'Về nhà đi con' - món cũ đun đi đun lại

Tập cuối cùng của bộ phim truyền hình 'Về nhà đi con' dừng chiếu chỉ sau một tháng, Đài Truyền hình Việt Nam thông báo chiếu lại. Sự kiện chưa từng có này khiến dư luận chia hẳn hai chiều. Một bên 'tự hào quá' phim Việt. Một bên 'buồn thay cho văn nghệ nước nhà'.

Các diễn viên chính của “Về nhà đi con”

Đun lại một lần là dinh dưỡng, đun lại hai lần là độc tố

“Về nhà đi con” thực ra không phải là một kịch bản hoàn toàn mới. Nhóm sản xuất cho biết, “Về nhà đi con” lấy cảm hứng từ bộ phim “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” từng được phát sóng trên VTV vào năm 2013.

Đề tài phim xoay quanh một gia đình gà trống nuôi con với số phận có phần tiêu biểu của ba cô con gái lớn lên thiếu sự chăm sóc của mẹ. Từ những tập đầu tiên, “Về nhà đi con” đã tạo nên một cơn sốt trên truyền hình Việt Nam trong năm 2019. Khán giả chờ đón từng tập phim, trailer (phần giới thiệu) mỗi tập đều thu hút hàng triệu lượt xem trên facebook và youtube. Có hẳn những diễn đàn thu hút hàng chục ngàn thành viên chỉ để ném đá các vai phản diện và dự đoán số phận từng nhân vật. “Về nhà đi con” được thống nhất gọi là bộ phim quốc dân.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng (trái) khẳng định không có và không nên làm phần 2 “Về nhà đi con”

Nhóm biên kịch than vãn rằng chưa từng có bộ phim nào mà những người đứng sau cánh gà lại phải ra mặt giải đáp thắc mắc nhiều đến như vậy. Từ những chi tiết thiếu logic, diễn biến tâm lý nhân vật không như bình thường, cho đến cách nói năng của một vài nhân vật... đều trở thành những câu hỏi nhất định phải có đáp án.

Đặc biệt hơn, ngày 21/8/2019, Bộ trưởng Văn hóa - thể thao và Du lịch đã trao tặng Bằng khen cho hai tập thể: Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) và nhóm biên kịch bộ phim “đã làm việc và hoàn thành xuất sắc “Về nhà đi con”.

Chưa hết, vào tháng 9, giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng trong Lễ trao giải Ấn tượng VTV 2019 (VTV Awards 2019) cũng thuộc về “Về nhà đi con”. Diễn viên Trung Anh và diễn viên Bảo Thanh lần lượt trở thành nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Từ bộ phim này, có nhiều từ mới được lưu hành rộng rãi, ví dụ “con giáp thứ 13” (chỉ người thứ 3 xen vào hôn nhân của người khác), hay như câu “thanh xuân như một ly trà” tạo thành trend trên cộng đồng mạng.

Tóm lại, “Về nhà đi con” có thể coi là bộ phim “toàn thắng” của năm nếu nó dừng đúng lúc, mặc dù gần một nửa phần sau phim đã bị khán giả phản đối dữ dội vì “lê thê, cố tình kéo dài, không có gì mới”. Sự việc chiếu lại khiến cho bên phía “thương cho văn nghệ Việt” gần như bùng nổ.

Bác sĩ Phan Quốc Tuấn phân tích: “Món nào cũng thế, đun lại một lần là dinh dưỡng, đun lại từ lần hai trở đi là phát sinh độc tố, không báu gì. Sơn hào hải vị dù ăn nhiều cũng ngán, nữa là một bộ phim chiếu lại ngay sau khi vừa chiếu cách đó một tháng. Sóng truyền hình nên ưu tiên cho những thứ mới mẻ hơn”. Status này ngay lập tức được chia sẻ rộng rãi, nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: “Nghe tin mà thương cho nghệ thuật nước nhà và khán giả. Quanh năm xơi mãi một món tiểu tam (người thứ ba) đã kinh rồi, lại còn phải ợ ra nhai lại. Trong khi cuộc sống còn bao nhiêu thứ cần nói và đáng nói”.

Từng mất điểm vì lê thê

Ngay ở thời điểm đỉnh cao quyến rũ thì “Về nhà đi con” cũng đã nhận rất nhiều phản đối cho cái sự “lê thê và nhạt” của nửa sau phim. Một biên tập viên tờ báo mạng “nhiều người đọc nhất Việt Nam” tiết lộ: nếu công tâm so sánh, thì sau mỗi bài viết “Về nhà đi con” nhận được khen, chê khá đồng đều. Phía khen vốn từ hạn hẹp, ngoài hay, cảm động, đời quá, thì cũng đến tự hào quá là cùng. Trong khi phía chê phong phú và có nghề hơn hẳn.

Trần Tuấn (Hà Nội) bình luận: “Phim này tìm cái kết đẹp rồi kết thúc ở khoảng 40 tập là ổn. Cố quá kéo đến 85 tập khiến rất nhiều người bức xúc, tôi thì không đủ kiên nhẫn xem hết. Thời đại 4.0 khán giả có thể “trở mặt” ngay khi phim đang kịch tính chứ đừng nói nó lỗi. Là vì họ có quá nhiều lựa chọn. Tin tôi đi, những người cố gắng ở lại đến tập 85 chủ yếu là người già, bà nội trợ, các mẹ bỉm sữa... không có người trẻ đâu”.

Lý giải về sự kéo dài của phim, một người trong cuộc tiết lộ họ không có ý định làm dài hơn 60 tập nhưng vì đến khoảng tập 40 thấy ratting (đơn vị đánh giá sự quan tâm, theo dõi của khán giả) cao nên mới nối thêm kịch bản (để thêm quảng cáo). Thực ra thông tin này không tính là bí mật, các đế chế sản xuất phim truyền hình đều làm thế, và bộ phim sẽ tự động co lại khi lượng người xem giảm đi.

Khán giả Minh Châu nhận xét: “phim Việt mình có một lối mòn chung là càng về cuối càng chán, rườm rà, lê thê. Có hôm xem, không có nội dung gì luôn. Bởi vì kịch bản có gì hay thì phô hết đầu phim để tạo hiệu ứng, về sau không phát triển được tình tiết mới hay và hấp dẫn hơn nên càng về cuối càng vòng vo, mất phương hướng. “Về nhà đi con” hay một số phim thành công trước như “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”... cũng vậy. Muốn xem cố cho hết mà nhiều lúc cũng bỏ không muốn xem”.

Một giá trị không có thay thế là... đáng buồn lắm!

Việc một bộ phim truyền hình dài tập chiếu hai lần cách nhau một tháng bị nhiều người cho là một tín hiệu đáng buồn của ngành giải trí, không phải là “tự hào quá” như nhiều người vẫn quen miệng hô trên mạng.

“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một lần trả lời phỏng vấn có nói rằng: Việc tôi cứ nổi tiếng và không thể thay thế đến tận giờ là một minh chứng cho sự suy đồi của nền văn học chứ không phải hay ho gì. Một nền văn học phát triển phải có người sau tiếp bước, lật đổ, dẫm lên người trước”.

Ngay bên dưới phần trích dẫn này, tác giả Minh Nhiên kết luận: “Nên cũng đừng cho rằng một tác phẩm phải chiếu lại ngay là một cái gì đáng tự hào. Văn học là lĩnh vực cần sự “trường tồn” mà còn như thế, giải trí càng cần sự mới mẻ, đột phá. Cố tình khẳng định một bộ phim chỉ nói lên rằng, ngành giải trí đang quá đói sản phẩm, khán giả đang quá thảm vì ngày qua ngày được tiếp cận với mỗi một món”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy cũng từng nói về bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” nổi tiếng của ông: “Lẽ ra bộ phim phải lạc hậu rồi, phải chết rồi theo mọi nhẽ, nhưng người ta vẫn bảo nó có tính thời sự cho đến giờ, đó là tai họa đấy chứ”!

Đạo diễn Nguyễn Minh Tâm nêu ý kiến: “Về nhà đi con” đã xong việc của nó rồi. Nếu ai muốn xem lại thì youtube, facebook chả thiếu tập nào. Nhà Đài không nhất thiết phải dành khung giờ phim Việt cho nó cấp tập đến thế. Trong khi còn biết bao nhiêu phim Việt được đầu tư tử tế chưa có cơ hội xuất hiện. Chưa kể khán giả có người này người kia, cứ cho là một triệu người thích “Về nhà đi con” thì cũng không thể đại diện cho toàn bộ khán giả. Người xem có quyền được lựa chọn”.

Trong cuộc gặp gỡ truyền thông chiều 3/9, khi được hỏi về khả năng làm tiếp phần 2 “Về nhà đi con”, đạo diễn Danh Dũng cũng khẳng định chắc chắn rằng phim sẽ không có phần 2 và cũng không nên có, nên dành thời gian cho những đề tài khác.

“Về nhà đi con” được đánh giá là bộ phim đem lại doanh thu quảng cáo khủng cho nhà sản xuất. Theo đơn giá quảng cáo phía Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam đưa ra thì giá quảng cáo cho thời lượng 10 giây là 37,5 triệu đồng, cho thời lượng 15 giây là 45 triệu đồng, thời lượng 30 giây là 75 triệu đồng.

Tính trung bình mỗi tập phim “Về nhà đi con” dài 30 phút, có 8 phút quảng cáo, mang về cho nhà Đài khoảng 1-1,5 tỷ đồng.

Hạ Đan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ve-nha-di-con-mon-cu-dun-di-dun-lai-1466798.tpo