Về Ninh Bình nghe làn điệu chèo

Vượt ra khỏi lũy tre làng, hát chèo cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát xẩm, ca trù, hát chầu văn... dần tiếp cận với nhiều du khách trong nước, quốc tế khi tham quan vùng đất Cố đô. Về Ninh Bình, những làn điệu chèo mượt mà, trữ tình, với nội dung phong phú, đa dạng như đưa người nghe đến với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất 'sơn thủy hữu tình'.

Phố cổ Hoa Lư về đêm.

Buổi chiều cuối tuần, đình làng thôn Đông Hội, xã Ninh An (huyện Hoa Lư) rộn ràng hơn mọi ngày, bởi đây là lúc các thành viên câu lạc bộ (CLB) chèo làng Đông háo hức với lịch luyện tập sau một tuần lao động, làm việc căng thẳng. Trên sân đình, các nhạc công dù cao tuổi nhưng vẫn hào hứng sửa soạn nhạc cụ, thử vài nốt nhạc để khởi động cho buổi luyện tập.

CLB chèo làng Đông hiện có 20 thành viên, người cao tuổi nhất là ngoài 80, người trẻ nhất hơn 30 tuổi, nhưng đều có chung niềm đam mê với nghệ thuật chèo, cùng mong muốn được góp sức để giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc...

Tiết mục đạt giải A của CLB hát chèo xã Ninh An tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Hoa Lư năm 2023. Ảnh: Minh Quang

Ông Tạ Quang Thuyết, thành viên CLB chia sẻ: Tôi tham gia hát chèo từ năm 16 tuổi, trải qua nhiều công việc liên quan đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, rồi khi trở về địa phương lại tiếp tục gắn bó với nghệ thuật chèo. Tôi mong muốn được cùng góp sức để truyền dạy bộ môn hát chèo cho lớp con, cháu.

Ở Ninh An, rất ít gia đình có truyền thống nghệ thuật như gia đình ông Thuyết. Cả hai vợ chồng ông đều tham gia CLB chèo, 2 cô con gái cũng là diễn viên Nhà hát chèo Hà Nam, Nam Định, 2 cháu ngoại tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Việt Nam, hiện cháu nội 12 tuổi đang được ông truyền dạy sử dụng sáo, đã tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh...

Thành lập đã 11 năm, CLB chèo làng Đông vẫn đang mang đến "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Dưới sự "chỉ huy" của "lão làng" Tạ Quang Thuyết, các tác phẩm chèo được cải biên, đặt lời mới, sáng tác kịch bản, phối khí... được ông cần mẫn sáng tác để CLB lúc nào cũng có tác phẩm phục vụ yêu cầu, nhất là trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, khi tham gia các sự kiện, hội diễn.

Tâm huyết của ông Thuyết và các thành viên cao tuổi trong CLB tạo động lực, tiếp sức cho thế hệ trẻ noi theo. Nhiều thành viên hàng ngày đi làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng cuối tuần vẫn thu xếp công việc để về đình làng luyện tập.

Là địa phương có phong trào hát chèo sôi nổi, các CLB chèo ở huyện Yên Khánh đã đưa nghệ thuật chèo vào biểu diễn tại các nhà văn hóa thôn, xóm, sân đình, gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng, để tinh hoa nghệ thuật chèo luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị.

Chủ nhiệm CLB chèo xã Khánh Cường, bà Phạm Thị Thành cho biết: Là địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đặc biệt nghệ thuật chèo luôn được các thế hệ lưu giữ, phát huy. CLB chèo xã Khánh Cường không chỉ tìm tòi các làn điệu chèo cổ để lưu giữ vốn cổ của cha ông mà còn viết lời mới để cổ vũ phong trào thi đua lao động, sản xuất của người dân địa phương, góp phần tuyên truyền việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị như: Xây dựng nông thôn mới, đón xuân mới, mừng Đảng quang vinh...

Buổi tập luyện của CLB chèo xã Khánh Cường (Yên Khánh). Ảnh: Minh Quang

Với 2 CLB cấp tỉnh, 181 CLB cấp huyện và 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, nghệ thuật chèo đã được các thế hệ người dân Ninh Bình giữ gìn, phát huy bằng nhiều hình thức, trong đó điều cốt lõi chính là tâm huyết, là trách nhiệm lưu giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Về các địa phương trong tỉnh vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, hội làng, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc… các làn điệu chèo đã "sánh vai" cùng các làn điệu xẩm, chầu văn, các ca khúc nhạc trẻ, không hề tỏ ra "lép vế" mà luôn được các khán giả nhiều lứa tuổi đón nhận nồng nhiệt.

Các làn điệu chèo trữ tình, sâu lắng được cất lên đã khơi gợi hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam với nếp sinh hoạt đời thường giản dị, mộc mạc. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này đã trở nên thân thuộc với người dân Ninh Bình, không chỉ được lưu giữ tại Nhà hát Chèo mà đã phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh.

Nghệ thuật chèo cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống khác đã được tỉnh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, lưu giữ, truyền dạy, phổ biến. Tỉnh Ninh Bình cũng đang phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản "nghệ thuật hát chèo ở Ninh Bình".

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ve-ninh-binh-nghe-lan-dieu-cheo/d20240129151542690.htm