Về miền mây trắng

Nhiều người gọi thị xã Sơn Tây là 'miền mây trắng' bởi đô thị cổ này đi vào thơ Quang Dũng 'Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm'. Ngoài ra, nơi này còn có nhiều ngôi đền, chùa cũng như các điểm du lịch nổi tiếng.

1. Mảnh đất của trung tâm xứ Đoài hiện có gần 200 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ. Trong đó, đã có 68 di tích được xếp hạng (gồm 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố). Đầu tiên phải kể đến Đền Và, nơi thờ đức Thánh Tản, vị thần cai quản Tản Viên Sơn - một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Ngôi đình cổ nằm giữa rừng lim già đại thụ, nổi tiếng là nơi cầu đảo rất linh hiển. Ai đến đây cũng bất giác như thấy sự thanh bình, tĩnh lặng mà thầm cảm ơn đức Thánh Tản, người biểu trưng cho sự chiến đấu và chiến thắng thiên tai, lũ lụt của nhân dân ta từ thuở mở nước qua ngàn đời nay.

Rời Đền Và, du khách đến với Thành cổ Sơn Tây cổ kính với chiếc cổng thành như phủ kín bởi rễ cây mang một vẻ đẹp đầy ấn tượng. Được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Với 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 350 ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn và hàng nghìn ngôi nhà truyền thống với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong, làng cổ Đường Lâm là điểm dừng chân khám phá làng Việt cổ ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong khi đó, chùa Mía, đình Mông Phụ, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu trấn Sơn Tây… cũng là những điểm du lịch tín ngưỡng mà ai cũng muốn một lần đặt chân đến.

2. Không chỉ có vẻ đẹp vượt thời gian, Sơn Tây còn là nơi nghỉ dưỡng lí tưởng với những điểm du lịch hiện đại, mới mẻ. Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam là điểm dừng chân không nên bỏ lỡ.

Cổng Thành cổ Sơn Tây.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến đây, mọi người sẽ bước vào nhiều không gian văn hóa của các tộc người sống trên mọi miền Tổ quốc, từ những ngôi chùa của đồng bào Khmer cho tới nhà sàn của người Mường, người Tày, hay không gian cồng chiêng Tây Nguyên… Bên cạnh đó, hàng tháng, tại đây thường tổ chức các chuỗi chương trình kết nối với các địa phương nơi có đông đồng bào các dân tộc để tổ chức các sự kiện giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc. Đơn cử như hồi tháng 2 vừa qua, tại đây tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Đây là chuỗi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân mới, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân. Hay như chuỗi hoạt động tháng 3 “Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương” gồm nhiều nội dung phong phú, các hoạt động giao lưu, trình diễn, giới thiệu văn hóa dân tộc giữa tuổi trẻ với đồng bào các dân tộc, khách du lịch nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết cùng xây dựng quê hương, đất nước…

Điểm thú vị với nhiều người chưa có điều kiện đến với vùng cao là khi đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có những cơ hội được chứng kiến nhiều lễ hội, hay các sinh hoạt văn hóa của người Thái, người Mông, người Pu Péo… được tái hiện rất sống động. Mới đây, ngày 24/3, tại đây đã tái hiện Lễ hội Xên Lẩu nó của người Thái thu hút rất đông du khách. Lễ hội do đồng bào Thái đến từ tỉnh Sơn La thực hiện với ý nghĩa cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng (ông Một) đã chữa bệnh cho mọi người. Đây cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Rời Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách còn có thể đến với nhiều ngôi làng cổ ở vùng Sơn Tây, hoặc tiếp tục lên Ba Vì khám phá nét văn hóa của người Dao. Ẩm thực nơi đây cũng phong phú đa dạng cùng những món quà quê như bánh tẻ Phú Nhi, bánh tẻ Đường Lâm, tương Đường Lâm, gà Mía sẽ níu bước chân du khách ở lại lâu hơn với miền mây trắng này…

Phan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/ve-mien-may-trang-tintuc401521