Về miền Tây xem cảnh già, trẻ hò reo săn chuột đồng mùa Tết

Khi những cánh đồng lúa chín vàng đang thu hoạch cũng là mùa hốt bạc của các tay thợ săn chuột đồng ở miền Tây. Không khí săn chuột đồng tạo nên bức tranh đồng quê đầy sinh động, mang nét văn hóa của cư dân đồng bằng.

Những năm về trước, cảnh bắt chuột đồng ở miền Tây thường bằng cách ví cù. Ví cù đơn giản lắm, có thể dùng lưới bao quanh một góc ruộng lúa chừa cù để làm nơi "dụ" chuột chạy vào trú ẩn, không còn đường thoát thân, sau đó người dân dùng lưỡi hái cắt lúa tới đâu thì từ từ bắt chuột tới đó.

Không khí săn chuột đồng tạo nên bức tranh đồng quê đầy sinh động

Không khí săn chuột đồng tạo nên bức tranh đồng quê đầy sinh động

Cuộc sống ngày càng hiện đại, chiếc máy gặt đập liên hợp thay thế sức người thu hoạch lúa, nên cảnh ví cù bắt chuột đồng dần dà bị mai một, còn lại trong ký ức của nhiều người. Ngày nay, ở một số cánh đồng khi máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa đến đâu, chuột chạy ra khắp nơi để tìm nơi trú ẩn, nên các tay "thợ săn" chạy theo chiếc máy gặt lúa, dùng tay chụp chuột.

Người dân bao quanh máy gặt đập liên hợp chờ bắt chuột đồng

Vào một buổi chiều nhạt nắng, tôi men theo các cánh đồng đang thu hoạch lúa ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), thấy rất đông đàn ông, thanh niên, trẻ em tập trung bắt chuột đồng. Nhiều người bao quanh chiếc máy gặt đập liên hợp để canh me chuột chạy ra ở bất kỳ hướng nào đều bị các tay "thợ săn" tóm gọn.

: Các tay “thợ săn” canh me chờ chuột chạy ra từ chiếc máy gặt lúa

Không khí săn chuột đồng nhộn nhịp hẳn lên khi các tay "thợ săn" phát hiện chuột chạy tán loạn, kèm theo đó là tiếng hò reo ầm ĩ: "nó kìa, nó kìa…" của các tay săn đang lớn tiếng thúc giục nhau đến khi bắt được chuột mới im lặng. Sự nhanh nhẹn của các tay "thợ săn" tung ra các hướng nhốn nhào theo đường chạy của chuột, tạo nên bức tranh đồng quê đầy sinh động, rất hiếm thấy ở miền quê thanh bình.

Cảnh thanh niên cùng trẻ em đi săn chuột đồng

Vào cao điểm thu hoạch lúa, mỗi người ít nhất cũng mang về cho mình vài ki-lô-gam chuột đồng, kiếm thu nhập vài trăm ngàn đồng.

Các tay “thợ săn” dẫn theo chó để “săn” đánh hơi chuột trốn trong hang

Ngày Tết, tôi có dịp đi thăm người anh ruột nhà ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An), bắt gặp nhóm thanh niên giữa trưa nắng chang chang đang đào hang bắt chuột trên cánh đồng vừa gặt lúa, nên dừng xe lại hỏi chuyện. Anh Ngô Tấn Phát (29 tuổi) chỉ tay vào chiếc lồng đựng chuột, khoe với tôi: "Đi có buổi trưa thôi đã săn được đầy chiếc lồng rồi đó anh. Thấy ham không? Chịu khó siêng năng có thể bắt được từ 4 - 5kg, mang về chợ bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg, thu nhập từ vài trăm ngàn đồng, sống khỏe ru".

Thành quả của một bé trai

Trên cánh đồng lúa chỉ còn trơ lại gốc rạ ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, "thợ săn" Trần Minh Lý (25 tuổi) cùng vài em nhỏ trong xóm dẫn theo chú chó men theo bờ ruộng "săn" đánh hơi tìm hang chuột để đào. Chỉ trong chốc lát, anh Lý dùng cuốc đào hang, các em nhỏ thì sẵn sàng phục kích chờ chuột chạy ra, dùng tay chụp. Chú chuột nào chạy thoát sẽ bị chó "nghiệp vụ" đuổi theo dùng chân, miệng khống chế, tha về cho chủ nhân. Anh Lý vừa chỉ tay về hướng chú chó đang đuổi theo bắt chuột vừa khoe với tôi: "Anh thấy đó, chuột đồng có chạy nhanh cỡ nào cũng bị con chó của tôi đuổi kịp, bắt sống mang về".

Cậu bé này nghỉ mệt sau một hồi săn chuột

Tôi có dịp hòa vào không khí săn chuột đồng với người dân miền quê trong những ngày Tết, mới cảm nhận được niềm vui của từng người khi bắt được từng chú chuột, có thêm nguồn thu nhập đáng kể hoặc chế biến thành món ăn.

Từ người lớn đến trẻ em có thể đi săn chuột đồng

Thịt chuột đồng được thực khách đánh giá là một trong những món ăn ngon, trở thành đặc sản ở miền Tây. Các nhà hàng, điểm tham quan du lịch ở miền sông nước Cửu Long đều có chuột đồng được chế biến như quay lu, nướng mọi, chiên giòn, khìa nước dừa, xào củ kiệu... thành món ăn khoái khẩu, mà chỉ nghe kể thôi đã làm người ta cảm thấy thèm rồi!

Bài và ảnh: NHA MÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ve-mien-tay-xem-canh-gia-tre-ho-reo-san-chuot-dong-mua-tet-20200126102603075.htm