Về Nam Định

Không chỉ có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, nhiều thánh đường đẹp đến ngẩn ngơ, Nam Định còn làm cho người phương xa quyến luyến bởi sự nồng hậu, hiếu khách của người dân nơi này.

Đền thánh Hưng Nghĩa ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: NHẬT HIẾU

Ấn tượng Hải Hậu

Ngày đầu thu, chúng tôi đến Hải Hậu - một huyện trù phú ven biển thuộc tỉnh Nam Định, quê hương của gạo tám thơm nổi tiếng.

Theo các tài liệu lịch sử, Hải Hậu được hình thành cách đây hơn 500 năm. Đầu thế kỷ XV, nơi đây còn là bãi bồi hoang vu ở cuối sông đầu biển. Tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia và Phạm Cập đã tập hợp người dân khai hoang, mở đất, lập nên ấp Phú Cường. Rồi cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và hai dòng họ Trần, Vũ khác tới hợp sức. Theo thời gian, những ngôi làng hình thành với bờ xôi ruộng mật, cây trái sum suê.

Hải Hậu có sông Ninh Cơ, sông Sò (đều tách ra từ sông Hồng)... và có nhiều kênh rạch. Người ta dựa vào thủy triều để đưa nước tưới cho những cánh đồng màu mỡ. “Thủy triều lên, người ta lấy nước từ kênh rạch đưa vào ruộng. Chỉ vài nơi có địa thế cao mới phải dùng đến máy bơm nước”, ông Nguyễn Văn Đức, chủ ngôi nhà mà chúng tôi lưu lại, nói vậy.

Vợ chồng ông Đức sống cùng mẹ ở Hải Phong. Xã này trù phú, nhà cửa khang trang, người dân hiền hòa. Ông Đức trước kia là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hải Phong, nghỉ hưu đã mấy năm rồi. Buổi tối, ngồi trước sân nhà mát rượi, ông Đức kể: “Vùng này mới có người ở cách đây hơn 200 năm, sau công cuộc khai hoang của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Xưa kia nơi đây là bãi bồi”. Chỉ tay xuống đất, ông nói tiếp: “Bên dưới này là đất phù sa trẻ. Hơn một mét là phù sa, dưới nữa là cát”. Theo ông Đức, chính đất phù sa trẻ có pha một chút chua mặn đã tạo nên hương vị thơm ngon rất đặc trưng cho gạo tám thơm.

Ở vùng này, hầu như trước nhà nào cũng có một cái ao, nếu không thì có một con kênh chạy qua, ăm ắp nước. Người ta nói ao cá trước nhà là hình ảnh đặc trưng của làng quê nơi đồng bằng Bắc Bộ.

Cũng như nhiều vùng đất khác ở Nam Định, Hải Hậu có những thánh đường đẹp đến ngỡ ngàng, trong đó phải kể đến Đền thánh Hưng Nghĩa ở xã Hải Hưng, được xây dựng từ năm 1927 theo phong cách Gothic, trùng tu vào năm 2000. Công trình kiến trúc tôn giáo này trông như tòa lâu đài cổ kính, đường nét vô cùng tinh xảo. Đến đây, du khách cảm thấy như đang đứng trước một thánh đường hay tòa lâu đài ở châu Âu.

Trí thức thành Nam

Bà Thúy Loan, 83 tuổi, người điều hành Văn phòng Trung tâm Dịch vụ kế toán. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Rời Hải Hậu, chúng tôi theo đường tỉnh qua cầu Thịnh Long, đến Nghĩa Hưng. Huyện này có một thị trấn rất đẹp, tên là Liễu Đề. Một dòng kênh dịu dàng trôi bên con đường chính của thị trấn, hai bên rợp bóng cây.

Qua chặng đường hơn 40km, chúng tôi đến TP Nam Định. Trong một ngõ nhỏ ở phường Vị Xuyên có từ đường họ Vũ. Đây là nơi thờ cụ Vũ Kim Thành (1908-1990) - một trí thức tiêu biểu, một bậc lão thành cách mạng.

Cụ Vũ Kim Thành (tự Hoài Thu) sinh trưởng trong gia đình Nho giáo, có truyền thống yêu nước. Cụ học quốc ngữ, học tiếng Pháp và đỗ bằng Certificat nhưng vẫn nặng lòng với thuyết Tam cương Ngũ thường của đức Khổng Tử. Chưa đầy 40 tuổi, cụ đã giữ chức Thứ chỉ, được triều đình phong hàm Cửu phẩm Văn giai. Từ những năm 1930, cụ tham gia hoạt động cách mạng. Cả hai tư thất của cụ - một ở làng Quần Liêu thuộc xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Hưng, một ở 2B Hàng Đàn, TP Nam Định ngày nay - đều trở thành cơ sở bí mật của Mặt trận Việt Minh; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Bắc Kỳ thường đi lại và sử dụng hai cơ sở này làm nơi tá túc, họp hành bí mật.

Các tài liệu lịch sử ghi lại: Tháng 4/1945, với danh nghĩa họp các vị chức sắc, doanh nhân trong vùng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã họp tại nhà cụ ở Quần Liêu để thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Nam Định và bàn kế hoạch lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở địa phương. Tháng 8/1945, cụ Vũ Kim Thành là một trong những người dẫn đầu đoàn nghĩa quân đi chiếm phủ Nghĩa Hưng và chính cụ đã thu nhận triện đồng từ tay quan phủ.

Phu nhân Trần Thị Ninh và các con cụ đều tham gia hoạt động, ủng hộ cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình cụ được Tổng bộ Việt Minh tặng thưởng đồng tiền vàng.

Tham gia công tác, cụ Vũ Kim Thành từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban huyện Nghĩa Hưng, Huyện ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định khóa 1, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện Nghĩa Hưng.

Mười mấy năm trước, tôi may mắn được gặp một trong những người con của cụ Vũ Kim Thành: GS Vũ Gia Khánh, khi đó là Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng. GS Vũ Gia Khánh là một trí thức đáng kính, rất cá tính, từng có nhiều năm giảng dạy ở nước ngoài. Trong những ngày đến Nam Định, tôi có cơ hội gặp các chị em của giáo sư và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Người chị đầu - bà Vũ Thị Hoàng Oanh, 93 tuổi, rất minh mẫn, sống tại Hải Phong cùng con gái và con rể Nguyễn Văn Đức. Bà Hoàng Oanh có dáng người nhỏ nhắn, đầu vấn khăn, miệng bỏm bẻm nhai trầu - hình ảnh rất đặc trưng của một bà lão ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bà đón những người khách phương xa bằng sự nồng hậu và thích trò chuyện với khách. Người chị kề giáo sư là bà Vũ Thị Kim Phượng, từng làm kế toán trưởng trước khi nghỉ hưu, đang sống tại TP Nam Định cùng gia đình con trai. Bà Kim Phượng yêu thi ca, đặc biệt là thơ Nguyễn Bính. Và dù đã 89 tuổi, song phong thái của bà vẫn toát lên sự thanh lịch. Em gái giáo sư - bà Vũ Thị Thúy Loan - rất đặc biệt. Ở tuổi 83, bà Thúy Loan vẫn đang điều hành Văn phòng Trung tâm Dịch vụ kế toán. Văn phòng đặt tại nhà bà, bên cạnh từ đường họ Vũ. Cùng hai cộng sự, bà Thúy Loan nhận làm kế toán doanh nghiệp, kê khai thuế hàng tháng, hàng quý, báo cáo tài chính hàng năm, quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, bà còn nhận bổ túc nghiệp vụ kế toán cho những người vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành này có nhu cầu.

Bà Thúy Loan kể rằng rất nhiều năm về trước, trong thời gian làm kế toán tại Công ty Thương nghiệp TP Nam Định, được tạo điều kiện, bà đi thi, thi đậu, học Trường đại học Thương mại và tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, hệ chính quy. Bà làm việc tại công ty này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993. Năm 1999, trong lúc lên Hà Nội trông cháu, bà được một người quen là chủ doanh nghiệp mời làm kế toán. Và từ đấy đến giờ, bà chưa nghỉ hưu!

Năm 2007, ở tuổi 68, bà Thúy Loan đăng ký tham gia một khóa đào tạo và được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ kế toán trưởng. Bà mở Văn phòng Trung tâm Dịch vụ kế toán, điều hành công việc từ bấy đến nay. Cách đây 2-3 năm, bà vẫn đi tập huấn!

Nữ kế toán trưởng đặc biệt này đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho một số học viên. Hai người trong số đó, sau khi cứng cáp đã ra riêng (một người là kế toán trưởng tại một công ty nước ngoài) nhưng vẫn gắn bó với bà. Team kế toán ba người do bà Thúy Loan chỉ huy đang làm dịch vụ cho tám công ty. Con số đó xem ra vẫn... chưa nhiều. Trước dịch COVID-19, có những khi văn phòng của bà làm dịch vụ kế toán cho hơn 20 công ty!

Bà Thúy Loan chia sẻ: “Tôi đam mê công việc. Trước kia, chúng tôi lót giấy than viết báo cáo, nếu bản báo cáo dài như thế này mà sai một dòng ở giữa thì phải chép lại từ đầu. Bây giờ làm trên máy tính, mình chỉ chỉnh sửa thôi, rất là nhàn. Chủ yếu là làm online”. Sáng sáng, sau khi tập yoga và đạp xe, bà làm việc trên máy tính chừng một tiếng đồng hồ; buổi chiều cũng vậy. Bà cho biết vừa mua máy tính mới, cấu hình mạnh hơn máy cũ. Máy tính xách tay cũng có, bà mang theo để làm việc những khi đi đâu đó. Hai người con gái của bà Thúy Loan hiểu được niềm đam mê của mẹ nên ủng hộ.

*

Đến Thành Nam, tôi nhớ cố nhà thơ Thanh Tùng từng nói: “Người Nam Định lãng mạn toàn phần”. Người Nam Định mà tôi đã gặp, không chỉ văn nghệ sĩ mà cả những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, hay làm việc với những con số khô khan..., đều lãng mạn và đáng quý vô cùng!

TP Nam Định có những di tích lịch sử nổi tiếng: Đền Trần - ngôi đền thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá; chùa Vọng Cung - được xây cất vào thời vua Gia Long để đón tiếp vua và các quan đi kinh lý, đến năm 1950 được tôn tạo thành ngôi chùa; Cột cờ Nam Định - công trình quan trọng của Thành cổ Nam Định, được khởi dựng từ năm Gia Long 11 (1812), hoàn thành vào năm Quý Mão (1843)...

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/286020/ve-nam-dinh.html