Về miền Tây ăn Tết

Trên khắp các nẻo đường trở về miền sông nước Tây Nam Bộ những ngày này, đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa.

28 tháng Chạp, tạm biệt thứ thời tiết nồm ẩm đặc trưng của Hà Nội, tôi cùng nhóm bạn thân háo hức hành trình về miền Tây ăn Tết, về xứ miệt vườn đượm nắng.

Trên khắp các nẻo đường trở về miền sông nước Tây Nam Bộ những ngày này, đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa, nổi bật nhất là cúc mâm xôi, cúc vạn thọ, mai vàng, mai chiếu thủy... rồi cả những cây bonsai được cắt tỉa cẩn thận như tùng, nguyệt quế…

Làng nghề hoa giấy ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương (Lai Vung, Đồng Tháp) tất bật chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tôi nhớ từng được một bậc cao niên ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) - một trong các vựa hoa kiểng lớn nhất miền Nam - kể rằng nơi đây có tuổi đời đã hơn 100 năm. Những người đầu tiên trồng hoa kiểng, khai mở cho làng hoa bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 19. Khi đó, hoa kiểng được người dân trồng và chăm sóc chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân riêng lẻ hoặc cho gia đình mà chưa bán đi các nơi xa.

Đến nay, làng hoa Sa Đéc với nhiều loài hoa, cây kiểng độc đáo, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Thái Lan...

Mặc dù hoa ở đây được trồng đa dạng và nở rộ quanh năm nhưng mùa Xuân vẫn là thời điểm tuyệt vời nhất để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp làng hoa. Nếu lỡ trễ hẹn về miền Tây mùa xuân thì mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) cũng là một trải nghiệm đáng để thử.

Điểm đặc biệt của trồng hoa miền Tây khác hẳn với tất cả những nơi khác là khi vào mùa nước nổi, người dân sẽ chèo xuồng giữa các luống hoa để chăm sóc và thu hoạch, thay vì đi bộ trên cánh đồng hoa như vốn thấy ở miền Bắc. Bởi hoa ở Sa Đéc được trồng trên giàn cao, bên dưới là nước dẫn vào từ rạch.

Hoạt động mua bán trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Mải ngắm nghía những sắc hoa xuân tươi thắm, xe của chúng tôi thoáng chốc đã tới chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ai đến miền Tây mà không đi chợ nổi thì quả là thiếu sót. Đây không chỉ là nơi để buôn bán, trao đổi hàng hóa của những người dân bến nước mà còn là một điểm đến văn hóa lý tưởng giúp du khách hiểu thêm về nét đặc trưng riêng có của vùng sông nước miền Tây.

Chợ nổi thường họp từ khá sớm, khi mặt trời còn chưa ló rạng, đông đúc nhất vào khoảng từ 5-6 giờ sáng và chỉ kéo dài đến khoảng 8 giờ thì tan dần. Cận Tết, hàng trăm ghe thuyền tụ họp, chợ trên bờ có bán gì thì chợ dưới sông có bán cái đó.

Cận Tết, hàng trăm ghe thuyền tụ họp, chợ trên bờ có bán gì thì chợ dưới sông có bán cái đó. "Cây bẹo" - cây sào dài, cắm ở đầu các ghe, thuyền - trên đó treo món gì thì ghe thuyền bán món ấy, mà chẳng cần đến biển hiệu hay loa phát thanh quảng cáo gì. Cả quãng sông dài vài kilomet cứ thế mà tấp nập ghe thuyền, người mua kẻ bán huyên náo, nào rau, củ, quả cho bữa cơm hàng ngày, nào vải vóc, quần áo, nào hoa trưng Tết...

Chủ ghe lấy muối chấm cho khách thưởng thức khóm. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Chúng tôi ghé vào một chiếc ghe nhỏ có treo lủng lẳng mấy trái dứa trên bẹo. Người miền Tây gọi dứa là khóm. Vừa gọt khóm cho chúng tôi, chị Sáu Út (chủ ghe) vừa tiếp chuyện: "Ở đây hầu như ai cũng vậy. Lênh đênh trên sông nước từ khi còn là những đứa trẻ ẵm ngửa. Rồi khi lớn lên, dựng vợ gả chồng, chúng tôi lại nối nghiệp mẹ cha, mưu sinh trên dòng sông này".

Nhóm 4 đứa bạn thân chúng tôi đều lần đầu được trải nghiệm Tết miền Tây, đem nỗi tò mò về những tục lệ đặc biệt của người dân nơi đây trong ngày Tết ra hỏi. Chị Út nửa đùa nửa thật nói: "Ngày Tết ở đây phải kiêng cữ làm việc vì đầu năm mà làm việc thì cả năm sẽ vất vả, khổ sở. Vì thế những ngày Tết phải thật thảnh thơi, vui vẻ, ăn bánh tét, canh khổ qua, thịt kho đã nấu sẵn chứ không cần tất bật mâm cao cỗ đầy hay thịt gà đãi khách..."

Nói vậy, nhưng cũng theo chị Út, chợ nổi gần như không nghỉ Tết bởi nhu cầu du lịch, mua bán của người dân tăng cao. "Mấy năm trở lại đây, thường tới mùng 2 Tết, chợ đã hoạt động tấp nập trở lại, khách du lịch có thể dễ dàng tìm ăn một bán bún riêu, uống ly cà phê giữa sóng nước bồng bềnh", chị Út chia sẻ.

Những chùm chôm chôm tươi ngon được chào bán trên chợ nổi. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Tạm biệt chị Út, chúng tôi ghé qua vườn trái cây trĩu quả, tự tay hái trái và thưởng thức tại vườn, chứng kiến các công đoạn từ nuôi ong đến quay mật rồi cả nếm trà mật ong tại vườn, trải nghiệm làm hủ tiếu, bánh tráng... có đoạn còn được lọc cọc xe ngựa đi dạo trên con đường quê, xem đua heo, câu cá sấu, tát mương bắt cá…...

Nhưng chưa hết, một đặc sản nữa ở xứ miệt vườn nhất định phải thử đó là nghệ thuật đờn ca tài tử. Những người nông dân cần mẫn bên đồng ruộng ban sáng, chiều tối lại bỗng chốc khoác lên mình những bộ cánh tươm tất, thật sự trở thành những nghệ sĩ, hòa giọng ca vào những bản nhạc kể về cuộc sống nơi miền sông nước. Sự kết hợp giữa nhịp điệu nhanh, chậm và âm thanh độc đáo từ các loại đàn truyền thống như đàn đáy, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn kìm và đàn tranh bầu tạo nên một không gian âm nhạc đặc trưng.

Du khách nước ngoài trải nghiệm lênh đênh chèo đò trên kênh. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Đây quả là một trải nghiệm thú vị, khó quên, ghi dấu 20 năm tình bạn của chúng tôi, những cô gái Hà Nội lần đầu đón Tết ở một nơi xa. Về miền Tây ngày Tết nhé, tại sao không?

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ve-mien-tay-an-tet/323388.html