Về Tam Thái nghe câu hát Soọng Cô

Buổi chiều cuối tuần, xe chúng tôi chạy chậm trên con đường bê tông uốn lượn như dải lụa giữa cánh đồng Sếnh của xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Chúng tôi về đây để tìm hiểu văn hóa hát Soọng Cô truyền thống của đồng bào Sán Dìu.

Tìm về nơi lưu giữ câu hát cổ

Đi cùng chúng tôi, chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Hỷ, tâm sự: "Tranh thủ lúc nông nhàn, người Sán Dìu trên khắp địa bàn huyện lại tổ chức hát Soọng Cô. Ở xóm Tam Thái, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên trách văn hóa, cũng như sự nhiệt tình sưu tầm và truyền dạy của các nghệ nhân, điệu hát Soọng Cô vẫn vang lên đều đặn bên những nếp nhà".

Chúng tôi dừng chân tại nhà Nghệ nhân ưu tú Diệp Minh Tài, người nổi tiếng với bộ sưu tập hơn 1.000 câu hát Soọng Cô cổ. Dưới căn bếp nhỏ, bà Trương Thị Loan (vợ nghệ nhân Diệp Minh Tài) đang đồ xôi trứng kiến, một món ăn truyền thống của đồng bào Sán Dìu. Bên bếp lửa bập bùng, bà Loan kể cho chúng tôi nghe sự tích câu hát Soọng Cô. Câu chuyện bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có cô gái tên là Lý Tam Mói, người nổi tiếng xinh đẹp và có tài hát đối mà không ai thắng được. Một ngày, có ba chàng trai tài giỏi tìm đến mà vẫn không đối lại được câu hát của cô, đành ra về. Từ ngày ba chàng trai thất bại ra về, cô Lý Tam Mói trở nên âu sầu, tiếc nuối vì không mời họ vào làng chơi. Hằng ngày, cô gái ra bờ sông cất tiếng hát nhớ thương, da diết, khắc khoải, lâu dần trở thành điệu hát Soọng Cô…

Chúng tôi vừa nghe hết câu chuyện về sự tích câu hát Soọng Cô thì cũng là lúc nghệ nhân Diệp Minh Tài vừa ra ngoài trở về nhà. Ông Tài bảo, đêm nay CLB Soọng Cô Tam Thái do ông làm chủ nhiệm sẽ tổ chức hát tại nhà ông. Trò chuyện với ông, chúng tôi thêm thấu hiểu những tâm huyết của nghệ nhân dành cho điệu hát Soọng Cô.

 Vợ chồng nghệ nhân Diệp Minh Tài luyện tập điệu hát cổ Soọng Cô.

Vợ chồng nghệ nhân Diệp Minh Tài luyện tập điệu hát cổ Soọng Cô.

Nghệ nhân Diệp Minh Tài nhớ lại khoảng thời gian điệu hát Soọng Cô ở Tam Thái gần như đi vào quên lãng. Nhiều năm, người Sán Dìu ở Tam Thái không còn tổ chức hát điệu hát cổ của dân tộc mình. Được đắm mình với điệu hát Soọng Cô từ nhỏ, ông Tài vẫn đau đáu nỗi niềm bảo tồn điệu hát cổ, nhưng phải đến khi nghỉ hưu, ông mới có cơ hội bắt tay vào nghiên cứu, phát triển điệu hát. Ông chia sẻ: "Năm 1995, tôi được Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Hỷ mời làm cộng tác viên đi sưu tầm tư liệu di tích lịch sử chùa Hang. Thời điểm này, tôi tìm được nhiều tư liệu quý về điệu hát Soọng Cô trong các cuốn sách chữ Hán. Bằng vốn liếng chữ Hán ít ỏi, tôi bắt đầu nghiên cứu dịch sang tiếng phổ thông. Gặp câu chữ nào khó, tôi phải nhờ các thầy giỏi chữ Hán như thầy Diệp Nguyệt (xã Nam Hòa), thầy Tô Thái (xã Minh Lập) giúp đỡ".

Các bài hát Soọng Cô đều được chép theo thể thơ 7 chữ. Để dễ nhớ, dễ thuộc, nghệ nhân Diệp Minh Tài chọn dịch sang tiếng phổ thông theo thể lục bát. Đến nay, ông đã dịch được 700 trong tổng số hơn 1.000 bài hát cổ. Theo nghệ nhân Diệp Minh Tài, những bài Soọng Cô có nội dung rất đa dạng, từ mừng năm mới, vào nhà mới, lao động sản xuất, đám cưới, nhưng phong phú nhất là hát giao duyên. Những câu hát Soọng Cô luôn tồn tại trong cuộc sống của người dân lao động, phản ánh tâm tư, tình cảm và ước vọng của đồng bào Sán Dìu.

Điệu Soọng Cô thêm gắn chặt tình làng nghĩa xóm

Hơn 19 giờ, căn nhà nhỏ của nghệ nhân Diệp Minh Tài trở nên chật chội. Người đến hát Soọng Cô đông dần, bà Loan phải trải chiếu ra ngoài sân để có không gian cho mọi người sinh hoạt. Món xôi trứng kiến nóng hổi được bày sẵn bên ấm nước chè tỏa hương thanh đạm. Người đến hát đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào Sán Dìu. Tiếng hát bằng ngôn ngữ đồng bào Sán Dìu vang lên mộc mạc, thuần khiết với tiết tấu chậm đều. Giọng nam trầm như tiếng suối rì rầm chảy, giọng nữ cao như tiếng chim hót dìu dặt. Qua lời giới thiệu của nghệ nhân Diệp Minh Tài, chúng tôi hiểu hơn về nội dung ngọt ngào trong ca từ của điệu hát. Bên kia, người nữ cất tiếng hát: "Xuân đến trăm hoa nở trên cành/ Chim rừng nhảy nhót hót véo von/ Người người chăm chỉ ruộng nương rẫy/ Sao anh nhàn rỗi thế anh ơi…". Bên này, người nam đáp lại: "Xuân đến anh đi tìm bạn đời/ Cùng anh lo việc ruộng nương đây/ Hoàng anh ríu rít cùng làm tổ/ Ong lượn trong vườn tìm hoa tươi".

Những câu hát đối đáp kéo dài mãi trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Diệp Minh Tài. Đêm càng muộn, tiếng hát càng vang, càng nồng. Sau một ngày làm việc vất vả, điệu hát Soọng Cô như giúp người dân nơi đây quên đi những muộn phiền, bận rộn. Những câu hát đến với nhau cũng là để gắn chặt thêm tình cảm làng xóm, cộng đồng.

Đánh giá công tác bảo tồn và phát triển điệu hát cổ truyền của huyện Đồng Hỷ, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Năm 2015, hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, có 9 nghệ nhân là chủ nhiệm của 9 CLB Soọng Cô trên địa bàn huyện với số lượng người thực hành trên 200 người".

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-tam-thai-nghe-cau-hat-soong-co-536685