Về quê dâng hương thầy Ký

Tại xóm Nguyễn My, ngôi nhà của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký luôn là địa chỉ viếng thăm quen thuộc của đông đảo bạn bè, thân hữu, các thế hệ học trò...

Nhà văn, NGƯT được học trò gọi là: Người thầy có đôi bàn chân kỳ diệu. Ảnh gia đình cung cấp

Người hóa mây trắng, cỏ xanh

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm về thôn Thanh Quang, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thăm mái nhà xưa của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Tới Hải Thanh, hỏi đường vào xóm Nguyễn My, như đã biết trước, mọi người đều chỉ lối vào nhà thầy Ký.

Ông Ngô Thanh Dung, một học trò cũ và cũng là người có gần 10 năm đạp xe đưa thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đi dạy học tâm sự: “Sau ngày thầy mất, tôi được gia đình nhờ trông nom căn nhà đã gắn bó với thầy và hương hỏa ban thờ của thầy tại đây. Cách vài ngày lại có người tìm đến xin được vào viếng thăm và nghe tôi kể chuyện về người thầy giáo đầu tiên viết chữ bằng chân. Rất nhiều người trong số họ có tuổi đời còn rất trẻ”.

Cách đây vài năm, trên mảnh đất thầy Ký từng lớn lên, gia đình đã xây dựng một căn nhà mới khang trang, mang kiến trúc hiện đại nhưng vẫn rợp bóng mát của những tàng cây cổ thụ. Cũng chính tại ngôi nhà này, nhiều kỷ vật liên quan tới cuộc đời thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã và đang được gia đình trân trọng lưu giữ. Bên cạnh sự nghiệp trồng người, thầy Ký còn là một nhà văn nổi tiếng, từng ra mắt nhiều tác phẩm để lại tiếng vang như hồi ký Tôi đi học, hồi ký Tôi học đại học, hồi ký Tôi đi dạy học, tự truyện Tâm huyết trao đời…

Tổng cộng, thầy Ký đã xuất bản hơn 30 đầu sách, 1.500 câu đố, bài thơ đố in thành 16 tập. Các tác phẩm của thầy luôn thấm đẫm tư tưởng nhân văn và giáo dục sâu sắc. Song cách thể hiện lại rất giản dị, hồn nhiên, dí dỏm, tinh tế, giàu hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc.

Di ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tại quê nhà.

Ghé thăm căn nhà này, những đầu sách đó, kèm chữ ký của thầy vẫn hiện hữu đầy đủ tại tủ sách của gia đình. “Cánh cửa của tủ sách này luôn được chúng tôi để mở, bất cứ ai dù là học trò cũ hay những người yên mến thầy Ký khi ghé thăm đều có thể mở ra xem. Nhiều vị khách tới nhà muốn ngỏ ý mua lại một vài cuốn nhưng gia đình không bán mà sẽ tặng lại”, ông Dung chia sẻ.

Trước khi quay trở lại TPHCM, vào năm 2019, thầy Ký có quãng thời gian sinh sống ở quê nhà. Căn phòng nơi thầy từng làm việc, một vài chiếc bút máy, chiếc đèn bàn, một số bài báo viết thầy kèm những vật dụng làm việc quen thuộc vẫn được bày biện trên bàn làm việc. Những bộ quần áo thầy Ký hay mặc để đi dự các chương trình, các buổi gặp mặt, nói chuyện tại địa phương vẫn được treo ngay ngắn trên mắc. Bên song cửa sổ hướng ra khoảng sân rộng trước nhà, chữ Nhẫn do thầy dùng chân để viết vẫn được treo đón nắng.

“Lúc sinh thời, thầy Nguyễn Ngọc Ký từng bảo với tôi rằng thầy gửi gắm tình cảm đặc biệt vào chữ Nhẫn. Thầy quan niệm, chữ Nhẫn nếu bỏ dấu ngã sẽ nên người (chữ Nhân). Cuộc sống dù quanh co khúc khuỷu đến đâu, nếu kiên nhẫn thì ta vẫn có thể mọc cánh và bay lên trời xanh”, ông Dung xúc động.

Trong những lời chia sẻ của mình, ông Dung luôn tin ở một điều rằng, hơn nửa thế kỷ qua câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký chưa bao giờ vơi cạn niềm cảm hứng cho xã hội, là động lực cho tất cả những ai đang gặp phải khó khăn, nghịch cảnh. “Nhìn những kỷ vật còn hiển hiện trong ngôi nhà này, tôi lại càng tin rằng thầy Ký mãi mãi không chết… Thầy chỉ hóa thân thành mây trắng, thành cỏ xanh để ở lại với đời”, ông Dung cho biết.

Căn nhà tại xã Hải Thanh của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Ấp ủ xây nhà lưu niệm thầy Ký

Ông Dung kết nối cho chúng tôi với bà Nguyễn Thị Thanh Hương, người con gái của thầy Ký hiện đang làm việc và công tác tại TPHCM. Dù rằng qua sóng điện thoại nhưng tôi vẫn đủ nhận ra ở đầu dây bên kia bà Hương đang thổn thức khi nhắc nhớ về cha mình: “Tuổi trẻ nhiều thế hệ cũng đã từng biết và ngưỡng mộ ba tôi qua những bài đọc trong sách giáo khoa như: Em Ký đi học (sách Tập đọc lớp 3 từ 1964 - 1983), Anh Ký đi học (sách Kể chuyện lớp 4 từ 1983 - 2000), Bàn chân kỳ diệu (sách Tiếng Việt lớp 4 từ 2000 đến nay)”.

Năm 2005, thầy Ký về hưu, vừa sáng tác văn học cho thiếu nhi, vừa làm tư vấn Tâm lý giáo dục qua tổng đài 1088 của TPHCM. Không chỉ viết văn, thầy còn tham gia các buổi giao lưu giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ. Tính cho đến lúc rời cõi tạm, người giáo viên huyền thoại ấy đã có hơn 1.500 buổi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Bà Hương bộc bạch: “Ngoài căn nhà hiện tại ở quê nhà, gia đình tôi cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng một ngôi nhà lưu niệm để trưng bày những hiện vật, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, ý chí và nghị lực của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký”.

Dự kiến, nhà lưu niệm nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký sẽ được xây dựng tại Khu Du lịch Thác Trời, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trên phần đất của gia đình có diện tích gần 1.000m2, bao gồm khối nhà chính và các công trình phụ. “Ở thời điểm hiện tại, gia đình vẫn đang thực hiện chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng để xin ý kiến các cấp chính quyền”, bà Hương thông tin.

Nói về tâm nguyện của mình, bà Hương cho biết thêm: “Chúng tôi muốn lưu giữ giá trị tinh thần mà ba đã để lại để phục vụ cho cộng đồng, thu hút đông đảo bạn bè, thân hữu, các thế hệ học trò của thầy Ký và cả những ai quan tâm, muốn tìm hiểu về cuộc đời nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Đồng thời tôi cũng hy vọng đây sẽ là một địa chỉ giáo dục về tinh thần nghị lực, ý chí vươn lên cho các em học sinh”.

Trong hành trình về thăm căn nhà của thầy Ký, chúng tôi tìm gặp thầy giáo Lưu Tuấn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hậu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (tiền thân là Trường Năng khiếu Hải Hậu – nơi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký giảng dạy và công tác trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1993).

Mở đầu câu chuyện, thầy giáo Lưu Tuấn Nghĩa xúc động: “Tôi có một may mắn lớn trong đời, được làm học trò của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký”. Thầy Nghĩa nhớ lại, ngay từ những năm đầu tiểu học, thầy đã được học về tấm gương vượt khó của thầy Ký qua những bài giảng của thầy, cô giáo trường làng, đã đọc về thầy qua cuốn hồi ký Tôi đi học.

“Trong suy nghĩ của cậu học trò nhỏ tuổi năm ấy, tôi vẫn luôn nghĩ thầy Nguyễn Ngọc Ký ở đâu đó rất xa. Và rồi, lần đầu nhìn thấy thầy Nguyễn Ngọc Ký thân thiện đón học sinh, tôi xúc động rưng rưng, cảm giác như gặp một người thầy bước ra từ vườn cổ tích. Thật khó để tin rằng, thầy Ký ở đây và từ nay sẽ là thầy giáo dạy Văn của tôi, mà thầy lại giản dị, gần gũi, ân cần đến vậy!”, thầy Nghĩa bùi ngùi cho biết.

Theo thầy Nghĩa, thầy Ký đối với thế hệ của thầy không chỉ là một người thầy, mà còn giống như một người cha, chia sẻ bao điều trong cuộc sống. Những năm tháng được sống gần thầy, chứng kiến sự tận tình của thầy với học trò và những nỗ lực của thầy mỗi ngày vượt qua mọi khó khăn, dùng đôi chân để làm mọi việc, thế hệ thầy càng thêm kính yêu thầy Ký.

“Ánh sáng của tinh thần hiếu học và tình yêu với cuộc đời từ thầy đã dẫn dắt tôi và nhiều thế hệ học trò tự tin, vững bước trên đường đời, trên đôi chân của chính mình, bằng sức mạnh tinh thần không khi nào lùi bước trước khó khăn. Trong sự trưởng thành của tôi hôm nay, không thể nói rằng không có bóng dáng của những thầy cô, đặc biệt là thầy Nguyễn Ngọc Ký”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Dâng nén hương tưởng nhớ người thầy huyền thoại, tạm biệt quê hương Hải Thanh để trở về, trong lòng chúng tôi vẫn còn văng vẳng lời người dân địa phương: Nhắc tới Hải Thanh là nghĩ ngay tới thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký!

Theo thầy Nghĩa, nhiều lần trong các buổi sinh hoạt dưới cờ của thầy và trò Trường THCS Hải Hậu, tấm gương ý chí và nghị lực của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký luôn được các em học sinh hào hứng đón nhận. Câu chuyện về thầy Ký còn được các em đưa vào như một ví dụ điển hình trong các bài nghị luận về lẽ sống.

Nam Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ve-que-dang-huong-thay-ky-post645534.html