Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại

Trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam 2018 đã diễn ra buổi Hội thảo 'Đổi mới tư duy tiểu thuyết' vào sáng 28/02 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có 16 tham luận là những ý kiến thiết thực về tiểu thuyết trong dòng chảy văn học Việt Nam gửi về Hội thảo.

Báo Điện tử Tổ Quốc xin giới thiệu bài viết “Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại” của tác giả Trần Mai Hạnh đã được trình bày tại Hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết".

Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại

Tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chưa từng viết một bài lý luận phê bình văn học nào, tại Hội thảo quan trọng về học thuật hôm nay, để đúng với phận sự của mình, tôi chỉ xin đề cập đến cách nhìn các sự kiện lịch sử khi xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75”.

Bài viết gồm 5 ý: 1- Lịch sử trong dòng chảy của tiểu thuyết đương đại. 2- Sự thật - Niềm tin lịch sử. 3- Không gian 4 chiều của Biên bản chiến tranh. 4- Quả cảm trước sự thật lịch sử - Nhân văn trước số phận con người. 5- Giá trị văn học - Giá trị lịch sử.

1. LỊCH SỬ TRONG DÒNG CHẢY TIỂU THUYẾT ĐƯƠNG ĐẠI

Tôi may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngay trong giờ phút huy hoàng ấy, tôi bỗng nhận ra rằng, những sự kiện lịch sử vừa diễn ra, phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Có một học giả đã cảnh báo rằng :”Chúng ta cần phải có các chứng cứ về vật chất để củng cố các tuyên bố của mình. Chúng ta phải cảnh giác trước rằng, trí nhớ sẽ tàn tạ theo năm tháng, và con người ta có thể sẽ sử dụng các ký ức mập mờ để khôi phục các sự kiện trở thành một câu chuyện mà người ta muốn tin và muốn làm hài lòng người khác”. Vì vậy tôi nảy sinh ý tưởng phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) bằng chính những tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến của phía bên kia (phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ). Sau hàng chục năm truy tìm, tập hợp, đối chiếu, sàng lọc tư liệu, trong đó có những tài liệu nguyên bản tuyệt mật để xây dựng nên cuốn “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75”, cách nhìn về các sự kiện lịch sử của tôi dần định hình theo thời gian, và gói lại trong ít dòng in ở bìa 4 cuốn sách như sau:

“Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai”.

Và tôi nghĩ, cũng tương tự như vậy, trong dòng chảy của tiểu thuyết đương đại hôm nay chứa đựng cả những vấn đề của QUÁ KHỨ (lịch sử), những vấn đề của HIỆN TẠI và cả những vấn đề cùng những ước vọng, dự cảm của TƯƠNG LAI.

2. SỰ THẬT - NIỀM TIN LỊCH SỬ

Vậy, nhìn nhận, đánh giá sự kiện lịch sử, xây dựng tác phẩm văn học lấy đề tài từ các sự kiện lịch sử cần dựa trên những nguyên tắc căn cốt nào? Từ thực tế xây dựng cuốn “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75”, tôi nhận thấy:

Thứ nhất- Phải tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử

Lịch sử là tự nó viết ra - đó chính là sự thật. Lịch sử không phải do bên thắng trận muốn nói thế nào cũng được, và bên thua trận muốn giải thích thế nào cũng xong. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Sự thật lịch sử không hề bị hoen gỉ bởi thời gian, nó thách thức những mưu toan xuyên tạc, bóp méo của con người. Sự thật cuối cùng rồi cũng trở về với sự thật. Phục dựng sự thật sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh trong khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, tôi quan niệm rằng, trước hết sự sụp đổ đó phải được minh chứng bằng các tài liệu nguyên bản tuyệt mật về cuộc chiến, các văn bản gốc, những bức điện chỉ huy tác chiến, nhân chứng của các sự kiện lịch sử thuộc phía bên kia chứ không phải do nhà văn tưởng tượng, hư cấu ra. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp giá trị sáng tạo, khả năng dung tưởng phong phú của nhà văn. Mà trái lại, nếu không có khả năng sáng tạo và dung tưởng phong phú, thì dù tài liệu có đầy đủ đến đâu cũng không thể xây dựng nên một cuốn tiểu thuyết có giá trị. Chỉ có điều khả năng sáng tạo, hư cấu của nhà văn phải hướng tới việc khắc họa trung thực và nâng tầm sự thật của các sự kiện lịch sử chứ không phải xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen các tình tiết, các sự kiện và các nhân vật của lịch sử nhằm phục vụ ý đồ riêng của mình.

Thứ hai- Phải chinh phục niềm tin của người đọc

Những sự kiện, tình tiết, nhân vật thuộc về một phần của lịch sử mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm của mình, trước hết phải là sự thật. Đó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, hư cấu, bịa đặt. Niềm tin vào sự thật của người đọc sẽ tạo nên niềm tin vào lịch sử. Một tác phẩm viết về đề tài lịch sử của dân tộc mà bị dư luận và người đọc cho rằng - thậm chí chứng minh rõ ràng rằng đó là bịa đặt, là xuyên tạc lịch sử, tác phẩm đó đương nhiên thất bại. Không thể đùa nghịch, bỡn cợt với lịch sử. Không thể lên mặt với lịch sử, tùy tiện sửa chữa, nhào nặn lịch sử theo ý đồ riêng của mình nhằm giáo huấn cuộc sống hôm nay.

Thứ ba- Viết về đề tài lịch sử đương đại phải rất khắt khe về sự thật

Trong trường hợp cụ thể của tôi là cuốn “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hàng triệu người trực tiếp tham gia, thì đương nhiên tác phẩm phải chịu sự kiểm nghiệm vô cùng khắt khe về sự thật và về tính chân thật. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, toàn cầu là một thế giới phẳng, công cụ Google trợ giúp đắc lực cho người đọc tra cứu tìm hiểu, và trong ma trận tham chiến của mạng xã hội, những sự kiện, tình tiết trong tác phẩm mà tác giả muốn người đọc tin là sự thật cần phải có bằng cứ vững chắc lắm mới có thể đứng vững được. Một ví dụ,trong tác phẩm của tôi có tất cả 273 nhân vật, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tới các thành viên chính phủ, tướng lĩnh Bộ Tổng tham mưu, các quân binh chủng, Quân đoàn, Sư đoàn xuống tới cấp tiểu đoàn, đại đội và các cấp chính quyền địa phương đều phải chính xác cả về tên họ và chức phận của từng người. Không chỉ chính xác họ, tên mà còn cả chữ lót nữa. Chỉ cần sai một chữ thôi lập tức bị phản ứng. Ví dụ Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ mà viết là Phó Tổng thống Nguyễn Văn Kỳ thì tác phẩm sẽ đổ luôn. Khi miêu tả Phước Long thất thủ, tôi viết: “Mặc dù lúc ấy đang cữ gió đông bắc khô hanh, nhưng không hiểu sao đúng ngày Phước Long thất thủ, những cơn mưa xối xả đã đổ xuống cả Phước Long và Sài Gòn”. Để độc giả không cho rằng tác giả bịa ra cơn mưa cho tình hình thêm bi đát lâm li, tôi đã phải trích thêm một câu: “Nhận định về dị biệt này của thời tiết, một tờ báo của Sài Gòn ngày ấy đã viết: Dường như ngay cả ông trời cũng rơi nước mắt khóc cho Phước Long” (Tr.9). Thế có nghĩa là cơn mưa thật - chính xác tới cả cơn mưa.

Thứ tư- Yêu cầu về tính chân thật của các sự kiện lịch sử mà tác phẩm đề cập đến là gì?

Đó, tựu chung có thể là:

a. Sự kiện, tình tiết lịch sử đó đúng là đã diễn ra.

b. Sự thật về các con người, kể cả hành động, tâm trạng, tính cách, thậm chí cả ngôn ngữ giao tiếp khi họ tham gia vào các sự kiện, tình tiết lịch sử đó.

c. Sự thật về bối cảnh đa chiều của cuộc sống trong không gian sự kiện lịch sử đó diễn ra.

d. Sự thật về những tác động tức thì, kể cả hệ lụy lâu dài (nếu có) của sự kiện lịch sử đó v.v…

Khi đã truy tìm, sưu tầm đầy đủ tài liệu từ rất nhiều nguồn, kể cả ở trong nước và ở ngoài nước, kể cả phía Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ, tôi đã hóa thân sang phía bên kia để xây dựng nên “Biên bản chiến tranh” mà mình ôm ấp. Phải dựng lại chi tiết, sống động các phiên họp tuyệt mật của Hội đồng an ninh quốc gia của Thiệu cũng như của Bộ tư lệnh các Quân đoàn, Sư đoàn; việc chỉ huy tác chiến cũng như diễn biến tháo chạy hỗn loạn tại các mặt trận… Muốn phục dựng mà không được tận mắt chứng kiến, đương nhiên tôi phải dùng sự dung tưởng mạnh mẽ và phong phú của nhà văn. Nhưng tất cả sự dung tưởng đó đều dựa trên căn cứ của những tài liệu nguyên bản tuyệt mật và những bản văn tin cậy của phía bên kia. “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” có lẽ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên dưới mỗi chương đều ghi chú kỹ càng các nguồn tài liệu mà tác giả viện dẫn, sử dụng để xây dựng nên chương sách đó. Điều đó có tác dụng chinh phục niềm tin sự thật - niềm tin lịch sử của người đọc. Tôi suy nghĩ rất rõ ràng rằng: Nếu không tôn trọng sự thật, đem quan điểm chính trị chủ quan của mình áp đặt vào các sự kiện, sự việc và tình tiết, trình bày nó theo mong muốn của mình, thì cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử đó sẽ hỏng hoàn toàn, cuộc sống sẽ đào thải nó ngay. Trong gần 600 trang sách, tôi không chen bất cứ nhận xét, bình luận cá nhân nào, hoàn toàn không có sự hiện diện của tác giả, tự nội dung tác phẩm với những tài liệu gốc, bản văn và các cứ liệu tin cậy viện dẫn nói lên tất cả.

3. KHÔNG GIAN 4 CHIỀU CỦA “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH”

Không ai được phép độc quyền về cách nhìn, cách phán xét cũng như cách thức xây dựng tác phẩm văn học từ các sự kiện lịch sử của dân tộc. Nhưng chỉ có điều, bất kể từ góc độ nào, cách nhìn nào, người viết cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử, góp phần làm bật lên sự thật và giá trị của các sự kiện và tình tiết quan trọng của lịch sử. Trong “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” tôi đã sử dụng không gian 4 chiều để soi rọi làm rõ sự thật, bật lên ý nghĩa quan trọng của các sự kiện và tình tiết lịch sử. Tác phẩm chỉ phục dựng sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn bằng chính các tài liệu tuyệt mật và bản văn tin cậy của phía bên kia, không nhắc tới Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân Giải phóng, nhưng áp lực của Quân Giải phóng vẫn đè nặng trong toàn bộ tác phẩm và chính sự sụp đổ tan tành của cả một thể chế tay sai (chính quyền Sài Gòn được Mỹ nuôi dưỡng) đã làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta. Ví dụ sự kiện Phước Long thất thủ, được nhìn nhận dưới 4 chiều ánh sáng như sau:

a- Chiều thứ nhất từ phía chính quyền Sài Gòn: Chính Thiệu thừa nhận và giải thích tại cuộc họp khẩn cấp Hội đồng an ninh quốc gia rằng mất Phước Long là một thất bại nghiêm trọng nhưng không đủ sức chiếm lại Phước Long, có chiếm lại cũng không thể giữ được (Tr.7)

b- Chiều thứ hai từ phía Mỹ: Mỹ cho tàu Hạm đội 7 hùng hổ tiến về vùng biển Việt Nam, báo động khẩn cấp căn cứ thủy quân lục chiến của Mỹ ở Ôkinaoa nhưng không dám hành động. Đại sứ Mỹ thông báo với Thiệu: “Việc yểm trợ của Hoa Kỳ lúc này là chưa được phép”.

c- Chiều thứ ba từ áp lực đè nặng của Quân Giải phóng do chính phía Sài Gòn thừa nhận. Bộ Tổng tham mưu báo cáo với Thiệu là 20 máy bay của không quân Sài Gòn đã bị tên lửa Sam7 của quân đội miền Bắc bắn hạ ở Phước Long.

d- Chiều thứ tư là những phân tích, đánh giá về sự kiện Phước Long thất thủ của các chính khách và báo chí trên thế giới.

Không gian 4 chiều như một sân bóng đá giúp việc soi rọi, đánh giá kỹ càng, sâu sắc sự thất thủ Phước Long của quân đội Sài Gòn nói riêng và các sự kiện, tình tiết lịch sử khác trong cuốn sách dưới đủ các góc độ.

Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" bản tiếng Anh

4. QUẢ CẢM TRƯỚC SỰ THẬT LỊCH SỬ - NHÂN VĂN TRƯỚC SỐ PHẬN CON NGƯỜI

Viết về sự kiện lịch sử đương đại, “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” chịu sự phán xét từ rất nhiều phía - phía chúng ta (những người chiến thắng); phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ (những người thất bại); sự xung đột về ý thức hệ và chính giới nhiều nước từng quan tâm, từng là đồng minh của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn v.v… Vì vậy, những sự kiện và tình tiết nếu không đúng sự thật trong tác phẩm sẽ lập tức chịu sự phản ứng gay gắt. Trưa 27-4-2017, ngay sau Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ra mắt Phiên bản tiếng Anh cuốn “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” do Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, hãng thông tấn và Đài phát thanh nước ngoài đã lập tức phỏng vấn tác giả, nêu lên những tranh cãi về cuộc chiến. Bài phỏng vấn của BBC tiếng Việt dài 4 trang khổ A4 tôi đã in kính gửi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh để báo cáo. Vì vậy nhà văn phải có tinh thần quả cảm trước sự thật lịch sử, phải nắm chắc các chứng cứ để sẵn sàng đương đầu bảo vệ sự thật các sự kiện và tình tiết lịch sử mà mình đã xây dựng, viện dẫn trong tác phẩm.

Do một tai họa nghề nghiệp, từ đỉnh vinh quang bỗng rơi vào tình cảnh bi thảm của số phận, tôi mới thực sự thấm thía, ngộ ra rất nhiều điều, và có điều kiện suy ngẫm, nhìn nhận cuộc sống một cách điềm tĩnh và thấu đáo. Có những đêm chợt thức, tôi bừng tỉnh nhớ lại dọc đường chiến dịch, từ Huế đến Tây Nguyên, Sài Gòn tôi đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân hủy hết dọc đường chiến dịch. Có bà mẹ ôm xác con, chạy bộ di tản theo quân đoàn 2 từ Pleiku xuống tận Tuy Hòa, suốt ba ngày đêm cứ ôm xác con chạy vì không tìm được chỗ chôn con. Cũng là đồng bào mình chứ ai? Mình có nên viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng, hả hê của người thắng trận không, hay viết với sự cảm thông sâu sắc với thân phận con người trong chiến tranh. Tôi đã chọn cách thứ hai, phục dựng sự sụp đổ trong những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Sài Gòn với cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, nhân văn trước số phận những người thuộc phía bên kia, đảm bảo sự trung thực của ngòi bút trước các sự kiện, sự việc, tình tiết đã diễn ra.

Với việc thẩm định và xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước đã cấp giấy khai sinh cho “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” đi vào đời sống với số phận của nó.

5. GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

Một cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời sẽ chịu sự phán xét của dư luận về cả giá trị văn học và giá trị lịch sử của nó. Đạt được cả giá trị văn học và giá trị lịch sử hài hòa trong tác phẩm là điều mong ước của bất cứ nhà văn nào. Tôi mong muốn “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” có giá trị văn chương, nhưng trước hết nó phải có giá trị vững chắc về sự thật các sự kiện, tình tiết lịch sử và số phận các nhân vật mà tác phẩm đề cập đến. Bởi lẽ, nếu giá trị sự thật về các sự kiện lịch sử mà tác phẩm đề cập tới bị đổ vỡ thì đương nhiên giá trị văn chương cũng không còn đất sống.

Trong ba năm, “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” được tái bản 4 lần với số lượng lớn, không kể những lần in nối bản và được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc thế giới. Bạn đọc đón nhận “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” trước hết vì giá trị sự thật, tính chân thật của các sự kiện, tình tiết và nhân vật lịch sử được phản ánh, xây dựng trong cuốn sách rồi mới đến phẩm chất văn chương của tác phẩm.

Khi bắt đầu xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này, ngay khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, tôi đã hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang lên cơn sốt, trĩu nặng âu lo vì những tham vọng, chiến tranh và xung đột.

Tôi viết “BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” cả trong những giờ phút đắng cay của số phận và phát biểu tại cuộc Tọa đàm về “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay, cũng chính từ những suy nghĩ ấy.

Hà Nội, tháng 02-2018

Trần Mai Hạnh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ve-mot-cach-nhin-lich-su-trong-tieu-thuyet-duong-dai-282473.html