Về nơi bảy tháng không có mưa

Bình Định đang đối mặt với cơn hạn hán khốc liệt nhất trong 15 năm qua. Huyện Phù Mỹ là một trong những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề. Có vùng, người dân nói 'ra Tết đến nay trời không mưa'.

Hàng chục ngàn người Phù Mỹ quay quắt trong hạn hán chưa từng có.

Quắt quay vì khát

Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), trên địa bàn huyện này đã có trên 4.500 hộ dân với trên 16.000 người ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Châu, Mỹ Phong, Mỹ Lộc, Mỹ Chánh Tây đang sống quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Xã Mỹ Chánh là địa phương có mạch nước ngầm bị nhiễm phèn nặng, còn ở xã Mỹ Chánh Tây thì mạch nước ngầm nằm rất sâu, lại có nhiều đá tảng nên người dân không thể đóng giếng lấy nước để giải cơn khát.

Bộ đội khai thông dòng chảy giúp nông dân huyện Phù Mỹ lấy nước cứu lúa.

“Trên địa bàn huyện Phù Mỹ có 44 hồ chứa nước với tổng dung tích 46 triệu m3 nước. Thế nhưng hiện nay tất cả các hồ đều khô trơ đáy, cộng dồn 44 hồ hiện chỉ còn chứa được khoảng 4 triệu m3 nước. Theo đó, mạch nước ngầm tại các địa phương cũng cạn kiệt. Đã nhiều tháng rồi ông trời không có một giọt mưa. Chưa năm nào Phù Mỹ hạn hán khốc liệt như năm nay”, ông Chánh cho hay.

Cũng theo ông Chánh, trước khi được xe cứu hỏa của lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Định chở nước sạch cấp miễn phí với định mức hỗ trợ tối thiểu là 50 lít/hộ/ngày, thời gian trước đó người dân xã Mỹ Chánh phải lặn lội về xã Mỹ Cát để mua nước. Người mua nhiều từ 10 can trở lên thì giá rẻ hơn, 1.000đ – 1500đ/can, người mua ít 1 – 2 can thì mua giá đắt hơn, 2.000đ/can. “Thiếu ăn còn dễ chịu chứ thiếu nước uống, nước sinh hoạt thì không ai chịu nổi. Vậy nên giá nước có đắt mấy người dân cũng phải mua để sinh hoạt hàng ngày”, ông Chánh bộc bạch.

Ông Phạm Phú Quốc, ở thôn Châu Trúc, than thở: “Hơn 1 tháng nay, mỗi ngày gia đình tôi phải mua 70 lít nước mới đủ cho 6 người trong gia đình sinh hoạt. Phải đến gần 20 năm qua tôi mới thấy hạn khốc liệt như thế này. Trong những ngày này, những người trong gia đình tôi phải sử dụng nước hết sức tằn tiện. Từ việc nấu ăn đến tắm giặt đều phải rất tiết kiệm nước để đỡ tốn tiền mua nước”.

Đầm Châu Ổ trơ đáy

Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1.200ha, nằm giáp ranh các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Đức và Mỹ Châu thuộc huyện Phù Mỹ. Nắng nóng kéo dài khiến đến thời điểm đầu tháng 8 này lượng nước trong đầm đã khô kiệt, phần lớn diện tích mặt đầm phơi mình dưới nắng nứt nẻ.

Mặt đầm Châu Ổ nứt nẻ.

Ông La Văn Hiệp (70 tuổi), 1 người dân ở thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu), cho biết: “Sống đến chừng tuổi này, đây là lần đầu tiên tui thấy nước trong đầm Trà Ổ cạn khô đến như vậy. Đầm khô nước, mạch nước ngầm tại những vùng dân cư quanh đầm cũng cạn kiệt theo, người dân sống quanh đầm lâm cảnh khốn đốn do vừa thiếu nước sinh hoạt, vừa thiếu nước sản xuất”.

Trước thực trạng trên, theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh Bình Định đã phải huy động các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn với 110 cán bộ, chiến sĩ hành quân về các xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng để khơi thông dòng chảy và nạo vét đầm Châu Ổ giúp dân chống hạn.

“Các cán bộ, chiến sĩ đã khơi thông dòng chảy với 3.000m chiều dài, 7m chiều ngang trên đầm Trà Ổ để đưa nước về trạm bơm Chánh Khoan bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên, càng tiến xa ra phía lòng đầm thì càng bị lún sâu nên các chiến sĩ dù có cố mấy cũng không thể nạo vét thêm”, ông Chánh cho hay.

Đầm Châu Ổ trơ đáy, nghề đánh bắt thủy sản của những hộ dân sống quanh đầm cũng “tắt” theo.

“Lúa đang giai đoạn trổ bông mà thiếu nước tưới thì làm sao lúa đóng hạt, nếu không khắc phục được sẽ có hàng trăm hộ dân thiếu gạo ăn. Người dân và chính quyền đã xoay xở đủ cách tìm nước cứu lúa, mong vớt vát được hạt nào hay hạt đấy. Nhìn lúa dần chết khô mà ruột chúng tôi như héo đi. Thấy các chú bội đội về giúp dân chống hạn, chúng tôi mừng lắm. Mỗi lần dân gặp khó, cần sự giúp đỡ thì lại thấy bộ đội hành quân về làng”, nông dân Nguyễn Hữu Chỉnh (69 tuổi) ở Chánh Khoan Nam (xã Mỹ Lợi), bộc bạch.

“Khi nhận lệnh, các chiến sĩ đã được nghe cấp trên thông qua tình hình. Nhưng đến nơi chúng tôi mới thấy hạn hán ở đây khốc liệt đến chừng nào, đến cả đầm Trà Ổ mà cũng khô trơ đáy. Nhiều cánh đồng lúa mới trổ bông mà nắng nóng đốt đến khô cháy, đứng ngắc ngoải vì thiếu nước tưới, nhiều gia đình phải cắt lúa về cho trâu bò ăn hoặc làm chất đốt. Đứng trước tình cảnh này, anh em chiến sĩ chúng tôi động viên nhau làm việc hết sức mình, sớm đưa nước về đồng giúp bà con cứu lúa”, chiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trung đội vệ binh - Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định), chia sẻ.

Sinh vật sống trong đầm Châu Ổ chết khô trên mặt đầm.

“Đầm Trà Ổ rộng 1.200ha, thế nhưng do nắng nóng kéo dài nên hiện nay chỉ còn 120ha mặt đầm là còn nước. Nước đầm cạn khô không chỉ khiến cho 236ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng tưới của đầm Trà Ổ đang bị thiếu nước tưới mà còn làm mất kế sinh nhai của những hộ dân chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản trong đầm”, ông Hồ Ngọc Chánh , Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ve-noi-bay-thang-khong-co-mua-post246989.html