Về rẫy vấn vương mắm còng

Hồi nhỏ ở quê, má tôi đi cấy xa rất sớm từ lúc 4 sáng. Lúc đó tôi cũng đã thức dậy và làm nhiệm vụ đưa võng, hát ru cho đứa em gái tôi ngủ. Tôi hát rất bài bản và thuộc rất nhiều câu hát ru. Tất nhiên những câu hát ru đều xuất phát từ ca dao với thể loại thơ lục bát được tôi học thuộc lòng mà đứa trẻ con 8-9 tuổi đầu hát đưa võng cho đứa em gái ngủ thuở đó không thể hiểu hết ý nghĩa của những câu hát ru ấy…

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua…”

Phần nghĩa bóng trong câu ca dao này tôi không bàn ở đây, nhưng phần nghĩa đen đã lồ lộ ra mà ít ai hiểu. Ngày đó tôi không hiểu đã đành, sau này lớn lên, dần dần qua thực tế tôi mới hiểu. Đó là tại sao “Về rẫy ăn còng”.

Rẫy là vùng ruộng trũng thấp, chỉ trồng lúa được một vụ khi mùa mưa tới, mùa nắng, nước mặn, cây cỏ mọc hoang dại, nước phèn váng vàng trên mặt ruộng chỉ có loài còng sống khỏe, sinh sôi nảy nở phát triền thành bầy đàn. Còng chạy rất nhanh, khi chúng rời hang ra ngoài kiếm ăn không thể rượt chúng để bắt kịp. Loài còng có nhiều chủng loại, sống ở rẫy là loài còng lửa, nhỏ con, toàn thân có màu đỏ nên gọi là còng lửa, ngoài ra loài còng này mà sơ hở để chúng kẹp cái càng sắc lẹm vào tay thì đau như bị lửa đốt... là một lý do để nó mang tên là loài còng lửa chăng?

Còng lửa là thực phẩm dân dã ăn rất ngon, chế biến nhiều kiểu tùy theo phong vị ẩm thực. Nhưng loài còng này chủ yếu chui rúc trong hang, lại rất nhát, khi chúng ra ngoài tìm mồi nếu thoáng thấy bóng người là chui trốn vô hang, bắt rất khó. Nếu moi hang để bắt còng lửa mà không mang bao tay, không có kinh nghiệm thì rất khó bắt và thường bị chúng kẹp... đau lắm à nha! Người bắt còng mà bị còng kẹp vào tay chỉ còn cách cắn mạnh vào cái càng của con còng mới buộc chúng nhả tay của mình ra mà thôi. Tất nhiên vết thương còng kẹp sẽ khá sâu và chảy máu âm ỉ nếu không được xức thuốc, băng lại kịp thời.

Nhưng trẻ con ở quê thường có sáng kiến bắt còng từ thực tế bằng cách... câu. Mồi câu còng bằng một miếng cơm dừa khô cột vào sợi dây cước. Cần câu là một nhánh tre dài. Câu còng thì tay cầm cần câu cột sẵn miếng cơm dừa khô nướng lên cho thơm, tay xách cái thùng, cứ thế men theo bờ ruộng, nhắp miếng mồi thơm phức ngay miệng hang thì chú còng nào cũng bò lên kẹp miếng mồi bằng cả hai cái càng sắc lẹm của nó. Người câu chỉ việc nhấc chú còng say mồi lên thả vào trong thùng, tự khắc chúng nhả miếng mồi, nằm chịu trận. Câu lưng thùng thì về.

Còng rửa sạch, rang muối, nấu canh chua khế, ram... là món ăn dân dã mà ngon bá cháy. Nhưng còng còn được chế biến thành món mắm để sẵn trong nhà ăn lâu dài phòng khi cực hoặc để đãi khách phương xa. Vì món mắm còng đã thành đặc sản của người nông dân miền Tây Nam Bộ bên cạnh món mắm Ba Khía. Gò Công đã nổi tiếng với món mắm còng, và là đặc sản hiện cũng khó tìm mua ở chợ quê. Mắm còng Gò Công hương vị thơm ngon, bữa cơm quê ngày mưa dầm chỉ cần độc nhất món mắm còng chấm với rau tập tàng hái ngoài bờ vườn cũng hao cơm, ngon miệng, no bụng mà không cần đến cao lương mỹ vị nào khác. Nếu ai đã từng được thưởng thức bữa cơm quê với món mắm còng, đặc biệt là mắm còng Gò Công-Tiền Giang thì sẽ vương vấn mãi không quên.

Câu hát ru em “Gió đưa gió đẩy” về nghĩa đen đã phân định rõ vùng miền, địa chí, phong vị ẩm thực liên quan tới con còng. Nên muốn ăn còng thì phải về miệt rẫy. Ăn cá thì về miệt sông, còn ăn cua thì về miệt đồng. Tuy nhiên, do ca dao, hát ru em đa phần là truyền khẩu chứ không có văn bản chính thức, tác giả thường là khuyết danh nên cũng tùy theo “phong vị” vùng miền và cảm hứng cá nhân nên có nhiều “dị bản”. Câu hát ru em “Gió đưa gió đẩy” cũng thế, nên tôi cũng thường nghe “dị bản” như sau:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…

Thú vị là “Gió đưa gió đẩy” mình đi đâu thì sẽ được ăn đặc sản nơi ấy. Đúng nhận sai… Cấm cãi!

PHAN TƯỜNG NIỆM

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202303/tan-van-ve-ray-van-vuong-mam-cong-972663/