Về tết thời... cao tốc

1. Người Việt nói chung và người Thanh Hóa quê ta nói riêng có một thứ tình cảm rất đặc biệt đã trở thành căn tính bản sắc. Đó là dù cần cù mưu sinh kiếm sống hoặc may mắn thành đạt ở bất kỳ nơi đâu thì khi tết đến xuân về đều hằng nghĩ về bản quán, nơi mình cất tiếng i a, i oa chào đời, nơi đã chôn núm rau lúc sinh hạ, nơi có từ đường, có đất hương hỏa ông cha... Về quê ăn tết tức là về với tuổi thơ đầy kỷ niệm, về với cảm thức tri ân và còn về với sự đoàn tụ ruột rà huyết thống. Bởi thế, trừ các trường hợp bất khả kháng, ai ai còn có một miền quê cũng đều cố gắng bằng mọi cách để được về nhà trong những ngày tết.

Con đường nối TP Thanh Hóa và Cảng Hàng không Thọ Xuân giao nhau với tuyến cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Hoàng Đông

2. Nhớ lại một thời khốn khó, khi hệ thống đường sá còn gập ghềnh, phương tiện vận tải ọp ẹp và ít ỏi thì việc đi lại một quãng đường từ 50 km trở lên là cả một vấn đề; việc chuyển dịch đó trong dịp tết lại càng vô cùng nan giải. Thế nên đa phần những người sống, làm việc nơi đô thị có quê ở xa, trong cả tháng Chạp gần như phải dốc toàn bộ sức lực để lo cho được hai việc: sắm quà và cách thức đi đường về quê ăn tết thế nào. Sắm quà thì tùy tâm và tùy “nguồn lực”; còn đi về bằng cách nào, mua vé ở đâu, mua được vé rồi thì lo xe chạy có an toàn không, rồi nữa, có kịp về quê để đón năm mới không là những câu chuyện nhọc nhằn, hao tâm, tổn trí và trong nhiều trường hợp không hề kém phần bi hài.

Anh bạn Ngô Văn Long của tôi là du học sinh từ Nga về quê ở Vĩnh Lộc ăn tết vào năm 1985. Anh bay mất 14 giờ từ Mát-xcơ-va về Hà Nội; còn từ Hà Nội, anh phải ngồi xe lửa mất 32 giờ mới về đến ga Thanh Hóa (vì đoàn tàu bị hỏng máy ở Nam Định, phải chờ mất nhiều giờ để sửa chữa). Đã thế, hành lý (phần nhiều là quà tết cho cha mẹ và người thân) bị trộm khoắng mất sạch. May mà giấy tờ và tiền nong anh để trong ví nên vẫn còn. Tại ga Thanh Hóa, anh may mắn thuê được một người xe lai có sức khỏe, lai 5 tiếng đồng hồ bằng xe đạp nữa mới về được đến quê nhà. Cũng tết ấy, một anh bạn du học sinh khác đưa người yêu là bạn học, gốc Hà Nội, về ăn tết và ra mắt cha mẹ ở Nghệ An. Hai người cũng chọn cách đi tàu hỏa (vì cũng không có phương tiện nào khác tốt hơn) để còn lãng mạn trải nghiệm vẻ đẹp của câu ca dao: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ” . Nhưng do đường tàu xấu, đang cải tạo, sửa chữa từng đoạn, tàu phải chạy chậm như rùa bò, cửa sổ toa tàu lại hỏng nên cô gái bị ngấm cái lạnh tái tê của gió đại hàn lẫn với mưa phùn. Cô gái rét run và lả đi như người bị say sóng. Sau lần ấy, cô đành phải nhờ đến ca dao để viết lời từ biệt chàng trai trong tâm trạng bùi ngùi nhưng dứt khoát: “Thương anh em để trong lòng/ Đường xa mịt mùng, xin kiếu anh thôi”.

Bản thân tôi cũng đã có lần, vì không thể mua được cái vé xe về quê ăn tết nên phải nhờ một người bạn có thẻ thương binh mua vé ưu tiên hộ. Nhưng trước lúc xe chạy, nhà xe kiểm tra vé ưu tiên, tôi không có thẻ, bị cảnh cáo và phạt tiền vé gấp bốn lần rồi mới được đi. Thế nên, khi tôi về được đến nhà thì cậu bạn, vì cũng không mua được vé như tôi, đã tự vận động bằng cách đạp xe cuốc (xe đạp thể thao Sport của Nga) từ lúc 4 giờ sáng và đã về quê trước tôi hơn hai giờ rồi. Từ đó, mỗi khi có việc về quê mà không tầm được vé tàu xe, tôi cũng làm cua-rơ xe cuốc quãng đường hơn 160 km như bạn mình. Sau này đời sống khấm khá dần, có xe máy thì chạy nhanh hơn, vừa đi, vừa nghỉ, chỉ mất bốn, năm giờ là cùng. Tuy nhiên chạy các phương tiện xe đạp hoặc xe máy, về đến quê là phải nằm bệt cả buổi, khắp các cơ quan đoàn thể trong người tựa hộ như đều bị long hết bu lông, ốc vít…

3. Từ khi hệ thống đường sá giao thông được xây dựng hiện đại với chất lượng ngày một cao cấp, cao tốc và trải rộng vươn dài đến khắp vùng miền đất nước, ai ai cũng được hưởng lợi nhưng với những người còn có một miền quê sinh thành ở xa nơi làm việc thì cái lợi đó khó có gì so sánh nổi, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ tết, nghỉ lễ dài ngày. Có thể nói đây là phúc lợi hàng đầu mà công cuộc đổi mới đất nước đã mang lại. Một thứ phúc lợi mà khó có ngôn từ nào để nói cho đầy đủ nội hàm được.

Giờ đây, nhờ có các thành quả phát triển hệ thống giao thông cao tốc và xã hội hóa việc đầu tư, kinh doanh đa phương tiện vận tải, người dân, đặc biệt là những ai còn có một miền quê xa xôi đã không còn phải coi chuyện đi lại trong dịp tết là vấn đề gì quá lớn. Họ có thể đi xe riêng, có thể chọn các phương tiện khác như máy bay, tàu hỏa hoặc các loại xe ca giường nằm cao cấp…

Đối với quãng đường từ 100 km đến 500 km, người về tết hoàn toàn có thể đến quê trong ngày. Là một kẻ thường xuyên tham gia giao thông trên đường cao tốc ở khoảng cách trên dưới 200 km như Hà Nội - TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn quê hương, tôi chỉ mất thời gian ba tiếng đồng hồ. Lúc lên xe, mang theo một cuốn sách cần đọc, lúc xuống xe, về đến nhà, sách đã đọc xong. Người ta bảo, Tết Quý Mão khi cao tốc Pháp Vân nối dài đến TP Thanh Hóa thì sự về quê của những người như tôi chỉ còn mất có hai giờ.

Tại các miền quê, trong đó có ngôi làng hơn ngàn năm tuổi của tôi, nhờ có chính sách phát triển tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn), đặc biệt là từ khi Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực tiễn cuộc sống, đã có sự thay đổi ngoạn mục. Nhiều làng xã đã thành phố, thành phường, thành thị trấn sầm uất. Bức tranh nông thôn hiện tại là những thứ vật thể khang trang như đường nhựa đi vào đến từng cổng ngõ, nhà cao hai ba tầng kiến trúc đẹp mắt có khuôn viên rộng rãi, nhiều hộ có xe ô tô du lịch, ô tô tải… nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, cái còn lớn hơn là cái phi vật thể về chất lượng văn hóa, thứ văn minh tinh thần của người nông dân đã được nâng lên rất nhiều. Đây mới thực sự là thứ vốn quý nhất về chất lượng con người, về tác nhân tích cực cho sự phát triển bền vững ở các vùng nông thôn rộng lớn của quê hương, của đất nước. Nhờ có hệ thống thông tin và truyền thông tân tiến, nhờ có phương tiện đi lại đa dạng và chất lượng trong điều kiện đường sá giao thông cao cấp và cao tốc, người “nhà quê” một thời đã và đang có rất nhiều cơ hội đổi mới phương thức thâm canh nuôi trồng cây con mau sinh lời nhất; họ cũng còn có nhiều cơ hội khác để thay đổi ngành nghề, vươn lên thành những ông chủ những nhà đầu tư vóc vạc trong chính thôn làng của mình. Với đức tính cần cù, mẫn cán lại nhiều mưu cơ chắt lọc từ thực tế trải nghiệm nên hễ ai có đức tính siêng năng, ham học hỏi thì công việc làm giàu chỉ là một tầm với không mấy xa vời. Ví dụ những ngày đại dịch COVID-19 hoành hành, có hộ nông dân chỉ đi đưa lá xông đến tận từng nhà trong làng cũng thu được bạc triệu mỗi ngày. Người nông dân ngày nay có thể ngồi bàn với các vị giáo sư, tiến sĩ về kinh nghiệm, khi tưới nước cho hoa giấy nên pha thêm ít giọt dấm thì hoa sẽ nở nhiều hơn, nở đẹp hơn và nở quanh năm, hoặc họ có thể say sưa tranh luận về chủ đề: Nước ta có hơn bốn ngàn năm lịch sử hay chỉ nói chừng chừng là hàng ngàn năm lịch sử?

Nhưng dù có rất nhiều đổi thay theo hướng văn minh phát triển ở các miền quê thì các việc như luộc bánh chưng, muối dưa hành, kho cá vùi trấu, giã giò, gói nem… đến việc nhà nhà đoàn tụ trong bữa cơm tất niên, trong mâm cỗ tân niên vẫn là những việc căn cốt nhất của văn hóa làng, ai ai cũng muốn được thấy, được làm, được tụ tập tham gia. Rồi tiếp theo là các nét mỹ tục: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”; rồi nữa là việc đi viếng đình thờ Thành hoàng, đi làm công đức tôn tạo đền thờ danh nhân, góp quỹ khuyến học… đều được sắp xếp tiến hành hài hòa trong không gian phơi phới mùa xuân, trên những con đường làng, hai bên là những cổng nhà khang trang, có đặt các chậu hoa tươi, cây cảnh hút mắt.

Như vậy, người về quê ăn tết trong thời đường cao tốc, ngoài việc hoàn thành đạo nghĩa hiếu đễ với tổ tiên, với quê hương, còn như được trải nghiệm một chuyến du lịch không kém phần thú vị và bổ ích. Sau tết, trên các nẻo đường cao tốc, họ lại trở về với cuộc sống, với công việc nơi đô thị. Chắc chắn rằng, trong các niềm tin, hy vọng và nỗ lực của một năm công tác mới, trong mỗi người vẫn luôn có dư ngân kỷ niệm của những ngày tết quê.

4. Mặc dù đây đó vẫn còn những cái chưa được như ý mà công luận đã cảnh báo, ví như nạn tàu xe nhồi nhét người trong dịp trước tết và sau tết; nạn ùn tắc giao thông ở một cua đường, đoạn đường cao tốc nào đó. Tuy nhiên, về cơ bản, hệ thống đường sá giao thông hiện đại đã hình thành, đã tốc độ. Người xa quê về tết thời cao tốc đã cơ bản cất được gánh lo trong thời khắc tống cựu nghênh tân thiêng liêng; được thụ hưởng nét phong nhã và an vui ngày tết trong không khí đoàn tụ cố kết ruột thịt, trong tri ân đạo nghĩa, và trong những kỳ vọng về một năm mới tốt lành, may mắn, hanh thông, thịnh vượng.

Bút ký của LÊ NGỌC MINH

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ve-tet-thoi-cao-toc/177647.htm