Về Quân Chu ăn 'Tết năm cùng'

Hằng năm, cứ đến giữa tháng Chạp, khi mùa màng đã thu hoạch xong, cái rét ngọt về trên từng nếp nhà, cây cối sắp sửa bung lộc, nảy nụ Xuân, bà con người Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu (Đại Từ) lại rộn ràng tổ chức 'Tết năm cùng'.

Dịp đầu năm, người Dao cùng nhau lên rừng hái lá về làm cao, thuốc chữa bệnh.

Dịp đầu năm, người Dao cùng nhau lên rừng hái lá về làm cao, thuốc chữa bệnh.

Sinh sống nhiều đời dưới sườn Đông của dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, đồng bào Dao chiếm đến 70% trong tổng số người dân tộc thiểu số ở xã Quân Chu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Dao nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Cùng với Tết Thanh minh, Tết Hạ điền…, Tết năm cùng (hay còn gọi là Tết mừng năm mới) được người Dao xem là dịp quan trọng trong năm và được tổ chức lớn nhất.

Để chuẩn bị đón Tết, trước tiên, Trưởng bản cùng các già làng ấn định ngày tổ chức Tết làng. Sở dĩ có Tết làng là bởi xưa kia, đồng bào Dao thường sống du canh, du cư, lên rừng săn bắn, hái lượm nên có tục thờ các vị thần. Sau một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người Dao cùng nhau chuẩn bị góp lễ vật để làm Lễ “đóng cửa rừng”. Đồng thời, báo cáo thành quả lao động và tạ lễ với thần linh, tổ tiên tại miếu làng - nơi được coi là “nhà thờ tổ” của cộng đồng dân tộc Dao.

Ông Bàn Đức Báo, người có uy tín của đồng bào Dao ở Quân Chu, cho biết: Tùy theo điều kiện kinh tế, các gia đình sẽ cùng góp lễ vật, ai có gì góp nấy, người có trứng góp trứng, có gà góp gà, có thịt góp thịt… rồi tập trung ở nhà Trưởng bản để nấu nướng, chuẩn bị dâng lễ tại miếu làng.

Sau các nghi thức cúng tế Địa chủ (người mang con cháu Dao về sinh cơ lập nghiệp), Mỹ chủ (người khai thiên lập địa), Thần nông (người tạo ra mùa màng), Quan âm Bồ tát, Tam thanh, các đại vị gia tiên..., mọi người cùng ăn Tết tại nhà Trưởng bản. Sau thời điểm này, các gia đình mới tổ chức ăn Tết riêng tại gia.

Vào ngày Tết, người Dao thường chuẩn bị và khoác trên mình bộ trang phục truyền thống.

Cũng như mọi nhà, năm nay, nhà anh Triệu Thanh Tuấn, ở xóm Hòa Bình, tổ chức ăn "Tết năm cùng" ngay sau Tết làng. Mới tờ mờ sáng, vậy mà bếp than đã đỏ lửa từ khi nào. Trên bếp, nồi nước to đang sôi sùng sục, chờ sẵn để thịt lợn, làm gà…

Anh Tuấn bảo: Những ngày cuối năm, ai nấy đều tất bật nhưng rất vui. Sau một năm vất vả, người Dao tạm dừng hết mọi việc để dọn dẹp nhà cửa, bài trí lại bàn thờ, sắm sửa lễ vật để ăn Tết. Những người làm ăn xa có dịp trở về, đoàn tụ cùng gia đình, cùng cầu chúc một năm mới công việc suôn sẻ, làm ăn khấm khá hơn...

Theo anh Tuấn, để làm được một mâm cỗ cúng trang trọng trong ngày "Tết năm cùng" cũng không hề đơn giản. Gia chủ phải chuẩn bị đồ lễ từ nhiều ngày trước. Trong đó, bữa cỗ cúng tổ tiên của người Dao không thể thiếu được món bánh dày. Đây cũng là món kỳ công và tốn sức nhất. Gạo để làm bánh dày phải là loại nếp hạt mẩy mới thu hoạch, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ thành xôi, có như vậy thì bánh mới để được lâu, mới dẻo, ngon. Ngay giữa tiết trời lạnh giá, các thanh niên trai tráng thay nhau giã đến khi tạo thành khối bột dẻo quánh, trắng ngần thì thôi.

Trong khi phụ nữ và thanh niên chuẩn bị mâm lễ thì các cụ cao niên làm tiền vàng và chuẩn bị các vật dụng khác trước khi thầy cúng đến làm lễ. Khác với người Kinh, bà con dân tộc Dao thường tự tay làm tiền vàng từ giấy bản, triện dấu gỗ lên đó để dâng lên thần linh, tiên tổ. Sau nghi thức cúng tế tổ tiên, mọi người quây quần bên mâm cỗ uống rượu, chúc gia chủ sang năm mới gặp nhiều may mắn. Nhà ít thì 3-5 mâm cỗ, nhà nhiều thì 10-12 mâm. Theo quan niệm của người Dao, năm nào gia đình có đông người thân, bạn bè đến ăn Tết thì năm đó chắc chắn sẽ đầm ấm, gặp nhiều điều may.

Sau phần nghi lễ, người Dao đến nhà nhau để thăm hỏi, chúc mừng năm mới đến.

Anh Trần Văn Hiệp, Trưởng xóm Tân Lập, cho hay: Các nghi lễ trong "Tết năm cùng" không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn thể hiện sự thành kính đối với ông bà, tổ tiên, cho thấy truyền thống đáng quý của dân tộc. Ngoài việc cúng lễ, ăn uống, trong những ngày Tết, người Dao còn chuẩn bị những trang phục truyền thống đẹp nhất để mặc đi thăm hỏi, chúc tụng nhau, động viên nhau trong làm ăn cũng như mọi việc trong cuộc sống.

Quả thực, dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào khắp các bản làng của người Dao ở Quân Chu, nhưng bà con nơi đây vẫn luôn gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc của dân tộc mình. Được tìm hiểu, chứng kiến nghi lễ trong "Tết năm cùng" của người Dao, chúng tôi càng rõ hơn sự phong phú, độc đáo trong văn hóa của các dân tộc trên đất nước mình. Trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời giao hòa, tiếng ca hát, chúc tụng vang vọng khắp núi rừng, sau đêm Đông, những cành đào, cành mận đã bắt đầu bung nở, báo hiệu một mùa Xuân vui tươi, ấp áp, no đủ đang đến gần…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202301/ve-quan-chu-an-tet-nam-cung-b416e13/