Về nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh

Tháng 2-1934, Chi bộ Phước Hải, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh BR-VT được thành lập. Phước Hải thời điểm ấy mới chỉ là một làng chài đơn sơ ven biển. Sau 85 năm, Phước Hải đã thay đổi hoàn toàn. Đường phố thông thoáng, nhà cửa khang trang, đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thị trấn Phước Hải rực rỡ cờ hoa những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

MỐC VÀNG LỊCH SỬ

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, khi thực dân Pháp đặt chân xâm chiếm Bà Rịa (7-2-1862), hàng loạt các cuộc đấu tranh yêu nước trên địa bàn liên tục diễn ra. Từ năm 1930, dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, các tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành, gắn với các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin và xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản. Cuối năm 1931, đồng chí Hồ Tri Tân, một chiến sĩ cách mạng từng tham gia phong trào yêu nước ở Quảng Trị, mang theo cờ Đảng và tài liệu cách mạng vào Phước Hải (huyện Đất Đỏ ngày nay). Ông mở trại cưa, bí mật tuyên truyền cách mạng, thành lập nhóm “Châu viên kết nghĩa”, tập hợp anh em công nhân tiến bộ để tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước, ý thức dân tộc, kêu gọi đoàn kết chống thực dân. Nhóm này tổ chức nhiều hoạt động, như: Treo cờ Đảng, rải truyền đơn yêu cầu bỏ thuế thân, giảm thuế điền,… Tháng 2-1934, đồng chí Hồ Tri Tân cùng các đồng chí Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long tổ chức họp ở nhà ông Trần Bá Thiên (ấp Hải Trung, xã Phước Hải) tuyên bố thành lập Chi bộ gồm 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (Bí thư), Nguyễn Văn Long và Hồ Tri Tân.

Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Phước Hải tích cực phát triển đảng viên, giác ngộ các đồng chí kiên trung, yêu nước vào Chi bộ, tổ chức hoạt động rải truyền đơn, giác ngộ quần chúng, chống áp bức bất công.

Việc ra đời Chi bộ Phước Hải là sự kiện lịch sử, cột mốc vàng trong lịch sử xây dựng Đảng và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phước Hải, phong trào đấu tranh ở Long Điền, Đất Đỏ và cả tỉnh Bà Rịa những năm đầu cách mạng đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến, Chi bộ Phước Hải đã lãnh đạo nhân dân, chung tay cùng với người dân cả nước đánh bại sự xâm lược của thực dân Pháp vào năm 1954 và đánh đổ sự xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ Ngụy quyền tay sai, giành lấy độc lập cho địa phương cũng như góp phần giành độc lập cho dân tộc.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA PHƯỚC HẢI

Tiếp bước truyền thống của cha anh, ngày nay, Đảng bộ Phước Hải tiếp tục chỉ đạo, dẫn dắt để mang lại sự phát triển về kinh tế, xã hội tại địa phương. Đến thăm vùng đất Phước Hải những ngày này, có thể nhận ra sự chuyển mình của một làng chài bé nhỏ, giờ thành một thị trấn khá nhộn nhịp. Đó là sự đổi thay với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Từ hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế… cho đến đời sống của bà con đều mang màu sắc của sự trù phú. Và ai cũng tự hào với truyền thống quê hương mình, tự hào là nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh nhà.

Ông Trần Văn Tùng, ấp Lộc An, thị trấn Phước Hải, một ngư dân với hơn 40 năm bám biển cho hay, ông sinh ra và lớn lên tại Phước Hải, là người chứng kiến những đổi thay của vùng đất này. “Phước Hải không chỉ là nơi sinh ra, mà còn là vùng đất nuôi sống gia đình tôi. Ông, cha tôi, rồi đến tôi và 2 cậu con trai đều theo nghề biển. Hồi xưa, cha ông tôi cũng tham gia kháng chiến như nhiều người dân trong làng. Nhà nào cũng một lòng theo Đảng, theo Cách mạng. Đã 60 năm gắn bó với mảnh đất này, nhiều khi tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khi thấy sự thay da đổi thịt của thị trấn. Nếu trước đây đi lại khó khăn, thì nay đã khang trang, sạch đẹp, thuận tiện hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều”, ông Tùng nói.

Dẫn chúng tôi đi một vòng trên những con lộ chính của thị trấn, ông Trần Vĩnh Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Hải hãnh diện kể về những bước đổi thay để có những con đường đẹp, khang trang, trải nhựa phẳng lì, những hàng quán tấp nập khách.

Ông Trần Vĩnh Lộc cho biết, người dân Phước Hải chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, tại đây không hiếm những gia đình đã có 4-5 đời theo nghề biển. Biển cho họ cuộc sống để chăm lo gia đình, con cái học hành.

Biển Phước Hải không chỉ giàu có về tôm, cá, mà còn là bãi biển đẹp của tỉnh. Với chiều dài 7km bờ biển (từ Đèo nước ngọt đến Lộc An), nằm trong đó có những khúc quanh rất đẹp dưới chân núi Minh Đạm, với bãi cát vàng phẳng mịn, những hàng dương xanh rì, những bãi đá độc đáo, Phước Hải hoàn toàn có thể phát triển du lịch, dựa trên việc khai thác những thế mạnh do thiên nhiên ưu đãi. Trong năm 2018, các dự án du lịch có chuyển biến nhanh, một số dự án đã đi vào hoạt động, trong đó có những dự án du lịch lớn, như: Lan Rừng Resort, biệt thự cao cấp Oceanami, KDL truyền thống nghề biển Ocewar… Trong năm 2018, thị trấn thu hút hơn 328.130 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

“Ngoài thế mạnh về ngư nghiệp, lãnh đạo Đảng bộ thị trấn, UBND thị trấn đang chuyển hướng cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh về du lịch. Có thể khai thác thế mạnh về bãi biển hoang sơ, tận hưởng thiên nhiên trong lành, thưởng thức hải sản tươi sống, kết hợp du lịch tâm linh (Di tích lịch sử cách mạng căn cứ Minh Đạm) để xây dựng tour. Bên cạnh đó, nếu đi đúng dịp, du khách có thể hòa mình vào con đường hoa anh đào ven biển Phước Hải, hoặc tham gia lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, lễ hội đua thuyền thúng, tìm hiểu về đời sống ngư dân… đều là những “đặc sản” của địa phương. Hiện thị trấn đang xây dựng Nghị quyết về phát triển du lịch, qua đó quảng bá hơn nữa về một thị trấn ven biển, với nét bình dị của một làng chài đậm chất phương Nam, đồng thời sẽ giới thiệu nhiều hơn nữa về lịch sử của thị trấn, với niềm tự hào là nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của tỉnh”, ông Trần Vĩnh Lộc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH THANH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201901/huong-den-ky-niem-89-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2019-ve-noi-thanh-lap-chi-bo-dang-dau-tien-cua-tinh-836352/