Về một văn bản cổ triều Tây Sơn liên quan đến việc khai thác thủy lợi ở Gio An

Thủy lợi nói chung và nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đang gây ra những bất thường về thời tiết như hiện nay. Một văn bản Hán cổ từ triều đại Tây Sơn (1788-1801) liên quan đến việc tranh chấp khai thác dòng nước tại hai làng Hảo Sơn và Tân Văn thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện. Ngoài giá trị quý về tư liệu cổ, văn bản này còn góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm trong mọi thời đại.

Văn bản chữ Hán được triều Tây Sơn giải quyết liên quan đến việc khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa hai làng Hảo Sơn và Tân Văn ở xã Gio An -Ảnh: TÚ LINH

Như Báo Quảng Trị số ra ngày 4/5/2023 đưa tin, các nhà nghiên cứu Lê Đình Hùng của Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia và Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị tiến hành giám định hai bộ tài liệu cổ xưa quý hiếm viết bằng chữ Hán đang được ông Đoàn Văn Lợi, Trưởng làng Hảo Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh, bảo quản. Bộ thứ nhất là một số đơn trình Bộ Hộ liên quan đến việc lập địa bạ làng Hảo Sơn, có niên đại cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (từ triều Tây Sơn đến đầu triều Nguyễn). Bộ thứ 2 là bản sao từ địa bạ năm Gia Long thứ 12 (1813), được sao vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Trong quá trình tiếp tục dịch tài liệu cổ, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận một văn bản chữ Hán của bộ tài liệu thứ nhất được đóng chung với một số đơn trình khác liên quan đến việc lập địa bộ của làng Hảo Sơn, xã Gio An. Văn bản này có kích thước 42 x 27 cm, lớn hơn các văn bản khác trong tập nên được gấp lại cho cùng khổ giấy với các văn bản khác để cất giữ. Do vậy, văn bản đã bị gãy rách ở vết gấp này, nhưng chưa mất hẳn chữ ở nếp gấp đó.

Nội dung văn bản được nhà nghiên cứu Lê Đình Hùng của Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia dịch như sau: “Triều đường quan. Kê: Xưa, địa phận phường Hảo Sơn có nguồn nước suối ở phía trên, còn phường Tân An (nay là Tân Văn) ở phía dưới. Nguồn nước của phường Tân An và Hảo Sơn tiện lợi cho việc gieo trồng. Trước đây phường Tân An chịu nộp lễ hành hương đã thành lệ cũ. Nhưng phường Tân An phế bỏ lễ lệ nên phường Hảo Sơn đắp đập không cho nước chảy xuống làm nảy sinh tranh tụng.

Tục xấu đáng ghét, nên từ nay về sau, mỗi năm, phường Tân An chịu lễ hành hương thay bằng tiền là năm quan (tiền đó thay cho các lễ lệ, ngoài ra không được đòi thêm lễ trầu rượu) giao cho phường Hảo Sơn thu nhận. Còn nguồn nước suối nên chia phiên để tưới ruộng: phường Hảo Sơn hai ngày đêm, phường Tân An hai ngày đêm. Hết phiên thì quay lại chia đều thủy lợi. Phường Tân An không được cố tình làm đảo lộn phế bỏ lễ hành hương. Còn phường Hảo Sơn không được lợi dụng chiếm thượng nguồn, đắp đập để đòi yêu sách. Người làm trái tức mang trọng tội. Còn như trong đơn kiện trước đây, hoặc nêu lễ trầu rượu, hoặc rằng lễ trâu rượu, hoặc đòi chịu tiền mỗi mẫu là một bách 60 đồng, 30 văn, gây nên tranh tụng, tất cả đều bác bỏ.

Nguồn nước từ các giếng cổ làng Hảo Sơn chảy về tưới cho ruộng đồng làng Tân Văn -Ảnh: TÚ LINH

Nay luận. Ngày mồng 8 tháng 2 năm Cảnh Thịnh 7 (1798)

Triều Đường chi ấn”.

Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Hùng, văn bản này được viết bằng chữ Hán, theo lối chữ chân, đôi chỗ theo kiểu hành thư, trên giấy dó bản mịn. Tại những chữ quan trọng của văn bản có đóng dấu triện nhỏ để xác nhận và tránh thêm chữ hoặc thay đổi nét chữ trên văn bản. Cuối văn bản là dòng niên đại, đóng dấu “Triều Đường chi ấn” theo quy chuẩn văn bản hành chính xưa. Đây là một văn bản hành chính được triều Tây Sơn giải quyết liên quan đến việc khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa hai làng Hảo Sơn và Tân Văn.

Chúng tôi gặp đại diện các thôn, làng Hảo Sơn, Tân Văn, những nơi được nhắc đến trong văn bản đối chiếu thực chứng. Ông Trần Đức Bình, Bí thư Chi bộ thôn Hảo Sơn cho biết, nguồn nước được đề cập trong văn bản cổ trên vốn xuất phát từ các giếng cổ như: Giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Tép… thuộc hệ thống giếng cổ dẫn thủy ở làng Hảo Sơn, xã Gio An, nay là di tích quốc gia, đang được bảo tồn, phát huy trong bối cảnh đương đại để trở thành những điểm tham quan du lịch của tỉnh. Mương dẫn nước từ Hảo Sơn ra Tân Văn dài hơn 1 km. Điểm đắp đập ngăn nước ngày xưa bây giờ nằm sát phía ngoài hồ sen nhưng đã chìm dưới nước sau khi xã Gio An xây dựng đập dâng để chủ động điều tiết nước của công trình tưới tiêu.

Hiện tại Hảo Sơn có hơn 15 ha ruộng lúa,10 ha ruộng rau xà lách, tất cả đều sử dụng nước tưới từ các giếng cổ chảy ra. Việc kiện tụng được ghi lại trong văn bản Hán cổ này đã chấm dứt trước năm 1945. Dù sau đó không còn kiện tụng vì tranh chấp nguồn nước nhưng để giữ tình hữu hảo giữa hai làng, cứ đến tháng 6 hằng năm, khi làng Hảo Sơn tổ chức tế tự, các cao niên làng Tân Văn thường mang lễ đến thắp hương cùng làng Hảo Sơn cầu mong mưa thuận gió hòa cho người dân 2 làng. Từ thập niên chín mươi của thế kỷ 20, các cao niên lần lượt qua đời thì việc này dần mai một nhưng tình đoàn kết giữa hai làng luôn tốt đẹp, chứ không bị ảnh hưởng.

Còn tại Tân Văn, Trưởng thôn Trần Văn Việt cho biết, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của làng từ xưa nay đúng như trong văn bản cổ nêu trên, hoàn toàn phụ thuộc nguồn nước dẫn theo mương tưới từ Hảo Sơn. Hiện tại Tân Văn có 7 ha ruộng lúa, 12 ha ao hồ nuôi cá. Người dân hai làng luôn hòa thuận với nhau trong đời sống, sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, văn bản Hán cổ của làng Hảo Sơn đang gìn giữ rất độc đáo, giúp con cháu hiểu thêm được đời sống sản xuất nông nghiệp, làng xã của người xưa. Sau vụ xét xử của triều Tây Sơn, việc kiện tụng giữa hai làng đã chấm dứt từ rất lâu. Câu chuyện nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đời nào cũng rất thời sự. Việc khai thác hợp lý nguồn nước từ các giếng cổ ở Hảo Sơn phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng đồng thời đó cũng là nguồn thủy lợi vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Rút kinh nghiệm từ người xưa và thực tiễn cuộc sống nên chính quyền xã Gio An có sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp để khai thác, phát huy giá trị nguồn nước từ các giếng cổ phục vụ sản xuất, đời sống.

Hiện tại đoạn mương nước từ Hảo Sơn về Tân Văn là mương bê tông nhưng xây dựng từ quá lâu nên đã hư hỏng làm lượng nước tưới thất thoát hằng năm rất lớn. Trước yêu cầu đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ nguồn vốn xã hội hóa, UBND xã Gio An đang triển khai đầu tư nâng cấp kênh mương nhằm đảm bảo đủ nước tưới ruộng đồng phục vụ sản xuất cho các làng trên.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/ve-mot-van-ban-co-trieu-tay-son-lien-quan-den-viec-khai-thac-thuy-loi-o-gio-an/177868.htm