Về nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ đầu tiên của tỉnh

Giữa tháng 5/2023, trong không khí toàn đảng, toàn quân, toàn dân trong toàn tỉnh đang hướng về kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh, chúng tôi đã có chuyến thực tế đến xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Hơn 90 năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn nói riêng và huyện Bình Gia nói chung đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng; tích cực, chủ động vươn lên phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Từ quá khứ cho đến hiện tại, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đều sắt son niềm tin vào Đảng, đoàn kết, đồng lòng, góp sức vào sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng phát triển quê hương, đất nước.

Mảnh đất gắn liền với những mốc son lịch sử

Theo lời của cụ Nguyễn Văn Cún, thôn Nà Vước, xã Tân Văn, từ trước năm 1948, khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh sơ tán đến thôn Bản Đao, một số gia đình đã bố trí nơi ở bí mật và cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ. Ban ngày, các cán bộ di tản ở nhà dân rồi bí mật truyền tin thống nhất cho các cuộc họp chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I.

Ngôi nhà ông Hoàng Văn Phù – Nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ I

Ngôi nhà ông Hoàng Văn Phù – Nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ I

Sau các bước chuẩn bị, từ ngày 15 đến ngày 19/6/1948, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ I được tổ chức trọng thể tại thôn Bản Đao. Đại hội được khai mạc và tổ chức thành công trong thời điểm cả nước cũng như tỉnh Lạng Sơn đang gặp nhiều khó khăn. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kháng chiến của quân và dân trong tỉnh, trong đó, công tác quân sự đề ra nhiệm vụ “phát động rộng rãi phong trào chiến tranh du kích, củng cố lực lượng vũ trang chiến đấu, sẵn sàng phối hợp tác chiến mọi lúc, mọi nơi với đội chủ lực trên mặt trận đường số 4. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa I gồm 13 đồng chí. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa I bầu đồng chí Hoàng Văn Kiểu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Thực hiện chỉ đạo của Liên Khu ủy I, sau 1 năm (từ ngày 25 đến 29/6/1949), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ II được tổ chức trọng thể tại đình làng thôn Nà Đồng, xã Tân Văn. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 16 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Kiểu tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Như vậy, từ năm 1948 đến năm 1949, Tân Văn là trụ sở hoạt động của Tỉnh ủy Lạng Sơn, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Đảng bộ tỉnh.

Lúc bấy giờ, Tân Văn là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh, là một trong những nơi có chi bộ đảng đầu tiên của huyện Bình Gia. Nơi đây có vị trí quan trọng kết nối tuyến đường chiến lược từ Bắc Sơn qua Bình Gia, Thất Khê đến biên giới Việt Trung và sau năm 1947, Tân Văn nói riêng và Bình Gia nằm trong khu an toàn của tỉnh.

Trong những ngày tháng cơ quan Tỉnh ủy Lạng Sơn đóng tại nơi đây, người dân nơi đây đã nhường cơm, sẻ áo, chuẩn bị nhà ở và đón các đồng chí cán bộ tỉnh sơ tán vào các làng bản, sớm ổn định mọi mặt, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cùng với việc tích cực tham gia xây dựng các lán trại bí mật cho cơ quan của tỉnh trên địa bàn, Nhân dân đã tiết kiệm lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh phong trào “Hũ gạo nuôi quân”.

Phát huy truyền thống cách mạng trong dựng xây, phát triển quê hương

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn nói riêng và Đảng bộ huyện Bình Gia nói chung đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội.

Vào một ngày trong tháng 5/2023, chúng tôi có mặt tại nhà ông Hoàng Văn Phù, thôn Bản Đao, xã Tân Văn – địa điểm tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I. Hiện đây là nơi ở của gia đình ông Hoàng Văn Hợp, sinh năm 1961 (con trai ông Phù). Ngôi nhà sàn được dựng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa nhưng vẫn được giữ nguyên vẹn, gần như không thay đổi kết cấu gì so với trước. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, vừa chỉ vào những vết đạn bắn còn sót lại trên sàn, cột nhà, ông Hợp cho biết: Qua lời kể của các thế hệ đi trước, tôi được nghe những câu chuyện liên quan đến địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I. Cha ông tôi đã di chuyển đến một hang động cách đó chừng 6 km để sinh sống, nhường căn nhà để phục vụ việc tổ chức đại hội. Không chỉ vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng, khu vực này cũng đã từng bị quân địch tấn công.

Tuy không được chứng kiến trực tiếp bối cảnh lịch sử nhưng từng chi tiết, từng vết tích còn sót lại trong căn nhà luôn nhắc nhở ông Hợp ghi nhớ những dấu mốc quan trọng. Tự hào về truyền thống cha ông để lại, bản thân ông luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Trải qua nhiều vị trí công tác tại thôn như: Trưởng Ban công tác mặt trận, Trưởng thôn và hiện giờ là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Bản Đao, ông Hợp luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực vận động người dân, hội viên chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia lao động sản xuất…

Với mong muốn dựng xây quê hương ngày một phát triển, cùng với gia đình ông Hợp, người dân thôn Bản Đao ra sức thi đua phát triển kinh tế, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn thể người dân trong thôn bày tỏ sự quyết tâm chung tay với cấp ủy, chính quyền xã thực hiện các tiêu chí.

Ông Hoàng Văn Thể, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Đao cho biết: Thời điểm đó, tôi là Bí thư chi bộ. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, tôi đã cùng chi ủy tích cực vận động người dân hiến đất, làm đường, phát triển kinh tế… để cùng xã hoàn thành các tiêu chí. Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân đã ủng hộ ngày công để làm đường giao thông nông thôn, tự đóng góp từ 1 – 2 triệu đồng để bê tông hóa các đường trục ngõ. Một trong những sự đổi thay rõ nét nhất tại Bản Đao là các tuyến đường ngõ đã được bê tông hóa hoàn toàn, thuận tiện cho đi lại, giao thương…

Không chỉ ở Bản Đao, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của Nhân dân, tổng nguồn vốn huy động xây dựng chương trình NTM trên địa bàn xã Tân Văn đã đạt trên 154 tỷ đồng, người dân hiến gần 12.000 m2 đất và hơn 28.000 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm giữ vững các danh hiệu vững mạnh qua các năm. Đến cuối năm 2017, xã Tân Văn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu của xã đạt 46,1 triệu đồng/năm (tăng khoảng 20 triệu đồng so với năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo còn 4,75%. Hiện tại, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Tân Văn đang tích cực xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu cuối năm 2023 sẽ đạt chuẩn.

Không chỉ tại xã Tân Văn, xuyên suốt những chặng đường quan trọng của lịch sử, Đảng bộ huyện Bình Gia đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo rõ nét. Từ những bài học kinh nghiệm được rút ra, cấp ủy, chính quyền đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh trước yêu cầu và nhiệm vụ của từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Mặc dù xuất phát điểm của huyện thấp, trên địa bàn còn nhiều xã đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất chưa đồng bộ… nhưng với tinh thần vượt khó, cấp ủy, chính quyền các cấp quyết tâm đoàn kết, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung khai thác những lợi thế, tiềm năng của huyện. Bên cạnh đó khơi dậy tinh thần, phát huy ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển… để phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.

Đơn cử qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 – 2025, mặc dù phải đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức song Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như: tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt trên 8.000 ha (chỉ tiêu đại hội từ 7.800 ha trở lên); diện tích trồng rừng mới hằng năm đều đạt hơn 900ha (chỉ tiêu đại hội 900 ha/năm); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân đạt 24,732 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trên 12%/năm (chỉ tiêu đại hội trên 8%/năm); tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm hơn 5% (chỉ tiêu đại hội là 4%)…

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Bình Gia xác định tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương ngày một phát triển.

PHƯƠNG DUNG - THANH MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/584038-ve-noi-to-chuc-dai-hoi-dang-bo-dau-tien-cua-tinh.html