Về nơi không một tiếng gà

Sau trận bão đã nửa tháng rồi, nhưng vùng quê ấy vẫn chưa có dấu hiệu hồi sinh, dù đồng bào cả nước đã hết lòng chung tay giúp người dân nơi đây gượng dậy.

"Gia tài" sau bão là những buồng chuối ủng. (LĐ) - Bây giờ, buổi trưa ở Tân Phước có thể nghe rất rõ tiếng róc rách của dòng sông Trà Bồng đổ về xuôi một cách êm đềm sau trận lũ, nhưng tuyệt nhiên không nghe được thứ âm thanh quen thuộc của một làng quê bình yên thường thấy sau lũy tre xanh - đó là tiếng gà. Cơn bão kèm trận lũ dữ hồi cuối tháng 9 vừa rồi không chỉ biến nhiều làng quê ở vùng ven sông Trà Bồng này thành bình địa, mà chúng còn tiêu diệt luôn cả những gì quen thuộc của người nông dân. Mấy anh chị ở Công ty cổ phần chứng khoán Kim Eng-Vietnam và Cty TNHH Sao Khuê, dù đa phần là người Đà Nẵng, đã quá quen với cảnh trời hành mỗi mùa mưa bão, vẫn trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều ngôi trường ở Bình An, Bình Khương - hai xã vùng núi của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sau hai tuần nguôi bão rồi mà vẫn còn nguyên sự tan hoang. Các em học sinh gắng gượng đến lớp bằng những cuốn vở học trò vừa nhận được của các đoàn cứu trợ, ngồi ê a dưới những phòng học mà ở tầng trên chỉ sót lại mỗi bộ khung sắt, còn tôn thì bay đi tận đẩu, tận đâu! Riêng đoàn cứu trợ của Công ty Canon, đa số là người Sài Gòn và Hà Nội thì không chỉ "trố mắt" khi nhìn thấy nhiều búi rơm vẫn còn treo lơ lửng trên dây điện dọc đường đi - bằng chứng còn lại của trận lũ lịch sử sau khi nước đã rút đi rồi mà còn "không thể tin được" lũ và bão lại có thể làm biến dạng nhiều làng quê đến như vậy. Đến cả tiếng gà cũng tắt gáy nơi đây thì còn hơn cả thời chiến mất rồi! Các công ty trên đây là những đơn vị đã nhờ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động "chỉ đường cứu trợ" trong mấy ngày qua. Các phóng viên Báo Lao Động ở miền Trung bây giờ trở thành "hoa tiêu" cho những tấm lòng hướng về vùng lũ. Bắt đầu từ chợ Một điều dễ nhận ra qua các chợ ở vùng lũ hiện nay là rất ít rau xanh và tuyệt đối không thấy bán các loại gia cầm. Bà Lê Thị Hải - chuyên bán rau ở chợ Bình Minh - nói: "Rau đây được chở từ TP.Quảng Ngãi ra, chứ vùng này có còn gì nữa mà rau với cỏ! Còn gà, vịt à? Trời lấy đi hết rồi!". Bà Hải giải thích: "Vùng này lũ lụt thường xuyên, nhưng nước có lớn đến đâu đi nữa thì vẫn còn gà và vịt, nhưng năm nay thì không còn con nào. Bão dập tơi bời vừa xong, còn sót lại con gà, con vịt nào thì lũ ập tới lôi đi. Thử hỏi làm sao còn được con nào mà bảo mang ra chợ bán?". Bình Minh là một trong số những chợ sầm uất vùng tây Bình Sơn này, thế mà hôm nay chỉ lèo tèo như mực rớt dăm bảy người đến đây mua bán trong uể oải. Mặt hàng sốt nhất vẫn là rau xanh, nhưng trông bầm giập lắm; vài mẹt thịt lợn lẫn với bụi bùn, nhiều nhất vẫn là chuối. Mà cũng chẳng chín được nữa. Nhìn những buồng chuối được bày bán trước sân chợ mà thắt lòng. Những bà mẹ quê đã chắt mót sau trận bão để có được những buồng chuối này. Thường thì những buồng chuối được ủ trong lá mứt để chúng chín đều, nhưng ngay cả chiếc lá tre cũng không còn sót lại nói gì lá mứt. Thế là chuối trái chín, trái xanh. Không biết bên trong lớp vỏ úa bầm kia của quả chuối, những vị ngọt sau bão dông có còn đọng lại? Chắc chắn là còn nhưng hẳn là đã lẫn với chua cay. Chợ nhóm chừng ba mươi phút đã tan. Còn trơ lại những buồng chuối ủng cùng những người đàn bà lam lũ. Hy vọng kiếm vài lon gạo gỡ gạc sau trận bão từ những buồng chuối này của những bà mẹ quê chợt tan theo gió sớm. Nếu tiếng gà là biểu hiện của sự bình yên xóm mạc thì chợ là nhịp đập của quả tim no đủ. Nhưng gà đã vắng tiếng gáy mà chợ thì buồn tênh, làng quê ấy đã đến hồi kiệt sức mất rồi. Công ty cổ phần chứng khoán Kim Eng-Vietnam và Cty TNHH Sao Khuê cùng Báo LĐ cứu trợ đồng bào Bình An-Bình Sơn-Quảng Ngãi. Chung tay vực dậy Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Bình Sơn - cho biết: "Tính đến ngày 13.10, đã có trên 50 đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền của đất nước đã về huyện Bình Sơn - địa phương bị thiệt hại nặng nhất của bão số 9 - để thăm hỏi và tặng quà với số hàng và tiền lên đến hàng tỉ đồng". Từng tham gia cứu trợ đã hơn mười năm nay, nhưng tôi chưa thấy năm nào mà công tác cứu trợ lại được triển khai nhanh chóng như năm nay. Có thể nói rằng, bão mới vừa đặt một chân vô miền Trung, lập tức tiền và hàng cứu trợ đã có mặt tại các tòa soạn báo. Ngay trong những ngày còn bời bời nước lũ, các phóng viên đã đội mưa gió cùng với các đoàn cứu trợ về tận vùng lũ để giúp bà con. Bây giờ, đi dọc quốc lộ 1A, cứ năm - bảy phút lại thấy một đoàn cứu trợ, xe chở đầy hàng, với đủ các loại nhu yếu phẩm, trực chỉ vùng lũ. Có hoạn nạn mới thấy hết tấm lòng của đồng bào mình. Nhiều em bé đã đập cả heo đất; nhiều cụ ông, cụ bà đã bớt những đồng lương hưu ít ỏi của mình ra để san sẻ với bà con. Họ đã quên cái khó của mình đi để san sẻ với những người khó hơn nơi vùng lũ. Ông Kỳ cho hay, nhiều hôm, các nhân viên của mặt trận huyện đã phải thức đến nửa đêm, quên luôn cả ăn uống để hướng dẫn các đoàn về vùng lũ cứu trợ. Các đoàn cũng cùng bà con vùng lũ "qua bữa" bằng những gói mì tôm của chính họ cứu trợ. Chưa lúc nào mà "nghĩa đồng bào" lại thấm thía như lúc này. Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã "quen mặt" với đồng bào vùng lũ miền Trung từ hơn mười năm trước. Năm nay, một lần nữa, quỹ lại kề vai cùng chung tay với cả nước, vực dậy đồng bào vùng lũ. Số tiền của quỹ chưa phải nhiều nhất, nhưng tôi tin rằng nó đến sớm nhất và đúng địa chỉ nhất. Ông Phạm Quang Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Minh - chia sẻ: "Chúng tôi nhớ mãi cái hôm sau lũ, quý báo đã tặng 1 triệu đồng cho nạn nhân Nguyễn Giáp Thành - quê tận tỉnh Bình Thuận. Số tiền tuy ít mà cái nghĩa thật lớn lao, vì nó đến đúng vào cái lúc ông Nguyễn Giáp Thư - chú ruột của Thành chuẩn bị mang xác cháu về quê mà không còn tiền nữa". Tôi nhắc lại lời ông chủ tịch xã trên đây để bạn đọc báo Lao Động - những người đã kề vai với chúng tôi trong những ngày qua - có thêm một chút ấm lòng, vì những đồng tiền tình nghĩa của mình đã đến đúng những nơi cần nhất. Người dân vùng lũ cần gì? Chị Lê Thị Bông - ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh - "khoe" với các nhà báo tham gia cứu trợ: "Tính thêm số gạo nhận của Cty Canon hôm nay nữa là trên 50kg. Đó là chưa kể mì tôm và các loại quà khác. Từng ấy gạo, cả nhà ăn được hơn một tháng rồi. Tôi biết, đồng bào cả nước chỉ giúp ngặt, chứ chẳng giúp nghèo mãi được đâu. Nhưng bây giờ, mọi người dân ở đây đều trắng tay sau bão lũ nên chẳng biết tính sao nữa". Chị nói một câu rồi thở hắt ra, nghe nẫu cả ruột. "Xịn" như Cty Canon cũng chỉ có thể giúp cho đồng bào 700 suất quà, trị giá 300 triệu, chứ không thể nhiều hơn, vì họ còn phải "dát mỏng" lòng tốt của mình ra nhiều nơi khác nữa, chứ không chỉ riêng Bình Sơn này. Ông Phạm Quang Sơn - Chủ tịch xã Bình Minh - nói: "Hai tháng tới chắc là không đói vì còn gạo cứu trợ, nhưng sau đó thì sẽ gay. Vì trong nhà bà con hiện nay không còn một hạt giống nào, kể cả thóc thịt cũng bị trôi hoặc ướt hết, nên vụ đông xuân tới biết lấy gì gieo sạ đây?". Cũng theo ông Sơn, cái mà người dân vùng lũ hiện nay cần nhất vẫn là giống để sản xuất. Trước mắt, ngành điện cần sớm khôi phục hệ thống điện để người dân dùng trong việc bơm nước trồng rau màu, khôi phục sản xuất các ngành nghề. Việc giúp đỡ giống cũng nên lưu ý cả các loại cây khác lẫn các con vật, chứ không riêng gì lúa giống. Ngân hàng cũng cần dãn nợ cho người dân, nhất là dân trồng caosu, vì hàng ngàn hécta caosu phía tây huyện Bình Sơn đã đến kỳ cho mủ nay ngã đổ sạch sành sanh, dân trắng tay cả rồi. Cái "cần" cuối cùng là cần cảnh giác với dịch bệnh. Vì hiện nay, người dân chỉ dùng các giếng nước trời, do không có điện nên các giếng bơm bằng điện tê liệt nửa tháng nay. Các mầm bệnh đang chờ chực có dịp là bùng phát nên ngành y tế cũng hết sức lưu tâm, không nên đợi dịch xảy ra rồi mới lo đi dập dịch! Cả nước đã và sẽ chung tay với vùng lũ. Hy vọng những cái "cần" trên đây của người dân vùng lũ sẽ được những tấm lòng đã cùng sẻ chia hơn nửa tháng qua của đồng bào cả nước đáp lại. Trần Đăng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/ve-noi-khong-mot-tieng-ga/200910/159547.laodong