Về một bài thơ Nôm rất hay của Nguyễn Trãi

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc thưởng lãm bài vết của Vũ Bình Lục về một bài thơ Nôm rất hay của Nguyễn Trãi.

Tác giả Vũ Bình Lục

TỰ THÁN

Tơ tóc chưa hề báo thửa sinh,
Già hòa lủ, tủi nhiều hành.
Chông gai nhẻ đường danh lợi,
Mặn lạt no mùi thế tình.
Sách một hai phiên làm bậu bạn,
Rượu năm ba chén đổi công danh.
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa?
Cầu một ngồi coi đời thái bình.

Đây là bài thơ bát cú, thất ngôn xen lục ngôn. Câu đầu “Tơ tóc chưa hề báo thửa sinh” Nôm na, có nghĩa là cái ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, cho đến bây giờ ta vẫn chưa báo đáp được tơ tóc nào. Cha Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Phi Khanh thì chết bên đất giặc (Trung Quốc), mồ mả ra sao, cũng chưa thể biết. Mẹ, cụ Trần Thị Thái, mất lâu rồi, từ khi Nguyễn Trãi còn nhỏ, thành thử cả đời ông không phụng dưỡng được cha mẹ, chưa báo đáp được mảy may cái công sinh thành, dưỡng dục. Vậy mà giờ đây, ngoái lại thì mình cũng đã già mất rồi! Già cả, đương nhiên không phải là khỏe mạnh bình thường như hồi còn trai tráng nữa. Cho nên mới bảo “Già hòa lủ, tủi nhiều hành”. Đã đến cái tuổi già, lại “già lủ khủ” rồi, thật là tủi hổ vô cùng! Chẳng thế mà còn “tủi nhiều hành”, “nhiều hàng”, tức nhiều đường tủi hổ nữa chứ chả phải một đường đâu !...
Hai câu thơ mở đầu, đã thấy rõ tâm trạng ngậm ngùi, muôn phần xót xa của phận làm con, vì những lý do này nọ, đành phải mang tội bất hiếu với mẹ cha. Tuy nhiên, nhìn lại quãng đời đã trải thì thấy:
Chông gai nhẻ đường danh lợi,
Mặn lạt no mùi thế tình.
Câu 3, nói cái ý con đường công danh là con đường hiểm hóc, đầy (nhẻ) chông gai, thật là ghê sợ. Câu 4, nói ý đã từng nếm trải nhiều việc đời mặn lạt, lại còn “no mùi thế tình”. Mùi thế tình, đấy chính là cái mùi vị trăm đắng ngàn cay của nhân tình thế thái. Hai câu thơ sáu chữ, đối nhau rất chỉnh, tình ý chặt chẽ như một chiêm nghiệm được cô đặc, về thế thái nhân tình, về sự nếm trải đủ điều ngọt bùi cay đắng ở cõi người. Đó là bốn câu thơ, có thể xem như giải trước (Tiền giải), thể hiện sự than tiếc ngậm ngùi của người con đã bước sang tuổi già, chưa báo đáp được ơn sinh thành của cha mẹ, dù đã trải qua biết bao vinh nhục, nếm đủ mùi mặn nhạt thế tình.
Bốn câu còn lại, tả cảnh sinh hoạt đạm bạc, đứng ngoài vòng danh lợi của nhà Nho tiết tháo thanh cao, đồng thời là khát vọng đất nước được thái bình mãi mãi. Này nhé, đây là cuộc sống đích thực của ta:
Sách một hai phiên làm bậu bạn,
Rượu năm ba chén đổi công danh.
Đứng ngoài lợi danh rồi, thi nhân bây giờ bậu bạn (bầu bạn) với “một hai phiên sách” (phiến sách), để di dưỡng tinh thần. Ngày ngày, khề khà với dăm ba chén rượu, xem như lấy đó để đánh đổi lấy công danh cho qua ngày tháng. Thế thì ước ao cầu cạnh gì thêm nữa? Thì đây:
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa?
Cầu một ngồi coi đời thái bình!
Tiên sinh Ức Trai bảo rằng, ngoài cái thú vui uống rượu, đọc sách ngâm thơ ra, thì còn phải cầu cạnh gì thêm nữa đâu? Mà nếu như phải cầu hoặc được cầu mong một điều gì đó, thì đây: “Cầu một ngồi coi đời thái bình”! Ức Trai từng mơ ước một đất nước thái bình thịnh trị, “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn / Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Tự thán- Bài 4)…
Lý tưởng vì dân vì nước luôn thường trực trong tâm hồn Nguyễn Trãi. Con người ấy, kể cả khi đã chìm xuống đáy cuộc đời, vẫn thao thức một niềm lo nước thương dân. Cái vĩ đại và sự bình thường luôn ở bên nhau, ở trong nhau, làm nên một nhân cách lớn, mang tầm thời đại, mang tầm nhân loại bao la…

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-mot-bai-tho-nom-rat-hay-cua-nguyen-trai-77724