Về nơi cội nguồn

Khu lăng mộ Thủy tổ Kinh Dương Vương. Ảnh: XUÂN HIẾU

“Nhớ ngày mười tám tháng Giêng/ Giỗ vua Thủy tổ thiêng liêng nước nhà/ Dù ai xuôi ngược gần xa/ Tìm về bái tổ xứng là đạo con!”. Từ xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao về lễ hội Kinh Dương Vương, vị vua đầu tiên của nước Việt.

Tương truyền Kinh Dương Vương là người đã sinh ra Lạc Long Quân và là ông nội của Vua Hùng Vương thứ nhất. Tuy nhiên, di tích lịch sử này hiện còn nhiều người chưa biết đến.

Bên dòng sông Đuống

Từ tỉnh Hải Dương kết nghĩa, theo quốc lộ 38, chúng tôi về thăm quê hương Kinh Bắc, nơi bắt nguồn những làn điệu dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và cũng là vùng đất đậm đặc những di tích gắn với nhiều huyền thoại lịch sử, khai mở nền văn minh Đại Việt. Nhà báo Ngô Hồng Giang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đón chúng tôi ở nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh bên cánh đồng lúa đang thì con gái mướt xanh. Sau phần chào hỏi thân tình, anh giới thiệu khái quát rồi đưa chúng tôi đi thăm Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Kinh Dương Vương, nơi thờ vị vua đầu tiên của đất nước.

Gần bước sang tháng 3 âm lịch, sắp đến Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc này vẫn còn mưa xuân lất phất. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng ngoài chúng tôi vẫn có nhiều người đến viếng mộ, thăm đền vị vua Thủy tổ.

Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương tọa lạc tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, có tổng diện tích khoảng trên dưới 40ha. Lăng được xây dựng trên một dải đất cao, trước mặt là dòng sông Đuống thơ mộng ngày đêm lặng chảy chất chứa trong lòng bao huyền tích, phía sau là đê Đuống, xung quanh là bãi bồi trải rộng. Đứng trên bờ đê nhìn về phía con sông Thiên Đức (tên gọi cũ của sông Đuống) hiện lên một vùng xanh với những tán cây hoàng lan, cây xà cừ cổ thụ cành lá xum xuê, xòa bóng mát tạo cảnh quan tĩnh mịch, uy nghiêm.

Hay tin có đoàn khách là những văn nghệ sĩ từ Phú Yên, vùng đất duyên hải Trung Trung Bộ ra thăm lăng, viếng mộ vua Thủy tổ, ông Biện Xuân Sam, thủ hương Lăng Kinh Dương niềm nở mời chúng tôi vào phòng khách nghỉ ngơi, pha trà xanh dùng cho ấm dạ, trước khi tiến hành các nghi thức tế lễ tổ tiên.

Ông Sam cho biết, đã hàng ngàn năm nay, cứ đến ngày 18 tháng Giêng (âm lịch), người dân làng Á Lữ cùng với Nhân dân quanh vùng đều tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương nhằm tưởng nhớ đến vị vua đầu tiên của nước Việt, Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lễ hội là dịp để đồng bào cả nước kết tụ, tưởng nhớ và tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện niềm tự hào dân tộc, huyết thống con Lạc, cháu Hồng cùng hướng về nguồn cội, vươn tới tương lai tươi đẹp.

“Thời Pháp thuộc, khu lăng mộ bị tàn phá trơ trụi. Đến năm 1971, Nhân dân thôn Á Lữ đã góp công, góp vốn tôn tạo lại lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương. Ngày 2/2/1993, khu di tích này được Bộ VH-TT&DL công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia”, ông Sam cho biết.

Giữ cho đời sau

Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, ngôi đền chung thờ các bậc Thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống. Đài lăng được xây theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái. Từ cổng chính đi thẳng vào là khu trung tâm lăng mộ, có tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” được khắc năm 1840, hai bên tả hữu là nhà Văn chỉ, Võ chỉ và nhà khách. Mặt trước khu di tích nhìn về hướng bắc và nhìn ra con sông Đuống quanh năm mang phù sa màu mỡ tươi tốt về cho vùng quê Kinh Bắc.

Khu đền thờ gồm 5 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung, được xây dựng từ khung gỗ lim, các mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo thể hiện dấu tích xưa. Trong đền, các di vật, tài liệu được bài trí khá phong phú về loại hình và giá trị nghệ thuật. 3 bộ ngai thờ đặt ở hậu cung, gồm ngai thờ Kinh Dương Vương ở ban giữa, ngai thờ Lạc Long Quân ở gian phải và ngai thời Âu Cơ ở gian trái, đều được chạm khắc, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trước lăng có đại tự “Nam bang Thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam) và câu đối “Việt nam sơ đầu xuất/ Hồng bàng vạn đại xương” “Lập thạnh kỷ công nam thánh tổ/ Phong thần tổ tích bắc thần tôn”…

Cũng tại đây, có 15 đạo sắc của các vua triều Nguyễn ban cấp hiện còn lưu giữ. Đạo sắc có niên hiệu sớm nhất là năm Gia Long thứ chín (1810). Sắc chỉ: “Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc”… Đạo sắc có niên hiệu muộn nhất là năm Khải Định thứ chín (1924). Sắc chỉ: “Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, toàn tiền phụng sự Kinh Dương Vương hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tiết mông ban cấp, sắc chỉ chuẩn hứa phụng sự tứ kinh chính trực”…

Theo Ban quản lý Di tích Lăng mộ và Đền thờ Kinh Dương Vương, thần phả, sắc phong và sử sách còn lưu lại, cho thấy Lộc Tục là con trai của Đế Minh là cháu nội của Viêm Đế và là chắc của vua Thần Nông. Ông là bậc thánh trí, có tư chất thông minh, sức khỏe phi thường, tài đức hơn người. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua cai quản phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lập nên nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Công Nguyên), đặt tên nước là Xích Quỷ - tên một vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân Hà. Kinh Dương Vương đóng lỵ sở ở Luy Lâu, Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), sau đó dời đô về Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và xây dựng kinh thành. Kinh Dương Vương lấy Thần Long, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối vua cha xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Kinh Dương Vương tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng tại Khúc Khang, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay).

Đến khu di tích này, ngoài việc được tìm hiểu về văn hóa - lịch sử của dân tộc, mọi người còn được hòa mình vào không gian thoáng đãng, giúp tĩnh tâm, đầu óc thanh thản. “Qua sử sách, tôi có biết đôi nét về Kinh Dương Vương. Còn giờ đây, khi đã quá nửa đời người tôi mới được đến vùng đất linh thiêng cội nguồn này, biết tường tận về nơi đã phát nguyên 18 đời Vua Hùng của dân tộc Việt Nam. Mong rằng di tích này, nơi thờ vị vua Thủy tổ này ngày càng được nhiều người biết đến. Lớp người đi trước có trách nhiệm lưu truyền cho thế hệ sau giá trị lịch sử và tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến tổ tiên”, anh Lê Lượng (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu), thành viên trong đoàn bày tỏ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đế Minh là cháu 3 đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi cưới con gái của Vụ tiên nữ, sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Về sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương. Kinh Dương Vương làm vua và cai trị từ khoảng năm 2879 trước Công Nguyên trở đi. Địa bàn của quốc gia dưới thời vua Kinh Dương Vương rộng lớn, phía bắc tới Trường Giang (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là biển Đông (một phần của Thái Bình Dương) và phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay). Kinh Dương Vương lấy con gái vua Hồ Động Đình tên là Thần Long, sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân.

Mong rằng di tích này, nơi thờ vị vua Thủy tổ này ngày càng được nhiều người biết đến. Lớp người đi trước có trách nhiệm lưu truyền cho thế hệ sau giá trị lịch sử và tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến tổ tiên.

Anh Lê Lượng (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu)

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/297956/ve-noi-coi-nguon.html