Về nơi lưu giữ tinh hoa gốm cổ xứ Thanh

Khởi nguồn xuất hiện với niên đại cách đây gần 2.000 năm, sản phẩm gốm Tam Thọ ở vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa) nổi danh khắp vùng. Ngày nay, ở các di chỉ lò gốm Tam Thọ trên địa bàn xã Đông Vinh (TP Thanh Hóa) vẫn còn đó vết dấu thời kỳ phát triển cực thịnh của một làng nghề cổ xưa. Và Bảo tàng gốm Tam Thọ với hàng nghìn hiện vật được lưu giữ là kho tư liệu quý - điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách muốn tham quan, tìm hiểu về những sản phẩm lắng đọng tinh hoa văn hóa tiền nhân.Tinh hoa gốm cổ đất Cửu Chân

Sau hàng trăm năm “ngủ sâu” dưới lòng đất, cái tên gốm Tam Thọ bắt đầu được nhắc đến bởi phát hiện tình cờ của nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse năm 1937, đánh dấu sự “trở mình” của một làng nghề đã dần bị lãng quên. Tại đây, người ta đã tìm thấy di chỉ của khu lò gốm với quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong 10 thế kỷ đầu công nguyên tại Việt Nam. Theo đó, khu lò gốm Tam Thọ được xác định hình thành bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ I và phát triển mạnh mẽ thời Đông Hán (25 - 226), đầu Lục Triều (220 - 589). Trên chiều dài khoảng 1 km dọc kênh Đô giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật (xã Đông Vinh) các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của hàng chục gò đất lớn - chứa các lò nung gốm cổ. Phát hiện và công bố của các nhà khoa học lúc bấy giờ đã làm cho cái tên gốm Tam Thọ nổi tiếng trên cả thế giới.

Ngay sau khi phát hiện di chỉ khu lò gốm Tam Thọ, trong thời gian từ 1937 - 1939, Olov Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung gốm cổ tại Gò Chùa. Sau đó, vào năm 2001 - 2002 Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tiếp nối khảo sát và khai quật tại bốn địa điểm: Gò Quyến, Cồn Nghè, Gò Án Lớn, Gò Án Nhỏ, tìm ra dấu vết của 6 lò nung gốm cổ. Trong đó, mỗi lò nung lại được người xưa sử dụng nhiều lần. Bằng chứng chính là những lớp đất nền được tôn chồng lên nhau. Kết quả nghiên cứu bước đầu xác định hình thế và quy mô của các lò gốm: mỗi gò đất với chu vị rộng từ 30 - 40m, bên trong lòng chứa đựng ít nhất từ 3 lò gốm cổ. Từ đây có thể khẳng định, tại Tam Thọ suốt những thế kỷ đầu công nguyên đã hình thành một làng nghề với hoạt động sản xuất gốm vô cùng sôi động.

Hậu thể hẳn sẽ không khỏi băn khoăn: Điều gì đã khiến cho nghề gốm Tam Thọ hình thành, phát triển và nổi tiếng sớm như vậy? Người ta tin rằng chính lợi thế về nguồn nước, đất (sét, cao lanh) và nguyên liệu chất đốt (củi) tại chỗ là điều kiện thuận lợi tiên quyết cho việc hình thành làng nghề gốm. Bên cạnh đó, chủ nhân của gốm Tam Thọ đến bây giờ vẫn còn là ẩn số với những giả thuyết: Đó có thể là những người thợ gốm ở vùng Giang Nam (Trung Quốc) trong thời kỳ Bắc thuộc đã sang lập nghiệp ở vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa ngày nay), họ mang theo kinh nghiệm sản xuất gốm của người phương Bắc. Mặt khác, lại có ý kiến cho rằng kế thừa truyền thống cha ông, những người thợ Đông Sơn qua giao lưu, tiếp xúc đã học được kỹ thuật sản xuất gốm mới. Và dù ở giả thuyết nào thì vai trò quan trọng của người thợ gốm Đông Sơn thời bấy giờ là không thể phủ nhận.

Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, làng nghề gốm Tam Thọ cũng không tránh khỏi thăng trầm và biến động của lịch sử. Điều này khiến cho gốm Tam Thọ thời kỳ đầu được xác định vào khoảng từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ VI với những thành tựu rực rỡ. Sau đó, đến khoảng thế kỷ XVI - XVII, tại khu vực dọc kênh Đô, tiếp nối giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật (xã Đông Vinh) nghề gốm Tam Thọ lại trỗi dậy hồi sinh với hệ thống lò sành được phát hiện muộn hơn. Và dưới góc nhìn của các nhà khoa học thì đây được xem là thời kỳ “gạch nối” truyền thống của gốm Tam Thọ nói riêng, nghề gốm xứ Thanh nói chung. Sau gốm Tam Thọ, đầu thế kỷ XIX, Thanh Hóa lại nổi danh với sản phẩm gốm sứ Lò Chum ngay giữa lòng Hạc Thành.

Đoàn chuyên gia Nhật thăm phòng trưng bày gốm Tam Thọ 29/10/2018. (Ảnh: Viên Lan Anh)

Có một sự thật, do sự tác động mạnh mẽ của thiên nhiên, thời gian và con người khiến cho hầu hết các lò gốm cổ Tam Thọ đến thời điểm khai quật phần nhiều đều không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, từ những mảnh vỡ, hiện vật còn sót lại, đến nay đã cơ bản xác định sản phẩm gốm cổ Tam Thọ được sản xuất phổ biến với nhiều nhóm đồ vật khác nhau: nhóm đồ đựng (chậu; bình; nồi...); vật liệu xây dựng và gạch ngói; đồ minh khí; công cụ sản xuất; tượng động vật nhỏ... Hoa văn trên gốm Tam Thọ cũng vô cùng đa dạng, phong phú (ô trám; ô vuông; xương cá, lá dứa; hoa văn thừng; văn chải; hoa văn sóng nước; vòng chỉ chìm; hoa văn đắp nổi...) thể hiện sự tiếp thu, sáng tạo văn hóa bên ngoài của người thợ xưa. Đồng thời, các hoa văn cũng thể hiện sức sống lâu bền của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ đầu chống Bắc thuộc. Và ngoài gốm men thì màu sắc sản phẩm gốm Tam Thọ cũng nổi bật với màu xám xanh, xám ghi, đỏ, hồng, vàng gạch. Trong đó, màu xám ghi thường có độ nung cao, xương gốm đanh, xốp (sành xốp).

Hậu thế tin rằng, từ xa xưa, Tam Thọ vốn đã là trung tâm sản xuất đồ gốm, gốm men và vật liệu xây dựng lớn, quan trọng với những sản phẩm đa dạng, thiết thực trong đời sống người dân xứ Thanh nói riêng, vùng phụ cận nói chung. Những tư liệu, bằng chứng khai quật khảo cổ học cũng góp phần để các nhà chuyên môn nghiên cứu kỹ nghệ sản xuất gốm, gốm men, vật liệu xây dựng những thế kỷ đầu công nguyên. Từ đây, tiến đến việc tìm hiểu, khẳng định sự phát triển kinh tế, xã hội và vị thế của xứ Thanh trong chiều dài phát triển lịch sử dân tộc.

Lưu giữ cho đời sau

Với giá trị quan trọng được khẳng định về gốm Tam Thọ, ngày 28/01/2004 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định xếp hạng cho Khu lò gốm Tam Thọ, xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn (nay thuộc thành phố Thanh Hóa) là Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học cấp tỉnh. Đây là di tích có ý nghĩa về lịch sử nghề gốm trên đất Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Trên cơ sở đó, tháng 8/2017, Bảo tàng gốm Tam Thọ đã được thành lập trên địa bàn thôn Thịnh Vạn xã Quảng Thịnh (cách di tích gốm Tam Thọ khoảng 200 m). Ông Hà Huy Tâm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Linh Kỳ Mộc, Phó Giám đốc Bảo tàng gốm Tam Thọ cho biết: “Bảo tàng được thành lập với hy vọng tạo dựng khu trang trại sinh thái - không gian văn hóa mở, nơi lưu giữ, bảo tồn hiện vật gốm quý giá, phục vụ việc tham quan, nghiên cứu, học tập của người dân, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ”.

Hoạt động trải nghiệm làm gốm dành cho các bạn trẻ khi tham quan tại Bảo tàng gốm Tam Thọ. (Ảnh: Bùi Trang)

Dù mới được thành lập song tại Bảo tàng gốm Tam Thọ hiện đang trưng bày, bảo quản hơn 3.000 đơn vị hiện vật (545 hiện vật đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật), gồm: sưu tầm hiện vật văn hóa Đông Sơn; sưu tập gốm qua các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc; sưu tập sản phẩm gỗ truyền thống xứ Thanh... sưu tập gốm Tam Thọ nổi bật được sưu tầm trong nhiều năm liền.

Tham quan bảo tàng, tại “Phòng trưng bày gốm Tam Thọ” du khách được trực tiếp chiêm ngưỡng hơn 1.000 tư liệu, hiện vật gốm gắn liền với đời sống sinh hoạt của người xưa. Cùng với đó là hàng nghìn di vật, cổ vật khác thuộc “Phòng trưng bày cổ vật văn hóa Đông Sơn” được phát hiện và sưu tầm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thông qua những tư liệu, hiện vật, giúp khách tham quan có cái nhìn đa chiều, xuyên suốt để từ đó hiểu hơn về đời sống văn hóa, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh giai đoạn Tiền - Sơ sử trên đất Thanh Hóa.

Đặc biệt, Bảo tàng gốm Tam Thọ còn hấp dẫn giới trẻ với hoạt động trải nghiệm làm gốm. Từ nguyên liệu đất, nước, bàn xoay... các bạn nhỏ được trực tiếp tham gia và tự tay tạo nên sản phẩm gốm. Thông qua hoạt động trải nghiệm giúp cho người trẻ thêm hiểu, trân trọng nghề làm gốm truyền thống và sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân gốm xưa kia.

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL, UBND TP Thanh Hóa đang phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật lại một số địa điểm trong di tích nhằm làm xuất lộ dấu tích lò gốm cổ, xử lý hố khai quật, làm nhà mái che phục vụ trưng bày tham quan tại di tích lò gốm Tam Thọ, góp phần làm tốt công tác bảo quản, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích. Cùng với đó là hy vọng tìm kiếm thêm được những tư liệu, di vật cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của bảo tàng. Và với đầy đủ những yếu tố hiện có, di tích gốm Tam Thọ với hệ thống lò nung gốm cổ đã được tìm thấy hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một khu trưng bày ngoài trời cho du khách tham quan. Khi đó, bảo tàng cùng di tích Khu lò gốm Tam Thọ được kì vọng sẽ tạo nên những trải nghiệm tham quan chân thực, hấp dẫn du khách và người yêu gốm.

Không chỉ vậy, người yêu gốm xứ Thanh cũng đang kì vọng về một ngày “sống dậy” của làng nghề cổ xưa. Từ việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống, tận dụng lợi thế tài nguyên có sẵn, để những lò nung gốm đỏ lửa trở lại và sản phẩm gốm mang tên Tam Thọ tiếp tục hiện hữu trong đời sống. Và đó cũng là trăn trở của những người đang dành trọn tâm huyết cho di sản của cha ông. Bởi, gốm Tam Thọ không chỉ là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử kéo dài trên vùng đất xứ Thanh, đó còn là niềm tự hào của hậu thế cho những tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của người xưa.

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-noi-luu-giu-tinh-hoa-gom-co-xu-thanh-76080