Về nơi nóng nhất Đông Dương

Nhiệt độ ngoài trời tại huyện Tương Dương (Nghệ An) có thời điểm lên đến 45 độ C. Người dân như 'rang chín' trong cái nắng, cái nóng giữa bản tin dự báo thời tiết.

Bà Vang Thị Kim chắt chiu từng giọt nước quý giá mà bà đi xin được Ảnh: PV

Bà Vang Thị Kim chắt chiu từng giọt nước quý giá mà bà đi xin được Ảnh: PV

Kỳ 1: Chảo lửa

Huyện Tương Dương (Nghệ An) được mệnh danh là “chảo lửa Đông Dương”, nhiệt độ có lúc lên tới 45 độ C. Tới huyện Tương Dương vào lúc chính Ngọ của một ngày tháng 6, thời điểm gay gắt nhất mà nắng nóng đang tạo ra mới thấy được sự khốc liệt mùa hạ cháy của miền rẻo cao xứ Nghệ.

Giữa trưa, dọc trung tâm thị trấn Thạch Giám rất khó bắt gặp người dân bản địa trên đường, quốc lộ 7A thỉnh thoảng mới có một vài phương tiện lưu thông từ Lào hoặc huyện Kỳ Sơn về xuôi. Trong “hỏa diệm sơn” rộng gần 3.000 km2, dù được che chắn bởi nhiều lớp áo bảo hộ nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận nắng nóng đang vắt kiệt từng giọt mồ hôi.

Mưu sinh

Ngược hướng Cửa Rào, nóng càng dữ dội hơn. Thấp thoáng dưới cái nắng chói chang khiến ai cũng hoa mắt chóng mặt là một phụ nữ gùi củi sau lưng. Bước chân rệu rã, chị chậm rãi từng bước trên con đường đổ lửa. Cuộc sống dường như chậm hơn, có lúc tưởng chừng như chững lại theo nhịp chân sơn nữ. Vi Thị Phương (trú tại bản Mon, thị trấn Thạch Giám) ngày nào cũng gùi củi ra thị trấn bán lấy tiền đong gạo.

“Sáng dậy sớm rồi lên rừng đốn củi, đến 11h được một bó, tôi phải cõng ra thị trấn bán cho nhà hàng để lấy tiền đong gạo chợ chiều. Mỗi gùi thế này được khoảng 40 nghìn đồng. Ba đứa con nhỏ ở nhà thì giao cho đứa lớn nhất trông. Hạn hán khiến mảnh ruộng khai hoang bên bờ suối nứt nẻ, không thể gieo trồng”, chị Phương nói.

Chạm đất Cửa Rào, nơi hợp nhất 2 dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn thành sông Lam uốn lượn, len mình giữa đại ngàn hoang vu, thăm thẳm. Khoảng 2 tháng nay, dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ và nhiều đoạn sông cạn nước, có chỗ ụ cát trồi lên rẽ sông thành dòng nhỏ, đá lởm chởm, cây bụi chết khô trơ trọi. Thoáng thấy một người đàn ông đang đánh cá, tôi bám xuống dốc thẳng đứng tiến ra lòng sông. Vừa đặt chân lên phiến đá, tôi giật nảy người bởi mặt đá như được nướng đỏ trong nắng nóng.

Anh Vi Văn Việt (trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) nói: “Không chịu được à, tớ đây quen rồi. Mấy hôm trước, nhiệt độ lên tới 42 độ C, tớ vẫn ra sông thả lưới. Lâu nay không thấy thủy điện xả, có lẽ nước thượng nguồn cũng cạn kiệt”. Nhìn vào giỏ cá, tôi ngẩn người bởi thành quả nhiều tiếng đồng hồ của anh Việt chỉ vài con cá nhỏ.

Anh La Văn Hùng đẩy xe rùa vào rừng tìm nước

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: “Hạn hán nghiêm trọng khiến hơn 217 ha lúa, 258 ha ngô và hơn 80 ha hoa màu khác bị chết, hư hại. Ngoài ra, mực nước sông suối trên địa bàn khô cạn, cuộc sống người dân lâm vào khốn đốn.

Anh Việt bảo: “Cá còn đâu nữa, đành “đội nắng, tắm nóng” tìm cái ăn thôi”. Cầm giỏ cá, người đàn ông đen đúa mò mẫm tới đoạn sông khác sâu hơn, hy vọng tìm vận may. Giữa chảo lửa khổng lồ, người dân Tương Dương vẫn phải gồng mình chống chọi để mưu sinh. Cuộc sống có thể chậm lại nhưng không thể dừng, bởi phía sau chị Phương, anh Việt là cả gánh nặng gia đình.

Nhọc nhằn tìm nguồn nước

Chiều xuống ở thị trấn Thạch Giám, mặt trời khuất dần sau đại ngàn, “chảo lửa Tương Dương” dần hạ nhiệt. Nhưng không ai vội bước ra ngoài, bởi họ ngần ngại vì cái nóng vẫn còn ám ảnh. Trước căn nhà lụp xụp nằm ở vách núi, phía trước rặng bờ héo hắt, anh Vi Văn Bích (hộ nghèo, bản Khe Chi) bước tới, tay cầm can nhựa 20 lít, anh vào rừng tìm nước.

“Nhà tôi chỉ có hai mẹ con nhưng nhu cầu cần nước sinh hoạt là không ít. Hai tháng nay trời không có giọt mưa, nước theo đường ống dẫn từ đầu nguồn về nhà đã hết. Mỗi ngày tôi đi 6 lần vào rừng lấy nước. Thường thì buổi sáng tôi đi 3 lần, chiều tối đi 3 lần. Buổi trưa, hai mẹ con đóng cửa ở trong nhà tránh nắng nóng. Tôi còn khỏe mạnh thì không vấn đề gì, còn mẹ đã già yếu…”, anh Bích chia sẻ.

Trong căn nhà lụp xụp, nào những xô chậu, những nồi niêu san sát, bên trong các vật dụng ấy đều chứa nước. Theo anh Bích, mỗi lần anh vào rừng lấy nước về sinh hoạt, ăn uống, anh cố gắng lấy nhiều không chỉ để dự trữ, mà còn đổ nước đầy vào chậu thau trong nhà nhằm hạ nhiệt. Chỉ tay về chiếc quạt điện ở góc nhà, anh cho biết điện yếu, quạt không sử dụng được nên đành bỏ đi. Những lúc mẹ mệt, anh phải dùng miếng bìa cát-tông xin được ngoài quán tạp hóa làm quạt.

Con đường mòn vào bản Khe Chi nằm lưng chừng núi, trên là vực, dưới là đồng ruộng. Từng khoảnh ruộng bậc thang nứt nẻ bỏ hoang. Rất khó để tìm thấy diện tích ruộng nơi đây có thể canh tác được vụ mùa hè - thu. Bước qua hàng rào ngăn cách bởi ba cây nứa, chúng tôi vào rẫy gia đình anh Mạc Văn Biển (SN 1968). Lần theo bậc thang lán trại xuống, anh Biển dẫn chúng tôi ra nương rẫy sau lán.

Những cây ngô non héo úa, phất phơ vì nắng nóng khô hạn. Ánh mắt mệt mỏi, anh Biển cho hay: “Nhà ta vừa rồi vay mượn tiền, khoan được cái giếng nên có nước, sáng ta bơm tưới ngô, chiều ta lại tưới tiếp nhưng nắng quá, ngô cứ chết dần. Ruộng không làm được, rẫy cũng chẳng thể gieo trồng, chăn nuôi cũng không, đói đến nơi rồi. Còn giếng nước ta khoan thì cả bản này đến xin. Cho mỗi người mỗi ít chủ yếu là để nấu ăn hoặc uống chứ dùng sinh hoạt thì không đủ đâu”.

Kế bên, anh La Văn Hùng phải còng lưng đẩy xe rùa đi tìm nước, mỗi ngày 15 chuyến. Từ nhà anh Hùng men theo đường rừng khoảng 2km mới lấy được nước. “Chiếc xe rùa tôi để lại ở bìa rừng chứ sao mà đẩy vào được. Chuyến này tôi đi lấy nước cho ông bà, ông thì bị điên, bà thì bị mù, hai ông bà cứ quẩn quanh trong nhà. Mọi việc tôi phải lo toan”, anh Hùng chia sẻ. Dáng người đanh nhỏ, anh Hùng rướn người về phía trước đẩy chiếc xe rùa đựng can nước lên dốc, mồ hôi tuôn ướt đẫm.

Chứng kiến cảnh nhọc nhằn, vất vả hơn gấp bội khi ông Vi Dương Tiến - Trưởng bản Chắn (TT Thạch Giám) dẫn chúng tôi tới nhà bà Vang Thị Kim (81 tuổi). Vừa xong bữa cơm đạm bạc với rau vặt cùng con trai, bà Kim đang dọn dẹp nồi niêu, chén bát. Người con trai tàn tật ngồi một chỗ chẳng thể phụ giúp mẹ. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Kim chẳng khi nào được nghỉ ngơi, cuộc sống của hai mẹ con đều phải do bà cáng đáng. Hai mẹ con rau cháo, nương tựa vào nhau sống qua ngày.

Ông Vi Dương Tiến - Trưởng bản Chắn (TT Thạch Giám, huyện Tương Dương) cho hay, toàn bản Chắn có 125 hộ dân, 491 nhân khẩu, đa phần cuộc sống còn bữa đói bữa no. Thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm khiến người dân trong bản khó càng thêm khổ. Nước chủ yếu lấy về từ khe suối đầu nguồn nhưng trời không mưa, nước trên nguồn cũng hết. Nhà nào kinh tế ổn định thì có giếng khoan chia sẻ cho người trong bản dùng chung, nhưng rồi nước ngầm cũng cạn. (Còn nữa)

Cảnh Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ve-noi-nong-nhat-dong-duong-1682333.tpo