Hải điếu đồ” (người đi săn trên núi Hồng, người câu cá ở bể Nam) và dẫn đầu trai phường nón Tiên Điền vượt núi Hồng sang hát ví với các cô gái phường vải Trường Lưu. Ông đã từng thốt lên “Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng!” (núi Hồng, sông Lam cảnh đẹp vô cùng!). Với tài năng vĩ đại, tâm hồn luôn gắn với sông núi quê hương, với nhân sinh thế cuộc, những trước tác của ông, nổi bật là Truyện Kiều đã đưa Nguyễn Du trở thành danh nhân được thế giới ngưỡng mộ.

Non nước Hồng - Lam. Ảnh: Đậu Hà

Niềm tự hào về quê cha đất tổ của Nguyễn Du cũng chính là niềm tự hào của bao thế hệ người Nghi Xuân xưa và nay về miền đất cổ có thế núi hình sông đặc biệt. Các di chỉ khảo cổ học ở Bãi Cọi, Phôi Phối (Xuân Viên), ở Xuân An, Hội Thống cho thấy con người đã đến đây định cư từ rất sớm. Thời Văn Lang - Âu Lạc, Nghi Xuân thuộc bộ Cửu Đức; thời Bắc thuộc là đất Hàm Hoan, Dương Thành, Dương Thoại, Phổ Dương; thời nhà Lý gọi là huyện Nha Nghi. Năm Kỷ Sửu 1469, Vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, tên huyện Nghi Xuân có từ thời đó.

Với địa thế 3 bề giáp sông, núi và biển cả, Nghi Xuân nằm trọn trong vùng địa linh núi Hồng, sông Lam, biểu tượng văn hóa xứ Nghệ. Phía Bắc huyện là dòng Lam (còn gọi là sông Cả), nước xanh trong ẩn chứa nhiều dấu ấn lịch sử, là khởi nguồn của câu ví sông Lam, một loại hình diễn xướng văn nghệ dân gian trong ví, giặm từng được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Phía Nam và Tây Nam là dãy Hồng Lĩnh tương truyền 99 đỉnh trùng điệp với rất với nhiều di tích danh thắng. Phía Đông huyện là Cửa Hội, nơi dòng Lam hòa vào Biển Đông bao la. Nơi đó có “Song Ngư hý thủy” (2 đảo Song Ngư được ví như đôi cá giỡn nước), một trong “Nghi Xuân bát cảnh” nổi tiếng. Làng cổ Hội Thống có “Đan Nhai quy phàm” (buồm về cửa bể Đan Nhai, tức Cửa Hội) là thương cảng cổ nổi tiếng từng có nhiều tàu nước ngoài ra vào cập bến buôn bán, để lại nhiều di chỉ khảo cổ học và những dấu tích của con đường tơ lụa trên biển một thời.

Hồng Sơn liệt chướng. Đây là dãy núi phía Nam huyện, là phên dậu che chở cho Nghi Xuân. Có 9 xã trong huyện nằm ven chân núi. Hồng Sơn là núi Hồng, là dải Hồng Lĩnh và còn được gọi là Ngàn Hống. (Ảnh: Đậu Hà)

Địa linh sinh nhân kiệt, thế núi, hình sông và truyền thống văn hóa của Nghi Xuân đã tạo nên những dòng họ khoa bảng, nhiều danh nhân nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kinh bang tế thế. Ngoài Đại thi hào Nguyễn Du còn có Dinh điền sứ, nhà thơ Nguyễn Công Trứ; Thánh sư địa lý Tả Ao; Tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần; nhà yêu nước Trịnh Khắc Lập; liệt sỹ Lê Duy Điếm, Giáo sư Hà Văn Tấn...

Về Nghi Xuân hôm nay, xe chúng tôi theo quốc lộ ven biển, chạy qua những ngôi làng cổ xưa đang ngời lên sức sống thanh tân của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cương Gián gợi nhớ về vị đậm đà của những giọt nước mắm thơm ngon. Nơi đó giờ đây hiện lên khu nghỉ dưỡng Phú Minh Gia nằm bên đường với những điểm check-in mới lạ. Cổ Đạm văng vẳng tiếng ca trù, gợi nhớ về bà Mơn, bà Nga và những nữ sinh đam mê bảo tồn di sản. Xuân Thành hiện đại và thơ mộng với hệ thống các khách sạn, resort đang hấp dẫn, mời gọi du khách như Hoa Tiên Paradise, sân golf, trường đua chó, bãi biển xanh trong có dòng sông chảy trên bờ soi bóng những hàng dừa trăm tuổi.

Khu du lịch Xuân Thành - điểm dừng chân lý tưởng của du khách gần xa. Ảnh: Đình Nhất

Dịp này, toàn huyện đang náo nức chuẩn bị cho lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh ở Xuân Thành và Tuần Văn hóa - du lịch Nguyễn Du. Biển quê càng rộn ràng. Câu ca trù, điệu ví giặm, trò Kiều càng có dịp vang xa.

Những địa danh như đền Chợ Củi, chùa Phong Phạn, núi Cơm, bến Lách, Khu di tích Nguyễn Du, đình Hội Thống, nhà thờ Nguyễn Công Trứ, nhà thờ Nguyễn Xí, đền Huyện… mãi ngời lên dấu tích của lịch sử và văn hóa. Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh ở Xuân Viên đang từng bước hoàn thiện. Khu di tích Nguyễn Du đã được nâng cấp, đầu tư ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến. Câu ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, câu ví, giặm theo thời gian càng ngân vọng, lay thức lòng người… Hệ thống di sản vật thể đồ sộ với hơn 60 di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt trên mảnh đất này và 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (ca trù, ví giặm) là những viên ngọc quý ngày càng tỏa sáng.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Thành Nam - Huy Tùng

Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo” đã ghi rõ những mục tiêu cụ thể. Cùng với các mục tiêu, nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho việc bảo tồn. Cụ thể như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, nâng cao kiến thức cho các ca nương, kép đàn, nghệ nhân trong lĩnh vực ca trù, trò Kiều; hỗ trợ kinh phí ra mắt 30 triệu đồng và duy trì hoạt động 5 triệu đồng/năm cho các CLB dân ca ví, giặm; hỗ trợ mỗi CLB ca trù, trò Kiều thành lập mới 100 triệu đồng và 30 triệu đồng/năm/CLB cho mỗi năm tiếp theo nếu hoạt động thiết thực và bền vững. Ngoài ra, từ năm 2019, nghệ nhân ca trù, dân ca, ví, giặm, trò Kiều được phong tặng là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ lần lượt 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Cùng với ca trù, dân ca ví giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Khôi Nguyễn - Trần Chung

Ngoài chính sách chung của tỉnh, để “nuôi dưỡng” các CLB và “hâm nóng” bầu nhiệt huyết của các nghệ nhân, huyện Nghi Xuân còn ban hành chính sách hỗ trợ riêng. Nghị quyết 134/NQ-HĐND của HĐND huyện quy định hỗ trợ cho các CLB ca trù, trò Kiều có đóng góp sản phẩm và hoạt động hiệu quả 50 triệu đồng/CLB/năm; các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian có đóng góp sản phẩm và hoạt động hiệu quả cho phong trào địa phương 6 triệu đồng/người/năm.

Từ khi có Nghị quyết 93 của HĐND tỉnh và chính sách “kích cầu” của huyện Nghi Xuân, các CLB văn nghệ dân gian có sức sống mạnh mẽ, hoạt động sôi nổi. Các CLB đã đầu tư nhạc cụ, nghệ nhân hăng hái tập luyện, truyền dạy cho giới trẻ. Phong trào hát ca trù trong và ngoài trường học rất phát triển. Liên hoan ca trù toàn tỉnh tổ chức tại Nghi Xuân năm 2021 đã thành công tốt đẹp. Các loại hình diễn xướng Truyện Kiều mới ra đời như hát ví, giặm Kiều, xẩm Kiều, chầu văn Kiều, ca trù Kiều ra đời, làm thấm sâu các giá trị Truyện Kiều trong lòng Nhân dân. Đặc biệt, với tiêu chí: 100% xã, thị trấn có CLB dân ca, Nghi Xuân đã làm sống dậy và phát triển các loại hình dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều… tạo nên một “miền đất hát” không trộn lẫn với bất cứ nơi nào.

Cảnh Thúy Kiều, Thúy Vân du xuân trong vở diễn “Cha con viên ngoại” do CLB Trò Kiều xã Xuân Liên biểu diễn. Ảnh: Đậu Hà

Ông Phan Tấn Linh - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho biết: “Hiểu rõ lợi thế của miền di sản, cùng với việc quy hoạch các khu đô thị gắn với du lịch, Nghi Xuân đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án “Xây dựng huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, du lịch NTM, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa càng có cơ hội để phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác bảo tồn, quảng bá di sản, đưa di sản văn hóa Nghi Xuân đến với du khách gần xa và thu hút du khách về với miền đất non nước hữu tình này”.

nội dung: Minh Huệ

ảnh: pv - ctv

thiết kế: huy tùng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/ve-mien-di-san-nghi-xuan/247012.htm