Về 'rốn lũ' Hương Khê mùa chớm lụt

Sáng 4-9, bỏ sau lại lưng TP Hà Tĩnh đang bì bõm dưới nước, chúng tôi ngược ngàn lên với vùng 'rốn lũ' Hương Khê. Dẫu các tuyến phố lớn của Hà Tĩnh đang dần biến thành sông dưới cơn mưa nặng hạt nhưng với người dân nơi đây thì đợt mưa nào TP Hà Tĩnh cũng lụt, chỉ sợ lúc hồ Kẻ Gỗ, hồ Bộc Nguyên không xả lũ gặp phải thủy triều lên cao, thành phố này mới chìm sâu dưới nước, đời sống người dân lúc đó mới đảo lộn.

Bà con vùng lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) chủ động cất giữ các đồ dùng thiết yếu nơi cao ráo.

Thực tế bây giờ, với căn bệnh trầm kha về quy hoạch, quản lý quy hoạch, người dân thành phố đã quen dần với cảnh lụt lội khi lưu thông qua các tuyến phố chính: Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Ninh, Lê Duẩn... đang ngập sâu dưới nước.

Trên đường về “rốn lũ” Phương Điền, Phương Mỹ, chúng tôi dừng chân tại chân cầu Địa Lợi (xã Hà Linh). Tại đây, một “bến đò” tạm đã được UBND xã Hà Linh dựng sẵn để vận chuyển xuồng máy xuống sông Ngàn Sâu. Dưới trời mưa nặng hạt, các đơn vị lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã sẵn sàng xuồng máy, ca-nô chở lương thực, thực phẩm và đoàn công tác đến với bà con vùng lũ.

Báo cáo nhanh về tình hình lũ lụt của địa phương, đồng chí Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh cho biết, sau khi nhận được thông báo về tình hình mưa lũ, ngoài việc chủ động “bốn tại chỗ”, xã còn thông tin về tình hình, phương pháp ứng phó với mưa lũ trên hệ thống loa phát thanh, nhắn tin qua điện thoại, đồng thời cử các tổ công các tác về từng gia đình để giúp bà con chằng néo, kê cao tài sản. Toàn xã có 150 hộ ở xóm 3 nằm ở vị trí sâu trũng đã được đoàn công tác vận động, hỗ trợ di dời và bố trí nơi ăn, chỗ ở cho bà con trong trường hợp lũ lớn về. Đối với đàn gia súc, gia cầm, theo kịch bản ứng phó với mức độ ngập lụt đã chuẩn bị sẵn. Đến nay xã đã di dời toàn bộ đàn gia súc, gia cầm của người dân vùng ngập lụt ở thôn 3, 4 về nơi an toàn.

Xuôi dòng Ngàn Sâu, chúng tôi có mặt tại thôn Trung Thượng, điểm ngập nhất của “rốn lũ” Phương Mỹ. Đồng chí Ngô Xuân Tự, Bí thư Chi bộ thôn Trung Thượng cho biết, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một nhanh, tuy nhiên nhờ chủ động các biện pháp ứng phó nên mưa lũ chưa gây ra thiệt gì đối với bà con. Theo đồng chí Ngô Xuân Tự, với đặc điểm của người dân vùng lũ, đa phần người dân trong thôn đã chuẩn bị cho mình những phương án đối phó hữu hiệu, nhà nào cũng có thuyền ba ván, có chạn gỗ kiên cố trên mái nhà cấp bốn để làm nơi dự trữ lương thực, thức ăn khô, nước uống, bảo đảm sinh hoạt cả nhà trong nhiều ngày tránh lũ.

Đối với những gia đình có điều kiện, hộ xây nhà mái bằng, hai tầng để tránh lũ: tầng dưới, bố trí chuồng trại chăn nuôi khi không có lũ; tầng trên được bố trí làm nơi cất giữ thức ăn dự trữ, là chỗ cho gia súc tránh lũ. Nhà chạn còn có thể là nơi cất giữ tài sản, lương thực... Mái trên được lợp bằng ngói pro, hoặc lá mía, lá cọ… Đối với các gia đình khó khăn, người dân dùng phuy nhựa cỡ lớn kết bằng khung sắt, ván gỗ, nước dâng đến đâu, bè dưng đến đó. Vì vậy lương thực, thực phẩm được bảo quản một cách an toàn. Nhờ chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó, đến thời điểm hiện nay, 102 hộ dân, với 446 nhân khẩu thôn Trung Tự đang khá chủ động trong sinh hoạt, sống chung với lũ.

Theo đồng chí Hoàng Xuân Tần, Bí thư Đảng bộ xã Phương Mỹ (Hương Khê), so mọi năm, tình hình mưa lũ năm nay chưa xuất hiện diễn biến phức tạp. Sau khi soát xét các biện pháp, khả năng ứng phó thực tế, đến nay, mọi việc đang trong tầm kiểm soát. Trong thời gian tới, nếu lượng mưu tiếp tục gia tăng, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, xã sẽ có phương án di dời 220 hộ dân vùng trọng điểm lũ ở thôn Trung Thượng, Ấp Tiến về nơi trú ngụ đã được chuẩn bị sẵn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Lũ lên, hàng nghìn héc-ta bưởi đặc sản Phúc Trạch có nguy cơ thất thu bởi đang vào thời kỳ chính vụ nhưng chưa thể thu hoạch.

Bà Hoàng Thị Tuân, thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch chia sẻ, cây bưởi Phúc Trạch năm nay ra hoa muộn nên quả cũng chín muộn hơn so các năm trước. Do đó, khi đến thời điểm bưởi chín rộ thì gặp mưa bão, nhiều hộ dân chưa kịp bán nên đang rất lo lắng. Với tình hình mưa lũ hiện tại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Còn bà Lê Thị Hoa, một thương lái cho biết thêm, thu hoạch bưởi trong điều kiện hiện nay là rất khó do thiếu thị trường tiêu thụ. Phương án người dân thu hoạch rồi cất trữ trong nhà cũng không khả thi, bởi trong điều kiện trời mưa, việc hái bưởi rất khó khăn, bưởi dễ bị dập dẫn đến thối quả. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường bị ngập nước, nhiều vùng dân cư đang bị cô lập nên không thể vận chuyển bưởi đến các vùng khác được.

Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê, tính đến chiều 4-9, mưa lũ đã khiến một người dân thiệt mạng, tám người dân ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê) vào rừng lấy lá nón từ ngày 2-9 đến nay hiện đang trú ẩn an toàn tại các lán trại trên núi. Ngoài ra, mưa lũ đã làm 900 ha lúa hè thu, 110 ha ngô và 65 ha lạc chưa thu hoạch bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Một số công trình giao thông, thủy lợi bị ngập hư hỏng, nhiều cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi.

Liên quan công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới, theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, Trần Đình Hùng, tính đến chiều 4-9, huyện Hương Khê có 27/61 trường bị cô lập hoàn toàn, sau khi xem xet mức độ an toàn và tình hình mưa lũ, trong 34 trường học còn lại, chỉ có chín trường đủ điều kiện để phục vụ, triển khai năm học mới. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, ngành giáo dục Hương Khê đã chỉ đạo các trường học có biện pháp di dời, bảo quản tài sản, thiết bị phục vụ dạy học về nơi khô ráo an toàn.

Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra, chiều 4-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có công điện khẩn đề nghị các huyện miền núi hoãn tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5-9. Đối với các huyện đồng bằng, nếu bảo đảm an toàn thì tổ chức khai giảng năm học mới theo lịch đã bố trí.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với người dân vùng rốn lũ Phương Mỹ.

Bài, ảnh: NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41451302-ve-%E2%80%9Cron-lu%E2%80%9D-huong-khe-mua-chom-lut.html