Về thăm làng cười Đồng Mượu

Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng tài nói trạng của người dân làng Đồng Mượu, xã Văn Thành (Yên Thành - Nghệ An) vẫn không mai một mà ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đây là mạch nguồn xuyên suốt tự bao đời nay, làm nên làng cười độc đáo bậc nhất xứ Nghệ.

Đến chết vẫn còn…cười

Hậu duệ làng Đồng Mượu.

Tương truyền, ngày xưa làng Đồng Mượu có ông Tú Loi, rất thông minh, học giỏi nhưng lại lận đận trên đường thi cử. Ông trở về quê, vui thú với ruộng đồng nhưng bọn tham quan đều rất sợ vì ông làm cho chúng nhiều phen điêu đứng, còn dân thì cười với đủ cung bậc.

Chuyện về Tú Loi Đồng Mượu được ông Đường Minh, một nhà viết sử làng sưu tầm và kể lại: “Tài của cụ Tú Loi có thể sánh ngang với Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai, Tú Xuất. Tôi mất gần 30 năm để sưu tầm về ông Tú Loi. Chính Tú Loi là ông tổ của làng cười Đồng Mượu”.

Sau Tú Loi có hàng loạt cây trạng nổi lên nhưng người được người đời nhớ mãi vẫn là cụ Côn. Cụ Côn lúc còn nhỏ đã nổi tiếng về sự tinh nghịch. Hồi đi ở cho địa chủ, có một tay cũng là đầy tớ nhưng được chủ chọn làm tai mắt để theo dõi người làm trong nhà. Tay này rất hách nên ai cũng ghét. Côn nghĩ, phải cho nó một vố biết tay. Khi Côn và anh ta được phân công giã gạo, Côn ở dưới “phủi” bảo anh ta giơ chày lên, thế là Côn đút cái nồi gang vào cối rồi bỏ đi chơi. Tội nghiệp anh chàng phải đứng giữ chày như vậy cả buổi vì thả chân ra sẽ bể mất nồi và cầm chắc bị chủ đánh cho tuốt xác.

Chuyện đó đến tai địa chủ, tuy tức đầy ruột cũng phải phì cười trước trò tai quái của Côn. Có một năm lụt, cả làng bị ngập, lão địa chủ bắt Côn cõng xuống làng dưới có công chuyện. Vốn ghét lão địa chủ bóc lột thậm tệ và hay đánh đầy tớ, Côn cố ý đi sục xuống sông làm lão chìm nghỉm. Là tay bơi giỏi nhưng Côn vờ như không biết bơi cứ giả bộ chới với. Côn để cho lão địa chủ uống một bụng nước rồi mới… lôi lên. Hay như trong làng có hai bà T. và N. rất ngoa ngoắt, thường chửi bới người khác. Một hôm, Côn đến nhà bà T. với vẻ mặt nghiêm trọng: “Tại sao bà nói tui ngủ với bà N. Mặc cho bà T. chẳng biết đầu cua, tai nheo thế nào, Côn chửi một trận khoái mồm rồi bỏ đến nhà bà N. cũng nói và chửi như với bà T. Thế là hai bà chửi nhau một trận tanh bành làm cho dân làng được phen cười vỡ bụng.

Các cụ già trong làng kể, ông Côn dáng người thấp đậm, đầu trọc lóc, sứt mấy răng cửa, nhìn đã bật cười rồi. Bất kể chuyện gì ông cũng gài vào được những pha gây cười. Ngày dân làng tiễn đưa ông ra nghĩa địa cũng đáng nhớ. Hồi đó hợp tác xã làm thịt con trâu chết rét, ông cũng được chia phần. Nhà vốn nghèo, lâu ngày không được ăn thịt, nấu xong ông ngoạm một miếng rõ to, mắc nghẹn rồi tắt thở. Ông chết, người làng trên, xóm dưới tiếc thương tiễn đưa dài cả cây số. Nghĩa địa xa, đám nghĩa cựu (khiêng hòm) vừa đi vừa kể chuyện trạng của ông. Họ cười nghiêng ngả đến nỗi buông tay làm quan tài rơi xuống đất bật cả ván thiên. Đột nhiên ông Côn ngỏm dậy làm cho dân làng hồn xiêu phách lạc chạy tán loạn. Ông cười khà khà: “Bà con ạ, diêm vương gọi tui xuống nhưng đi được nửa đường tui trốn vì sực nhớ đang còn nửa nồi thịt trâu chưa ăn hết!”. Thì ra khi đám nghĩa cựu làm rớt hòm, miếng thịt trâu trong cổ bật ra, vậy là ông thoát chết. Câu chuyện ấy không biết có thật hay không nhưng đó là một giai thoại đẹp của làng….

Sau ông Côn là cặp Dêu Kích và Hậu Đém. Hai ông này thì cả 3 huyện Diễn- Yên - Quỳnh đều biết tiếng. Không những có biệt tài về đầu óc hài hước gây cười, hai ông còn làm thơ châm biếm những thói hư tật xấu, thói cửa quyền, tham nhũng của một số cán bộ xã, huyện. Ngày trước, ao cá hợp tác xã cứ đến Tết là tát chia cho xã viên. Những con cá ngon thì cán bộ chia nhau, còn xã viên chỉ được cá gày, cá nhỏ. Nhân tiện hôm chia cá có loa phóng thanh, Dêu Kích lên ngâm thơ, trong đó có đoạn: “Cá trắm cỏ vẫy đuôi chào quản trị/ Cá mè ranh giương mắt đón xã viên”. Câu thơ ngâm xong, mấy ông quản trị tím mặt, còn dân chúng ai cũng khoái vì nỗi ấm ức ăn chia thiếu công bằng đã được ông Dêu nói hộ. Thấy “quan” to đè “quan” nhỏ, quan nhỏ đè dân, ông Dêu vừa xây nhà cho ủy ban huyện vừa ví: “Hòn đá to đè hòn đá nhỏ/ Hòn đá nhỏ lặng lẽ liếm hồ”. Hay như sự so sánh trong tiếng cười chua chát của anh Hậu Đém về một anh cán bộ huyện bất tài mà vẫn nhà cao cửa rộng, trong khi người dân siêng năng cần cù lao động mà vẫn nghèo: “Ngồi mát ăn bát vàng mờm cổ nghé/Cày sâu cuốc bẫm hoắt chân dui”.

Đại tiếu làng

Làng Đồng Mượu như chiếc đầu trâu nằm cuối xã Văn Thành. Dù có một vài nhà cao tầng mọc lên nhưng về tổng thể làng vẫn giữ được nét xưa cũ, với mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa, vẫn cây đa, bến nước sân đình, người dân vẫn một nắng hai sương với ruộng đồng.

Vừa đến đầu làng, chúng tôi thấy một bé trai khoảng 7-8 tuổi đang cố với tay bấm chuông trước cổng ngôi nhà hai tầng nhưng không với tới. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi dừng lại bế cậu bé lên. Cậu ta bấm xong tụt xuống chạy biến vào một ngõ khác cười khúc khích. Ông chủ nhà khoảng 60 tuổi phong dáng nho nhã đi ra hỏi: “Cô chú là ai?”. Khi đó chúng tôi mới biết bị cậu bé lỡm, thẹn đỏ mặt xin lỗi chủ nhà. Ông chủ nhà nhanh chóng hiểu ra vấn đề cười: “Chắc cô chú mới đến đây lần đầu. Làng tui vậy đó! Con nít cũng biết trêu cười, nhưng vô hại”.

Đúng là “danh bất hư truyền”, vừa chân ướt, chân ráo đến chúng tôi đã được trải nghiệm nét tếu táo của dân làng.

Chúng tôi đến nhà anh Giang Đống, một nông dân mà chúng tôi quen trước đó. Đến nhà anh thấy có vài người hàng xóm ngồi uống nước chè, hút thuốc lào trò chuyện như pháo nổ. Trong nhóm ấy có anh Dêu Cường nhà có lẽ nghèo nhất làng Đồng Mượu nhưng trông anh lúc nào cũng lạc quan và hóm hỉnh. Khi mọi người nói về chuyện giàu nghèo, anh Dêu bắn điếu thuốc lào rồi nói: “Tui ngồi trên đống thịt mà phải ăn cơm cà! Khổ thật!”. Mọi người ngơ ngác không hiểu, anh chậm rãi: “Thì tui cưỡi con trâu đi ra đồng. Không ngồi trên đống thịt thì đống chi!”. Tiếng cười lúc đó mới cộng hưởng vỡ òa vang cả một góc làng.

Nói về chuyện vợ chồng, anh Dêu Cường hùng hồn: “Tui với vợ cãi nhau kiểu chi tui cũng dùng hai tay”. “Vậy anh đánh vợ à?”. “Không! Tui chắp hai tay lạy vợ!”…

Một ông lão bảo anh Giang cho mượn con dao để chẻ quả cau ăn trầu. Anh Giang lấy con dao nhỏ được bọc trong bao da ra với vẻ quan trọng: “Con dao ni tui mới mua, sắc kinh khủng. Có lẽ cả tỉnh Nghệ An cũng không có dao mô sắc bằng. Chiều qua tui lấy xắt miếng thịt luộc, quên rửa để trên sập. Eo ơi, các bác có biết răng không?”. Chờ cho mọi người tò mò anh tiếp: “Tui nhặt được hai rổ lưỡi chuột!”… Những chuỗi cười cứ vậy nối tiếp nhau cho đến khi một đứa trẻ nhà hàng xóm xuất hiện. Ai cũng xúm đến hỏi: “Này, cha mi đêm qua đau nặng hay nhẹ mà đi viện rứa?”. Thằng bé cầm quả ổi anh Giang cho trả lời nhanh: “Đêm qua cha cháu đau bụng quá, đưa đi viện liền không kịp cân nên cũng không biết nặng hay nhẹ!”. Anh Giang lắc đầu nạt yêu thằng bé: “Tổ cha mi, mới nứt mắt đã biết trạng!”

Chỉ một nhóm 3-4 người, với những câu chuyện đời thường trong lúc nông nhàn nhưng họ đã biết làm cho giây phút đó thực sự có ý nghĩa khi mang lại tiếng cười cho nhau, quên đi những vất vả lo toan của cuộc sống, làm cho tình cảm gia đình, xóm giềng thêm thắm thiết hơn…

Tiến Dũng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ve-tham-lang-cuoi-dong-muou-post10092.html