Về sư Minh Tuệ: Xin hãy để yên cho Sư tu học

Sư Minh Tuệ - một vị khất sĩ tu theo lối khổ hạnh (Hạnh đầu đà) ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường với những luồng ý kiến trái chiều.

Sư Minh Tuệ – một vị khất sĩ tu theo lối khổ hạnh (Hạnh đầu đà) ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường với những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái thầy như một vị Phật sống nhưng cũng có không ít kẻ chê bai, cười nhạo, nghi ngờ, thậm chí phỉ báng.

Sư Minh Tuệ – hiện tượng hot trên mạng xã hội gần đây

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên “hiện tượng” sư Minh Tuệ – một vị khất sĩ tu theo lối khổ hạnh (Hạnh đầu đà) ngày ăn một bữa, mặc áo vá, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, không nhận tiền cúng dường… với những luồng ý kiến trái chiều.

Nhiều người bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ, thậm chí sùng bái thầy như một vị Phật sống nhưng cũng có không ít kẻ chê bai, cười nhạo, nghi ngờ, thậm chí phỉ báng. Rất nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến sư Minh Tuệ đi bộ khất thực. Cá nhân tôi, một phật tử đã đến nhiều nước Phật giáo nguyên thủy như Miến Điện, Thái Lan, Cam Pu Chia…, không lấy gì làm lạ.

Tôi cũng đã từng leo lên nhiều ngọn núi cao, nổi tiếng linh thiêng ở Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, là nơi tu tập của hàng trăm các vị tu hành thuộc nhiều tông phái: Thiền tông, mật tông, tịnh độ tông. Họ ẩn tu trong những hang đá, những cốc dựng sơ sài giữa bốn bề là thiên nhiên âm u, thanh tịnh. Nhiều người nhập thất đã vài tháng. Có người suốt chục năm trời chưa một lần xuống núi. Họ cách ly hoàn toàn với thế giới ồn áo, náo nhiệt bên ngoài, tu tập miên mật những mong giác ngộ và giải thoát.

Tôi đã gặp gỡ một số vị khất sĩ, lắng nghe những sẻ chia về hành trình tu tập của họ và cả những câu chuyện kỳ bí đã và đang xảy ra ở đây. Tìm hiểu về sư Minh Tuệ qua một số clip trên mạng, được biết, sư tu theo “Hạnh đầu đà”, là một trong những phương pháp tu khổ hạnh có từ thời đức Phật, trong đó, tiêu biểu nhất là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – vị “Thánh Tăng đệ nhất đầu đà”.

Pháp tu này được quy định cụ thể với 13 điều sau đây:

1. Y phục làm bằng những mảnh vải rách.

2. Chỉ dùng ba y.

3. Khất thực mà ăn.

4. Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa.

5. Không ăn quá no.

6. Không giữ tiền bạc.

7. Sống độc cư.

8. Sống trong nghĩa địa.

9. Sống dưới gốc cây.

10. Sống ngoài trời.

11. Không ở cố định, thường du hành.

12. Ngồi ngủ, không nằm ngủ.

13. Chỉ dùng bình bát.

Mục đích của pháp tu này là diệt trừ lòng tham trước ba vấn đề thiết yếu nhất của đời sống hằng ngày. Đó là cơm ăn, áo mặc và chỗ ở, nhờ vậy mà thoát ly khỏi tham dục. Bởi giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, an nhiên tự tại với mọi thứ trong đời sống hàng ngày. Thời đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử của Ngài đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà chứng đạo.

Trở lại “hiện tượng” sư Minh Tuệ. Tôi chưa từng gặp gỡ sư ở ngoài đời bao giờ. Nhưng xem kỹ một số clip trên mạng, thấy sư đã và đang thực hành đúng theo Hạnh đầu đà. Khuôn mặt sư trông gầy gò, da đen nhưng rất sáng. Sư nói năng giản dị, mộc mạc, chân thành và rất khiêm nhường. Nói chuyện với ai, sư cũng xưng là “con”. Sư không thuyết giảng những gì cao siêu, huyền bí của đạo Phật.

Nếu ai đó gặng hỏi về phương pháp tu tập, sư luôn nói về việc giữ giới. Điều đó rất đúng với lời Phật dạy. Bởi con đường của giải thoát là giới-định-tuệ. Trước những cử chỉ đôi khi quá tôn kính của người đời, sự luôn khiêm hạ đáp lễ, không bao giờ xưng là Thầy và luôn nói sư đang “tập học”.

“Vậy tại sao một vị khất sĩ đang trên con đường tu học, chưa chứng đắc nhiều lại trở thành “hiện tượng”, được quá nhiều người dân trân trọng, tôn kính?” Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi ấy. Tôi nghĩ, một trong những lý do căn bản nhất là bởi sư Minh Tuệ đã giữ giới, sống thiểu dục, khiêm hạ, không nhận tiền, không nhận vật thực cúng dường khi bình bát đã đầy thức ăn, lấy việc tu thân, tu tâm làm sự nghiệp cho mục đích tối thượng của đạo giác ngộ giải thoát.

Hình ảnh vô cùng giản dị ấy của sư Minh Tuệ gợi cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh tăng đoàn của đức Phật cách đây 2.600 năm khi đi khất thực. Nó càng trở nên thật đẹp, thật ấn tượng khi môi trường tu học, thực trạng Phật giáo hiện đang có những vấn đề cần phải suy nghĩ.

Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ giống như dòng suối trong, mát lành giữa những sông, hồ đang bị ô nhiễm, bốc mùi xú uế nên được đông đảo dân chúng chào đón, tôn kính. Song, cá nhân tôi, khi xem những thước phim quay cảnh sư Minh Tuệ đi đến đâu, dân chúng kéo theo kìn kìn, trong đó, có nhiều Youtuber, Tiktoker, tôi không khỏi lo lắng cho sư.

Bởi một người đang trên con đường tu học đạo, cần tránh xa sự ồn ào. Nhất là khi gần đây, tôi nghe tin, một số vị sư nổi tiếng trong nước đã “lên tiếng” về sư Minh Tuệ.

Vì vậy, tôi tha thiết mong mọi người, nếu thực sự yêu mến sư Minh Tuệ, hãy để cho sư được yên tĩnh để sư toàn tâm toàn ý cho việc tu học. Nếu như đủ duyên gặp sư Minh Tuệ ngoài đời, tôi sẽ nói với sư: Hạn chế tối đa việc trò chuyện với các Youtuber, Tiktoker. Cầu mong sư chân cứng đá mềm, viên thành trên con đường tu học đạo giác ngộ, giải thoát.

Nguồn: FB Hoàng Anh Sướng (https://www.facebook.com/profile.php?id=100006896824601).

Chú thích: BBT Tạp chí sửa lại Tiêu đề và biên tập một vài đoạn chưa phù hợp từ nguồn nội dung của tác giả.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ve-su-minh-tue-xin-hay-de-yen-cho-su-tu-hoc.html