Về nơi lần đầu quốc kỳ xuất hiện

Nhắc đến Long Hưng là gợi nhớ đến vùng đất với bao thế hệ con người quả cảm, một lòng một dạ theo Đảng, giữ làng, giải phóng quê hương, chống lại kẻ thù xâm lược. Đây là nơi đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng được treo cao, tung bay ngạo nghễ, cổ vũ tinh thần cách mạng trong Khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp ngày 23-11-1940.

Khúc tráng ca quật cường

Về xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang những ngày này, thật khó để tìm lại những người từng tham gia phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra 78 năm trước, vì hầu hết họ đã thành người thiên cổ. Nhưng hào khí đầy chất sử thi như khúc tráng ca về tinh thần cách mạng quật cường của người dân nơi đây vẫn còn in mãi trong ký ức nhiều người dân thế hệ kế tiếp, cùng những chứng tích lịch sử vẫn được gìn giữ và bảo tồn qua thời gian.

Vào 1 giờ sáng ngày 23-11-1940, thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Đình Long Hưng được Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh chọn làm trụ sở. Đây là nơi đầu tiên trên cả nước, lá cờ đỏ sao vàng được cắm cao trên cây bàng trước sân đình. Cũng tại nơi đây, lần đầu tiên, danh xưng “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên một tấm biểu ngữ treo tại mặt tiền ngôi đình. Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt nhân dân trước sự chứng kiến của 3.000 đồng bào sục sôi tinh thần cách mạng. Đây là chính quyền cách mạng cấp tỉnh được thành lập đầu tiên trên cả nước. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh được cử làm Chủ tịch tỉnh, phụ trách chung; đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Tốt (Nguyễn Thị Thập) phụ trách thường trực; đồng chí Nguyễn Hữu Thường phụ trách quân sự.

Theo Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hậu (82 tuổi) ở ấp Long Thạnh A, xã Long Hưng, bà là cháu nội của bà Nguyễn Thị Thập, từ năm 6 tuổi bà Hậu đã theo cha lên Đồng Tháp Mười hoạt động cách mạng. Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra khi bà mới 4 tuổi, nhưng bà còn nhớ như in những lời kể lại của chị ruột mình. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, người dân đứng lên tham gia chống đế quốc, chống phong kiến dữ lắm vì đã chịu quá nhiều áp bức. Từ thanh niên đến cả người già, phụ nữ cũng tham gia chiến đấu với dao mác, tầm vông, vật nhọn. Chính quyền cách mạng đã lập tòa án ngay tại đình Long Hưng tổ chức xét xử những tên địa chủ phản động trước sự chứng kiến của người dân, giành lại quyền lợi chính đáng cho những người cùng khổ. Trước cuộc khởi nghĩa ngày càng lan rộng, thực dân Pháp tổ chức phản công, điên cuồng đàn áp, khủng bố, đánh phá cơ sở cách mạng khiến nhiều người hy sinh, cuộc khởi nghĩa tạm lắng xuống. Gia đình bà Hậu có bác và chú ruột hy sinh trong cuộc khởi nghĩa này.

Cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu từng đưa ra đánh giá: “Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 mặc dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một vật báu tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng đầy tràn của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Long Hưng vẫn là căn cứ địa cách mạng quan trọng. Nơi đây vừa nuôi giấu cán bộ Đảng, vừa là điểm xuất phát của nhiều cuộc hành quân tấn công địch trên tuyến lộ Đông Dương (quốc lộ 1A). Ngoài ra, Long Hưng có các căn cứ lõm là nơi nghỉ quân của nhiều cơ quan huyện, tỉnh và trung ương. Đây là nơi tỉnh ủy nhiều lần về bám trụ. Nhằm tiêu diệt ý chí chiến đấu của nhân dân, nhiều lần giặc Pháp, Mỹ và tay sai đã đốt phá và dỡ nhà dân ở nhiều ấp trên địa bàn xã. Nhưng trong gian khó, người dân Long Hưng vẫn một lòng một dạ theo Đảng, quyết đánh mọi kẻ thù xâm lược, giữ làng, giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc. Long Hưng đã hai lần đi trước: Tự giải phóng xã trước ngày cướp chính quyền ở Mỹ Tho trong Cách mạng Tháng Tám 1945; tự giải phóng trước ngày miền nam hoàn toàn giải phóng ngày 30-4-1975.

Ghi nhận công lao trong đấu tranh giải phóng dân tộc, dân quân du kích và nhân dân xã Long Hưng đã được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1978. Xã có 109 mẹ được trao tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sức sống mới trên quê hương cách mạng

Sau ngày hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Long Hưng phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng lại quê hương từ hoang tàn, đổ nát. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống nhân dân trong xã ngày một khá lên, trình độ dân trí có bước tiến đáng kể. Ông Nguyễn Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng hồ hởi cho chúng tôi biết: “Đảng bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cải tạo hệ thống điện, nước và các công trình thủy lợi… nhằm phục vụ sản xuất, đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Trong hai năm qua, xã triển khai thi công nâng cấp 7 công trình giao thông, đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, tổng chiều dài 5,2 km, tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Xây dựng đường huyện lộ 34 nối dài 2,5 km với kinh phí 3,5 tỷ đồng. Xây dựng ba đập ngăn mặn kinh phí 5,5 tỷ đồng. Hiện, toàn xã có 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh”.

Đình Long Hưng, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử.

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Diện tích rau màu toàn xã tiếp tục phát triển với diện tích 224 ha, trong đó có 5 ha đăng ký sản xuất rau an toàn, sản lượng thu hoạch 674 tấn, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Xã đã thành lập tổ hợp tác rau an toàn giúp tiêu thụ rau sạch cho nông dân. Đặc biệt, toàn xã có diện tích vườn cây ăn trái 1.015 ha, chủ yếu là cây vú sữa, ổi, dừa, ca-cao… sản lượng thu hoạch hơn 25.300 tấn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Trần Văn Dũng ở ấp Nam, ông trồng vú sữa Lò Rèn trên mảnh đất này đã 16 năm nay. Lúc khởi đầu, không ai tin cây vú sữa có thể trụ được. Vậy mà niềm tin cùng sự kiên trì nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật canh tác đã mang về cho ông những mùa quả ngọt. Theo tính toán của ông, nếu tính trung bình giá vú sữa thấp nhất 13.000 đồng/kg thì ông cũng thu lời được khoảng 150 triệu đồng/năm. Nếu cộng thêm nguồn thu từ nuôi dê, gà, cá trong vườn nhà thì hằng năm ông thu lãi tổng cộng hơn 220 triệu đồng. Ông Dũng tự hào vì từ hai bàn tay trắng khi mới lập gia đình, giờ thì nhà cửa khang trang, bốn người con trai của ông đều học hết đại học (trong đó một người con đã học thạc sĩ). Ông đang cùng người con trai thử nghiệm mô hình đầu tiên của xã trồng 1.000 m2 dưa lưới trong nhà lồng. Ông tự tin với khoản đầu tư ban đầu 500 triệu đồng vào mô hình này sẽ thu hồi vốn và có lãi sau hai năm đầu tư. Ông Dũng tâm sự, làm nông dân cũng phải có đầu óc, đầu tư kỹ thuật mới làm ăn thành công được. Ở Long Hưng, những gia đình nghèo vươn lên khấm khá từ chính mảnh đất này như ông Dũng không phải là ít.

Ngồi trầm ngâm ôn lại chuyện xưa rồi nói về chuyện nay, bà Nguyễn Thị Hậu tỏ ra tâm đắc: “Cuộc sống nơi đây giờ đã thay đổi nhiều, đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang, đời sống người dân được nâng lên mọi mặt. Các con cháu đều được đến trường học hành đầy đủ. Đó cũng là niềm ao ước của lớp người đi trước đã đổ bao xương máu trên mảnh đất này”. Càng nghĩ đến những hy sinh mất mát của những người tham gia cách mạng, bà Hậu càng trăn trở làm sao phải giúp các thế hệ sau tri ân các anh hùng liệt sĩ. 18 năm trước, bà có ý tưởng tổ chức lễ Giỗ liệt sĩ tại đình Long Hưng vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. 614 liệt sĩ của xã được ghi danh trong nhà bia tại đình Long Hưng đều được tổ chức giỗ chung vào ngày này. Đề xuất của bà được chính quyền xã và nhiều người dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, lễ Giỗ liệt sĩ được tổ chức đều đặn hằng năm tại đình Long Hưng như một nét đẹp văn hóa, tưởng nhớ đến những người có công với quê hương, đất nước.

Từ năm 2005, đình Long Hưng đã được tỉnh Tiền Giang nâng cấp, mở rộng, tạo thành một quần thể kiến trúc khang trang, bao gồm ngôi đình ở vị trí trung tâm; bên phải đình là Nhà trưng bày hiện vật lịch sử về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và ngôi nhà cổ Nam Bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập - một trong những người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội; bên trái đình là nhà bia ghi danh liệt sĩ của xã.

Đến nay, xã Long Hưng đã đạt 15/19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, xã sẽ hoàn thành các tiêu chí này trong năm 2019. Xã cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 12%, số hộ nghèo duy trì ở mức dưới 2%. Nhìn lại chặng đường đã qua, người dân nơi đây có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được để tự tin bước tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/phong-su/phong-su-ghi-chep/item/38346802-ve-noi-lan-dau-quoc-ky-xuat-hien.html