Về Nghi Xuân, bâng khuâng nhớ đại thi hào Nguyễn Du

Bước tới Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), tượng đài cụ Nguyễn Du trong trang phục áo dài, khăn đóng, gương mặt nho nhã, thanh tao cầm bút hướng về núi Hồng, sông La. Hơn hai thế kỷ đi qua, cốt cách, tài hoa của đại thi hào vẫn được hậu thế tôn kính, ngưỡng vọng, trở thành điểm tựa cho quê nhà xây dựng cuộc sống mới.

Đại thi hào Nguyễn Du đã sống trong các triều đại Lê-Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn. Lịch sử nhiều biến động khiến cuộc sống của cụ cũng bao phen đổi dời, lúc trong nhung lụa, khi gió bụi long đong. Năm 1796 trở về làng Tiên Điền, quê hương khi ấy là chốn nương nhờ cho tâm hồn vốn rất nhiều rung cảm của đại thi hào. Các cụ cao nhân ở làng kể, xưa kia làng gần bến Giang Đình, sông nước mênh mông, dạt dào. Dòng sông La khi chưa đổi dòng, dưới bến sông nổi lên một dải cồn cát trắng, dáng hình tựa chiếc bút lông, nối từ Tiên Điền đến Xuân Hội. Bên bến nước, dòng họ Nguyễn-Tiên Điền còn cho dựng lên một số chòi canh để con cháu hóng gió mát trưa hè, đàm đạo văn chương. Xa xa, núi Hồng nhấp nhô soi bóng xuống dòng sông La. Phong cảnh hữu tình ấy đã phả vào tâm hồn thi nhân những xúc cảm trong trẻo để viết nên những vần thơ lay động. Rung cảm trước vẻ đẹp của quê hương, Nguyễn Du đã không ít lần lấy cảnh sắc này vào trong những áng thơ kiệt tác của "Truyện Kiều": Bốn bề bát ngát xa trông/ Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia. Hay trong cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Du khách tham quan Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du.

Về quê hương ở ẩn, cụ Nguyễn Du tự đặt cho mình biệt hiệu “Nam Hải điếu đồ” (câu cá ở biển Nam) và “Hồng Sơn liệp hộ” (đi săn trên núi Hồng). Cụ đi săn, đi câu không hoàn toàn muốn bắt được muông thú, cá chim mà chỉ muốn tìm một sự giải tỏa cho tâm hồn chất chứa nhiều nỗi buồn và tâm tư thế sự. Chính đại thi hào đã viết như thế trong bài thơ chữ Hán "Liệp". Phường săn Tiên Điền đã gửi tặng cụ Nguyễn Du một chiếc gạc nai, cụ dùng để treo y phục trong gia thất. Nay gạc nai này vẫn được lưu giữ tại nhà trưng bày của khu lưu niệm. Sinh ra vốn dòng dõi trâm anh thế phiệt, về quê nhà, cụ cũng chỉ tự nhận mình là một thân phận giản dị hòa cùng với thiên nhiên và con người nơi đây. Sống tại làng Tiên Điền chỉ 6 năm, nhưng đại thi hào vẫn gắn bó, nặng tình với quê nhà.

Cách khu lưu niệm chừng 1km, mộ đại thi hào Nguyễn Du nằm giữa cánh đồng mênh mông gió. Những chiếc lá bạch đàn lác đác thơm dịu rơi xuống bên phần mộ. Dừng chân bên mộ cụ, một cảm giác thâm trầm, bâng khuâng len lỏi trong lòng. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Mậu, trưởng họ Nguyễn-Tiên Điền, cháu xa đời của đại thi hào Nguyễn Du đến thắp nén nhang lên mộ vị tiền bối nhân sắp đến ngày giỗ của cụ. Với lòng ngưỡng mộ, tôn kính với đại thi hào và niềm say mê trò Kiều, nhiều năm qua, ông Nguyễn Mậu đi khắp làng trên xóm dưới sưu tầm kịch bản trò Kiều thất lạc, vận động con em đi học hát, biểu diễn. Tối tối, ông già dáng dấp nhỏ bé lại xách ấm nước chè xanh cùng mọi người đến nhà văn hóa thôn tập hát, tập múa trò Kiều. Với những đóng góp của ông Mậu, trò Kiều Tiên Điền sau khoảng thời gian lụi tàn được nhen nhóm trở lại. CLB trò Kiều Tiên Điền được thành lập, trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây. Vừa kính cẩn thắp nén nhang lên mộ cụ Nguyễn Du, ông Nguyễn Mậu bày tỏ: “Năm nay do dịch Covid-19 nên CLB trò Kiều không biểu diễn phục vụ du khách được. Tuy vậy, các thành viên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ôn lại đôi trích đoạn để anh chị em nhớ bài. Hát và biểu diễn trò Kiều như là một niềm kính trọng, tri ân cụ Nguyễn Du”.

Để xứng đáng với danh thơm của đại thi hào Nguyễn Du, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Nghi Xuân đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Huyện Nghi Xuân là huyện về đích nông thôn mới đầu tiêu của tỉnh Hà Tĩnh. Tiên Điền trở thành một mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển lên thị trấn. Cảnh sắc quê hương xưa được Nguyễn Du miêu tả trong những áng thơ văn vẫn không mất đi, giờ đây còn thêm nét hiện đại, văn minh. Con cháu họ Nguyễn-Tiên Điền vẫn phát huy truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ đạt cống hiến trí tuệ cho quê hương. Ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Du là một trong những ngôi trường đi đầu trong công tác giáo dục, đào tạo của tỉnh nhà. Vào mỗi mùa thi hay đầu xuân năm mới, học sinh huyện Nghi Xuân thường tới đền thờ của cụ thắp nén tâm nhang, thường gọi là lễ "xin chữ", lấy tấm gương của đại thi hào mà soi sửa, phấn đấu học tập tiến bộ.

Cách khu lưu niệm chừng nửa cây số về phía đông là tổ dân phố Phong Giang, thị trấn Tiên Điền. Những con đường nơi đây được tô điểm bằng những bức bích họa một số phân cảnh trong "Truyện Kiều". Các bức bích họa được thể hiện sống động trên các bức tường rào bằng chất liệu sơn dầu. Người dân còn trồng thêm những bông hoa trắng xinh, tim tím để tô điểm cho những bức tranh thêm nét dịu dàng. Các trích đoạn của "Truyện Kiều" như: Thúy Kiều-Thúy Vân, chị em Thúy Kiều du xuân gặp Kim Trọng, Kiều gặp Sở Khanh, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Kim-Kiều đoàn viên... được mỹ thuật hóa, níu chân người già, trẻ nhỏ, du khách gần xa.

Cạnh khu lưu niệm, quảng trường Nguyễn Du vừa được chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh xây dựng làm nơi sinh hoạt văn hóa, để tỏ lòng ngưỡng vọng về tài hoa và cốt cách của đại thi hào. Nơi ấy có cây cầu nhỏ cong cong uốn lượn qua dòng nước trong xanh. Đây đó, những hàng liễu rủ bóng xuống mặt hồ. Những tưởng không gian ấy là một bức tranh từ "Truyện Kiều". Bâng khuâng nhớ xa xưa, đại thi hào Nguyễn Du ngày ngày thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên nơi quê nhà, đêm đêm nho nhã đặt bút viết nên những tiếng thơ lay động đất trời...

Bài và ảnh: HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-nghi-xuan-bang-khuang-nho-dai-thi-hao-nguyen-du-635942