Về miền Hoa ban

Lễ hội Hoa ban được tỉnh Điện Biên tổ chức thường niên nhiều năm nay. Lễ hội thường diễn ra vào ngày 13/3, nhân sự kiện quân và dân ta 'khai hỏa' trận Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Lễ hội Hoa ban năm nay gắn với Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và chính thức khai mạc tối 16/3 tại sân Quảng trường 7/5. Trong khuôn khổ lễ hội (từ 13 - 18/3), có 169 chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… cấp quốc gia và cấp tỉnh, hứa hẹn mang đến cho du khách gần xa, người dân địa phương nhiều cảm nhận, hoạt động trải nghiệm hay, thú vị, hấp dẫn riêng có.

Hoa ban trở thành “thương hiệu” của Điện Biên. Nhiều năm gần đây, mảnh đất cực Tây của Tổ quốc này tiến hành trồng mới, nhân rộng và bảo tồn các “tuyến đường, khu đồi, cứ điểm di tích” rợp bóng hoa ban. Để hôm nay, khi tháng 3 về, hoa ban bung nở trắng trời, đưa hương theo gió, lan tỏa muôn phương.

Lên Điện Biên, lên với các bản định cư của đồng bào dân tộc thiểu số người Thái, người Mông… hoa ban nở từ đỉnh núi xuống lòng thung, uốn lượn theo những cung đường đèo chênh vênh, làm say đắm lòng người. Đất đai khô cằn sỏi đá nhưng cây ban vẫn lú nhú, lúc lỉu những nụ và hoa. Không chỉ người dân thành phố, thị trấn, thị tứ mà trên vùng cao, biên giới, bà con cũng nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc hoa bản để làm du lịch, khẳng định “thương hiệu” hoa ban Điện Biên.

Những ngày này đường phố Điện Biên đông vui, nhộn nhịp hơn bình thường. Khách du lịch thập phương, kể cả người nước ngoài tham quan du lịch, tìm hiểu lịch sử chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm. Nhiều cựu chiến binh mắt mờ chân chậm, ngực áo lấp lánh huân, huy chương thắp nén tâm nhang lên mộ phần đồng chí, đồng đội mình trong các nghĩa trang liệt sĩ mà nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nhiều cựu chiến binh ngỡ ngàng trước đổi thay của mảnh đất này khi trở lại. Từ chiến trường đổ nát do chiến tranh, giao thông cách trở, vậy mà nay Điện Biên đã vươn mình, với đô thị hiện đại, nhà cửa khang trang, người dân thân thiện, mến khách.

Hiện tại Điện Biên đang là tỉnh duy nhất ở vùng Tây Bắc có sân bay lớn đón được dòng máy bay thân rộng hiện đại A320, A321 và tương đương. Cũng là tỉnh có đường bay nối 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chưa bao giờ việc đi và đến Điện Biên bằng máy bay thuận lợi như vậy. Điều này cho thấy nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên trong chặng đường dựng xây, phát triển để kéo gần khoảng cách kinh tế - văn hóa xã hội với các tỉnh trong cả nước.

Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2024, cũng là hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Giao thông thuận lợi, các hoạt động truyền thông, quảng bá về du lịch, văn hóa triển khai bài bản; nhất là lễ hội hoa ban sắp khai mạc, nhằm gửi đến du khách gần xa lời mời “Về Điện Biên, về miền Hoa ban”.

Lên Điện Biên những ngày trung tuần tháng 3, du khách được đắm chìm trong chuỗi hoạt động: Cuộc thi ảnh “Lung linh miền hoa ban”; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; liên hoan nghệ thuật xòe Thái và nghệ thuật khèn Mông; hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc… Không gian văn hóa vùng cao là nơi tái hiện bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, từ lao động, sản xuất, se sợi, dệt vải; thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng do chính người dân địa phương chế biến; được lựa chọn, mua sắm các sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu làm quà tặng bạn bè, người thân.

Ghé qua các bản văn hóa du lịch, homstay, khu du lịch cộng đồng… trong chén rượu lá rừng chuếnh choáng men say, người dân, du khách tay trong tay nới rộng vòng xòe. Lửa ấm tình người truyền từ chủ nhà sang du khách, từ người này “cháy” sang người khác, càng thắm tình đoàn kết thủy chung.

Nơi núi rừng Tây Bắc - Điện Biên đang dang rộng vòng tay đón bạn bè, du khách gần xa.

Tùng Lĩnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/du-lich/213626/ve-mien-hoa-ban