Về nơi nuôi rắn cứu người

Đầu tiên tôi đến Trại rắn Đồng Tâm ở thành phố Mỹ Tho chỉ vì tò mò. Mới nghe cũng thấy rờn rợn với hình ảnh mãng xà cuộn tròn, siết chặt cô công chúa xinh đẹp trong câu chuyện cổ tích xa xưa.

Nhưng khi mới đến cổng trại, chứng kiến mấy người bị rắn cắn đến hôn mê phải đến đây nhờ các thầy thuốc chữa trị, tôi mới hay nơi đây chính là hình ảnh của những chàng “Thạch Sanh” thực sự ra tay cứu nhân độ thế cho người gặp nạn qua đường…

Trại rắn Đồng Tâm.

Mùa nước nổi, mùa rắn lên

Nếu ai đã từng đến du ngoạn cảnh sông nước và miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long thì đều được nghe đến chuyện rắn độc cắn chết người. Nhiều khi do tình cờ. Hoặc có trường hợp do săn bắt. Hoặc rắn tự chui vào nhà tấn công con người. Những tai họa ập đến như cơm bữa. Hơn ba trăm năm qua, rắn đã gắn liền với đời sống con người ở miệt đất sông nước và sình lầy miền Nam. Hình ảnh rắn đã đi vào ca dao của người lao động Tây Nam Bộ như: Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tựa bánh canh. Cỏ mọc cọng thành tinh. Rắn đồng đà biết gáy. Chúng tôi đến thăm trại rắn đúng vào mùa lũ. Nước sông Tiền mênh mang. Nhiều cồn và rừng cây ngập mặn dường như chìm trong biển nước. Theo như người hướng dẫn viên nói, vào dịp này nhiều rắn hổ đất, cạp nong, rắn mai gầm và rắn lục đuôi đỏ từ đâu lưu lạc về sống lặng lẽ trên cây, hay gò đất cao. Thức ăn của chúng chính là chuột, ếch nhái, hay chính những con rắn nhỏ. Kèm với tôm cá dày đặc trong mùa nước nổi thì niềm vui con người lại bị đe dọa bởi rắn độc. Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là rắn lục đuôi đỏ. Chúng không những ăn theo những vụ con nước lớn dâng cao, mà còn xâm nhập thành thị theo những con kênh rạch và cống rãnh. Chúng có thể tấn công con người bất cứ lúc nào...

Có lẽ chính vì tai họa thường xảy ra với người dân đồng bằng sông Cửu Long, nên những trung tâm, khoa chữa trị rắn cắn ở các bệnh viện ra đời. Trại rắn Đồng Tâm được hình thành với nhiệm vụ chính ban đầu là nuôi rắn độc để lấy nọc cho các bệnh viện làm huyết thanh chữa trị cho bệnh nhân bị rắn độc cắn. Người sớm đề ra ý tưởng thành lập trại rắn là Trung tá quân đội Trần Văn Dược. Bởi ngay từ thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bộ đội ta bị rắn cắn rất nhiều, nên đơn vị đã thành lập Tổ Điều trị rắn độc cắn (năm 1977). Sau này Bộ Quốc phòng cho lập Trung tâm Cấp cứu và Điều trị rắn độc cắn. Cũng trong thời gian này, Trung tâm rắn Đồng Tâm ra đời, với mục đích chăn nuôi và nghiên cứu chuyên sâu về các chủng loại rắn, để tìm ra những bài thuốc chữa trị cho nạn nhân bị rắn độc cắn.

Sau khi xem bộ phim tài liệu tại hội trường, chúng tôi theo chân người hướng dẫn viên ra bảo tàng, với bộ sưu tập hiện vật lên tới 400 loài rắn. Trong đó có 40 tiêu bản rắn quý hiếm nhất và có những loài được ghi vào sách đỏ cần được bảo vệ và nghiên cứu. Khi ra tới khu trại nuôi dưỡng rắn, ai nấy đều ngạc nhiên vì các “ngôi nhà” riêng cho từng loại rắn được quy hoạch khá lạ mắt. Hàng hàng dẫn lối, chạy hun hút về bốn phía. Khu trại rộng tới 12ha. Rừng cây mênh mông xanh tốt mọc lên tạo nên môi trường sinh thái tự nhiên, với những con kênh và hồ nước mát lành. Hàng trăm ngôi nhà tí hon, được tạo môi trường phù hợp với đời sống phát triển và sinh sôi của rắn. Chúng đang trườn bò trong thế giới của mình. Bên cạnh đó, trại còn có những vườn cây thuốc được trồng xanh mướt cũng nhằm nghiên cứu những bài thuốc dân gian chữa trị rắn cắn. Người ta nói, nhân viên chăm sóc rắn ở đây không khác gì chăm sóc một đứa trẻ. Họ phải thường xuyên theo dõi những dấu hiệu bệnh tình có thể xảy ra do thời tiết hay ăn uống của rắn. Chúng cũng dễ bị cảm và sụt sùi, ho hen như người. Ấy vậy mà những nhân viên ở đây cũng gặp tai họa mỗi khi sơ sẩy. Ngay khi mở cửa cho ăn không khéo là bị dính đòn liền. Có người bị cắt cả ngón tay vì bị hoại tử do rắn cắn.

Người thuyết minh kể, loài rắn cực độc và nguy hiểm nhất chính là hổ mang chúa, sau đó mới đến hổ ngựa, cạp nong, cạp nia, mai gầm... Người bị hổ chúa, hay hổ đất cắn sẽ bị rối loạn hô hấp, bị giảm tiều cầu, đau nhức và bị ứa máu ở lỗ chân lông. Còn khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn nạn nhân sẽ bị rối loạn máu đông, phù nề hoại tử. Nếu không được chữa trị sớm và đúng cách, nạn nhân dễ tử vong. Từ hàng trăm năm qua, người dân đồng bằng sông nước của 9 tỉnh miền Nam thường chữa rắn cắn bằng kinh nghiệm dân gian. Họ đã trồng những cây thuốc chữa rắn độc cắn nhưng chỉ để sơ cứu và khi nọc độc đã ăn vào máu thì đều bó tay chịu chết. Nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện thì đã muộn, bởi đã có trường hợp nạn nhân còn bị nhiễm độc thêm thuốc đắp lá của những ông lang vườn, thêm phần nguy hiểm cho tính mạng.

Những dãy chuồng nuôi rắn độc.

“Bệnh viện” có một không hai

Tiếng lành đồn xa. Khoa Cấp cứu Điều trị rắn cắn tại Trại rắn Đồng Tâm trở thành địa chỉ quen thuộc đối với người dân của những tỉnh sông nước miền Tây như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ. Hàng chục năm nay, những người bị rắn độc cắn đều đến đây để chữa trị và tham vấn ý kiến bác sĩ. Người dân thường gọi khoa là một “Bệnh viện lớn” vì cứu sống hàng chục ngàn người. Lớn đây là lớn ở sự nhiệt thành cứu người của các bác sĩ. Bất kể thời gian nào. Ngày và đêm đều có người trực cấp cứu. Lớn ở đây là cái tâm, cái nghĩa khi bệnh nhân đến đây khám bệnh, tư vấn và điều trị đều không mất tiền. Các bác sĩ ở đây chưa bao giờ chịu bó tay trước bất kể một ca rắn độc nào. Kể cả những người bị rắn hổ mây cắn cũng được cứu sống. Chưa có trường hợp nào bị tử vong. Đó là một kỳ tích mà không dễ nơi nào có được.

Chúng tôi may mắn được gặp bác sĩ Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, khi anh mới tiếp vài bệnh nhân mới đến cấp cứu. Anh nói, vào mùa lũ, nước lên, số bệnh nhân tăng mạnh, nên anh em ở khoa phân công trực cấp cứu 24/24 giờ. Khi bị nọc độc rắn tấn công, nạn nhân có thể chết bất kể lúc nào nếu không kịp thời chữa trị. Cái khó khi xử lý và chọn phương pháp điều trị là bác sĩ phải nhận biết được nạn nhân đã bị loại rắn độc nào cắn. Nếu nạn nhân không nói ra được thì bác sĩ chỉ nhìn vết thương cũng phải nhận biết được cần dùng huyết thanh nào để chữa trị đúng cách. Bởi mỗi loại rắn độc phải được trị theo bài thuốc phù hợp mới cứu được người. Đó là những kháng huyết thanh theo nọc độc để lại trên vết thương nạn nhân. Nếu không chuẩn, nạn nhân dù không chết thì cũng bị nhiễm trùng hoặc hoại tử, dẫn đến phải cắt bộ phận cơ thể.

Bác sĩ Vũ Ngọc Lương kể, những trường hợp người bị rắn cắn đều khó lường, vì loài rắn chui rúc khắp nơi, kể cả vào tận giường ngủ. Anh kể, bình quân mỗi năm trung tâm tiếp nhận từ 1.200 đến 1.500 nạn nhân. Cứu người thoát khỏi cái chết là niềm vui của hàng trăm nhân viên của Trại rắn Đồng Tâm. Anh cho biết, ngoài điều trị khoa còn trực tiếp công việc lấy nọc rắn hổ mang, hổ chúa, rắn lục để làm thuốc trị bệnh và điều chế huyết thanh trị nọc rắn cắn. Mấy chục năm qua, trung tâm đã cứu sống hàng chục ngàn người bị rắn độc cắn. Do những thành tích cứu nhân độ thế và những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, Trại rắn Đồng Tâm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1989. Cho đến nay, Trại rắn Đồng Tâm được coi là trung tâm nghiên cứu duy nhất và thực hiện thành công Đề tài khoa học cấp Nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gene rắn hổ mang đất và hổ mang chúa”. Nó giúp ngành y nước ta chủ động trong việc sản xuất thuốc chữa rắn cắn, cũng như thuốc chữa xương khớp đặc hiệu và một số loại dược liệu khác.

Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương.

Bài đồng dao con trẻ

Chúng tôi thật hồi hộp khi thấy một du khách quàng con trăn lớn để chụp ảnh. Một kỷ niệm khá ghê rợn. Cho dù con trăn đã được thuần tính và nuôi dưỡng để làm cảnh, nhưng dù sao độ dài và độ lớn của nó cuốn quanh cổ cũng làm mọi người ớn lạnh sống lưng. Phải nói có gan lắm mới dám chụp kiểu ảnh làm xiếc như vậy. Chúng tôi đang bị thu hút và cảnh trí đó thì bất ngờ có những cậu bé chạy ùa khắp sân trại. Chúng chơi trò dân gian “Rồng rắn lên mây”. Một bài hát đồng dao vang lên rộn ràng. Những đứa trẻ túm áo nhau làm con rắn, chạy lượn vòng trốn một cậu bé, đóng vai bác sĩ đuổi bắt cái đuôi con rắn. Tiếng cười ròn rã làm vang động cả rừng cây.

Tiếng nhạc đâu đó từ trong hội trường cũng vang lên như phụ họa theo trò chơi cổ tích một thuở mà ai cũng đã từng một lần đóng vai đuổi bắt. Tôi sống lại với tuổi thơ, bỗng hát theo những lời như đã thuộc lòng từ hơn nửa thế kỷ qua, rằng: Rồng rắn lên mây. Có cây lúc lắc. Hỏi thăm thầy thuốc. Có nhà hay không?.... Tình cờ có những nhân viên dẫn bệnh nhân đi xuống bậc thềm. Họ cũng cười vui và nhìn những cô y bác sĩ mà nói: Thầy thuốc có nhà đây chứ đâu. Đúng vậy lời ca con trẻ vui mừng khi la lên câu: Tha hồ thầy đuổi khi đòi bắt khúc đuôi con rắn. Cuộc chạy vòng quanh làm tôi chóng mặt vì niềm vui bất tận trong cuộc sống ở trại điều dưỡng này. Nghĩ mà như đang sống trong giấc mơ vậy thôi.

Bài và ảnh: Cảnh Linh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ve-noi-nuoi-ran-cuu-nguoi-n138517.html