Về Tây Thiên

Trong mùa lễ hội đầu xuân, người người lại hành hương về đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Giữa chốn bồng lai dập dìu mây gió, hành trình du xuân 'đến với Phật, về với Mẫu' để được tiếp thêm sức lực, được che chở yêu thương, ban phát cho mọi nguyện cầu...

1. Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nằm trong quần thể Khu di tích danh thắng Tây Thiên là nơi chứa đựng vẻ đẹp của văn hóa tâm linh kết hợp với nét hài hòa của phong cảnh hữu tình say đắm lòng lòng người mà thiên nhiên ban tặng.

Đó là cảnh núi rừng nguyên sơ, là những ngôi Cổ tự, Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn hay nguồn Bát Nhã tuyền róc rách ca lên khúc nhạc hoàn hương từ vô thủy. Xa xa dòng Thác Bạc trắng xóa như dải ngân hàng vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm tạo nên một bầu không khí thanh bình.

Quần thể khu di tích danh thắng Tây Thiên được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên. Quốc Mẫu Tây Thiên là một trong hai vị Quốc Mẫu của Việt Nam được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Theo truyền thuyết, khi vua Hùng Vương thứ bảy tới Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) để lập đàn cầu cho quốc thái dân an. Tại đây nhà vua đã gặp và kết duyên với cô sơn nữ Lăng Thị Tiêu – người con gái đẹp như Tiên giáng trần. Bà được sắc phong làm Hoàng phi.

Khi còn sống, Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã phò vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Khi mất, bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu.

Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).

2. Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, du khách thập phương không ngại vượt đường xa hành hương về Tây Thiên, thắp hương tưởng nhớ Quốc Mẫu để mong được hưởng sự may mắn, chở che...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong quần thể tín ngưỡng tôn giáo ở đây có vai trò đặc biệt, giữ gìn và phát huy sức sống vô biên của Đạo Mẫu Việt Nam- một trong 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Với nhiều người hành hương về trước mẫu là hành trình tìm về, cầu mong sự chở che từ lòng mẹ bao dung… Với các giá trị đặc biệt về lịch sử, tín ngưỡng và cảnh quan thiên phú, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định xếp hạng khu danh thắng Tây Thiên là di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đền thờ Quốc Mẫu, Tây Thiên còn có nhiều ngôi đền thờ các vị Mẫu thần nổi tiếng cai quản trời, đất, núi, rừng như: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn. Đây là lý do khu danh thắng Tây Thiên luôn được du khách ví như nơi “đến với Phật, về với Mẫu”.

Theo ông Diệp Xuân Tư- Trưởng Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên, đến với Phật là đến với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc; còn về với Mẫu (đền thờ Quốc Mẫu) là được về trong lòng mẹ, được mẹ chở che, ban cho sức khỏe, yêu thương, tài lộc. “Đây chính là điểm khác biệt và độc đáo giữa Tây Thiên với nhiều khu thờ tín ngưỡng khác khi du khách hành hương đến đó chỉ nói đến chứ không phải là về”- ông Tư phân tích.

3. Nhưng du khách đến Tây Thiên đông nhất là vào giữa tháng 2 âm lịch, khi đó, Lễ hội Tây Thiên lại được tổ chức. Dù trải qua nhiều thăng trầm dâu bể nhưng đến nay lễ hội Tây Thiên vẫn được gìn giữ và phát triển trong đời sống văn hóa nhân dân.

Theo cụ Vũ Văn Vượng – thủ từ Đền Quốc mẫu Tây Thiên, từ năm 1991 đến nay, lễ hội Tây Thiên đã có nhiều thay đổi so với lễ Tây Thiên truyền thống. Cụ thể, công tác chuẩn bị thì vẫn duy trì như trước nhưng nghi lễ giản tiện hơn. Từ ngày 11 đến 14-2 âm lịch sẽ diễn ra lễ cáo tại đền Thượng, nhằm báo với Thánh Mẫu về kế hoạch tổ chức lễ hội cũng như thay cho nhân dân địa phương cầu cho Quốc thái dân an. Đến sáng ngày rằm sẽ diễn ra ngh lễ gồm lễ rước kiệu, kễ dâng hương… Lễ vật không thể thiếu khi dâng Mẫu gồm hoa quả, mâm xôi oản, trứng, một con lợn quay... Đó là những sản vật của núi rừng Tây Thiên, được chuẩn bị bởi bàn tay đảm đang, cần mẫn của những người phụ nữ dân tộc Sán Dìu sống quanh đó…

Đến với lễ hội Tây Thiên ngày nay, du khách còn được hòa mình với những điệu hát Soọng cô của người dân tộc Sán Dìu, xem múa xênh tiền, xem đấu vật, kéo co, chọi gà, thưởng thức các món ăn do bà con địa phương làm ra như bánh gù, bánh giày, xôi trứng kiến…

Phương Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kham-pha/ve-tay-thien-tintuc395746