Về nơi “Tề thiên đại thánh” hiến thân cho y học

Đảo Rều, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) là một nơi “đặc biệt”, bởi nơi đây đang nhân nuôi khoảng 1.000 cá thể khỉ vàng Macaca mulatta chuyên thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: hiến thân cho y học.

Nằm cách xa đất liền gần 3km, đảo Rều được chia làm 2 đảo nhỏ, gồm đảo Rều Đất rộng 22ha và Rều Đá rộng 17ha và được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Cả 2 đảo có 14 cán bộ, công nhân viên làm công việc chăn nuôi, phát triển đàn khỉ vàng Macaca mulatta khoảng 1.000 con để phục vụ việc nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến ngành y, cũng như thử nghiệm vaccine Sabin để phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Một góc đảo Rều - nơi đang nhân nuôi thành công loài khỉ vàng Macaca mulatta.

Bác sĩ Vũ Công Long - Trại trưởng Trại chăn nuôi khỉ thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cho biết, đảo Rều được thành lập từ những năm 1960. Trước đây, mỗi năm ngành y phải dùng đến 300 con khỉ vàng Macaca mulatta để nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất các loại vaccine. Từ khi cán bộ trong ngành được cử đi học nước ngoài, thêm vào đó là Việt Nam đã nhập những loại công nghệ máy móc hiện đại về nên những năm gần đây, số lượng khỉ cung cấp cho nghiên cứu ít hơn, chỉ khoảng 100 con/năm mà vẫn đảm bảo đủ lượng vaccine cần thiết.

Bác sỹ Long cho biết: Ngày rằm tháng bảy hàng năm, cán bộ trên đảo lại chọn những thức ăn, hoa quả mà loài khỉ này thích để bày lên “đài tưởng niệm” làm giỗ cho khỉ, để tưởng nhớ công lao của những con khỉ đã hy sinh cho y học.

Bác sỹ Long đang tiêm vaccine cho các cá thể khỉ vàng Maccaca mullata trong phòng thử nghiệm vaccine.

Cũng theo bác sĩ Long, trên thế giới và Việt Nam có rất nhiều loài khỉ, nhưng chỉ có khỉ vàng Maccaca mullata mới được dùng để phục vụ cho y tế. Lý giải điều này, bác sỹ Long cho biết: Giống khỉ nuôi trên đảo Rều thuộc họ khỉ vàng Đông Nam Á, có tên khoa học là Maccaca mullata. Chỉ có tế bào thận của khỉ vàng này mới điều chế được vaccine. Trong các năm qua, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra hơn 2.000 con, nhưng không hề phát hiện mầm bệnh gây hại cho người.

Theo lịch trên đảo, hàng ngày khỉ được cho ăn 2 lần, lúc 9 giờ sáng và 2 giờ chiều.

Thức ăn của khỉ gồm gạo lứt nấu với lạc, đậu và các loại hoa quả được đặt hàng từ đất liền, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thực phẩm sạch 100%.

“Những chú khỉ đủ tiêu chuẩn được lựa chọn tiến hành nghiên cứu là những chú khỉ được 1,5 - 2 năm tuổi, cân nặng từ 2 - 2,5kg và thường chọn khỉ đực để nghiên cứu vì khỉ cái còn dùng để sinh sản. Trung bình khỉ đẻ 1con/lứa, khi còn sung sức thì 1 năm/lứa, sau đó thì cứ 2 - 3 năm/lứa. Một khỉ cái suốt vòng đời chỉ đẻ được 7 - 10 lứa. Tuổi thọ trung bình của khỉ vàng là 25 tuổi, trong đó khoảng 4 tuổi là khỉ vàng trưởng thành. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có một khỉ chúa” – anh Long tiết lộ.

Khỉ vàng đùa trêu công nhân chăm sóc, với chúng, con người rất thân thiện

Công nhân trên đảo đánh lưới bắt cá để cải thiện bữa ăn, sinh hoạt trên đảo.

Ông Nguyễn Đăng Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế cho biết thêm: “Việc thiết lập một khu chăn nuôi khỉ biệt lập tại một hòn đảo xa đất liền như đảo Rều là một sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Điều này giúp chúng ta có được đàn khỉ sạch để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất vaccine phòng bệnh. Chính vì chủ động được nguồn nguyên liệu quý này mà Việt Nam đã tự sản xuất được vaccine OPV từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, giúp chúng ta thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000”.

Cũng theo ông Hiền, ngoài giúp sản xuất vaccine OPV, loài khỉ vàng này còn giúp ngành y nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vaccine khác như Rota, viêm gan A, cúm A/H5N1… Việc duy trì và áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đàn khỉ là mục tiêu mà Trung tâm sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ve-noi-te-thien-dai-thanh-hien-than-cho-y-hoc-660265.html