Về 'miền hương quế' anh hùng

Chúng tôi tới nghĩa trang liệt sỹ xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi vào những ngày nắng chói chang, đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Lúc nào cũng vậy, đứng trước vong linh của những người con đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc, tôi luôn trào dâng cảm xúc tự hào về truyền thống anh hùng của thế hệ cha ông trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Để chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ, từ sáng sớm, hàng chục học sinh các cấp trong xã Trà Bình đã tập trung quét dọn, làm sạch nghĩa trang, đó như là một hành động để tưởng nhớ đến người anh hùng đã hy sinh góp phần bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Có thể thấy niềm tự nào của những thế hệ trẻ khi nhắc về truyền thống anh hùng của những thế hệ đi trước. Em Võ Hồng Kỳ (học sinh lớp 7) hồ hởi cho biết: “Chúng em chỉ được nghe kể về những chiến công của những người ông, người bà đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Cứ đến ngày này, chúng em lại được tập trung để làm những công việc rất bình thường là dọn dẹp nghĩa trang, việc nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa với chúng em”.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Trà Bình

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Năm Tân, nguyên Bí thư xã Trà Bình. Ông Tân sinh ra trong gia đình cách mạng, ba ông là liệt sỹ Võ Quế Sơn (SN 1916, khi hy sinh đang là Phó Bí thư Huyện ủy Trà Bồng), mẹ là người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Nhà nước phong tặng nhiều huân, huy chương. Căn nhà tình nghĩa được Nhà nước xây cho bà Đinh Thị Liễu, mẹ ông Tân, nay đã được sửa sang nhiều, khang trang, sạch sẽ và cũng hiện đại hơn đang chuẩn bị cho ngày giỗ cha của ông.

Ở xã Trà Bình, nhiều gia đình không xác định được ngày mất của người thân trong chiến tranh nên thường lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày giỗ cho các liệt sỹ. Những ngày này, gia đình ông Tân cũng như nhiều gia đình khác lại tập trung đông đủ các con, cháu từ mọi miền tổ quốc về để thắp nén hương trên ngôi mộ của cha, ông mình và ôn lại những ký ức lịch sử về xã anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhấp chén nước trà đặc quánh, ông Năm Tân kể lại lịch sử của mảnh đất Trà Bồng: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng kháng chiến cắt 4 xã có người Cor sinh sống của huyện Sơn Hà (phía Nam núi Cà Đam) là Sơn Thọ, Sơn Hiệp, Sơn Bùi, Sơn Tân nhập vào Trà Bồng, đổi tên thành Trà Thọ, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân. Có thời, các xã đông Bắc được cắt thành khu I, các xã quanh núi Cà Đam được tách lập thành khu II, các xã phía Tây huyện cắt lập khu IX, trực thuộc vùng căn cứ địa của Tỉnh ủy.

Sau năm 1975, qua nhiều lần tách nhập các xã và định lại ranh giới các huyện, đến cuối năm 2003, Trà Bồng có 19 xã, thị trấn. Cuối năm 2003, 9 xã phía Tây huyện (Trà Phong, Trà Quân, Trà Khê, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Xinh, Trà Trung) tách lập thành huyện mới Tây Trà. Huyện Trà Bồng còn lại 10 xã, thị trấn. Quá trình biến đổi hành chính như vậy cũng đồng thời khẳng định địa danh Trà Bồng gắn với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cũng như những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mảnh đất mệnh danh là “miền hương quế” là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống ở huyện Tây Trà và huyện Trà Bồng hôm nay.

Theo sử sách ghi lại, cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng nổ ra vào rạng sáng ngày 28/8/1959, đầu tiên là ở xã Trà Phong, sau đó nhanh chóng lan đến các xã Trà Khê, Trà Nham, Trà Quân, Trà Lãnh. Làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa là đơn vị 339, các nhóm vũ trang, các đội du kích từ các trại bí mật. Đồng bào khẩn trương truyền tin, phá đường chặn địch. Núi rừng sáng đỏ màu cờ cách mạng. Kinh hoàng trước sức mạnh của nhân dân, bộ máy thôn xã của chính quyền Sài Gòn nhanh chóng tan rã. Lực lượng khởi nghĩa thừa thắng xông lên, làm chủ núi rừng, bao vây và làm tê liệt đối phương tại khu vực quận lỵ.

Các cháu nhỏ cắm từng nén hương trên mộ các liệt sỹ

Khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân bầu ra Ủy ban Nhân dân tự quản và thông qua danh sách đội du kích xã, tổ chức bố phòng, làm chủ thôn xã, có kế hoạch toàn dân chiến đấu, bảo vệ căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng. Từ Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra khắp các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ và miền Tây Quảng Ngãi, với tinh thần tiến công như vũ bão, diệt ác, phá kìm, thiết lập chính quyền cách mạng. Các Ủy ban Nhân dân tự quản lần lượt ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn vùng đất rộng lớn miền Tây Quảng Ngãi được giải phóng.

Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và giành thắng lợi to lớn là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ miền núi Trung bộ; một cuộc khởi nghĩa mang tính quần chúng rộng rãi, diễn ra trên địa bàn rộng khắp miền núi của tỉnh, có sự tham gia của đồng bào 4 dân tộc anh em Cor, Cà Dong, Hrê và Kinh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trà Bồng là căn cứ địa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Tại Gò Rô, ngày 7/7/1958, Đại hội nhân dân 4 dân tộc: Cor, Hrê, Ca Dong, Kinh thể hiện quyết tâm đánh Mỹ, được mệnh danh là đại hội “Diên Hồng” của nhân dân các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi. Trà Bồng được giải phóng hoàn toàn ngày 18/3/1975. Quân và dân Trà Bồng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Có 12 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thắng lợi của khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là thắng lợi của quan điểm dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, dùng bạo lực của quần chúng chống lại bạo lực của kẻ thù, từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp với các hình thức đấu tranh có vũ trang để tự vệ, từ xây dựng lực lượng chính trị tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang, từng bước chiến thắng kẻ thù…

Ngày giỗ ông Võ Quế Sơn, con cháu tề tựu. Cán bộ huyện, xã cho đến bà con lối xóm cũng có mặt đông đủ. Những mâm cơm thật giản dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của những người con Quảng Ngãi. Cả buổi giỗ với gần hai chục mâm, tất cả đều do con cháu, họ hàng đứng ra nấu nướng diễn ra thật náo nhiệt nhưng tuyệt nhiên không hề một lời trách cứ hay những câu cãi vã. Con người ở đây là vậy, sống chân chất, thật thà và nhẫn nhịn, biết hy sinh cho con, cho cháu và cho cả những người xung quanh…

Cơn mưa bất chợt xua tan không khí oi bức, chúng tôi chia tay những con người thân thiện ở Trà Bình. Những ánh mắt đầy bịn rịn của những đứa trẻ khiến người lớn cũng cảm thấy sống mũi cay cay. Với lũ trẻ từ khắp mọi miền của đất nước, chỉ vài ngày làm bạn với nhau, mọi khoảng cách về địa lý, văn hóa đã không còn. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị suốt ngày chỉ quen với iPad, tivi đã cùng bạn bè tắm suối, trèo cây… để cùng nhau có những ngày hè không thể quên trên mảnh đất được mệnh danh là “miền hương quế” anh hùng.

Võ Hoàng Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ve-mien-huong-que-anh-hung-96055.html