Về thăm mẹ

Con về thăm mẹ chiều đôngBếp chưa lên khói mẹ không có nhàMình con thơ thẩn vào raTrời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.

Chum tương mẹ đã đậy rồi

Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa

Áo tơi qua buổi cày bừa

Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

Đàn gà mới nở vàng ươm

Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành

Bất ngờ rụng ở trên cành

Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

(SGK Ngữ văn 6 trang 40, tập 1, Bộ Cánh Diều, NXB GD, 2023)

Đinh Nam Khương

Lời bình

Chiều đông, thương mẹ nhiều hơn…

Đinh Nam Khương là một trong số không nhiều các nhà thơ hiện đại thành công ở thể thơ lục bát, trong đó phải kể đến Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 - 2003 của Tuần báo Văn nghệ. Thơ Đinh Nam Khương là thơ giãi bày cảm xúc, thường giàu hình ảnh và giản dị. Về thăm mẹ là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ ông. Bài thơ là lời của người con thể hiện tình yêu thương dành cho mẹ trong một lần về thăm sau một thời gian dài xa quê: Con về thăm mẹ chiều đông/ Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà…

Câu thơ mở đầu làm nhiệm vụ khai mở, tạo một “cái cớ” để tác giả bộc lộ cảm xúc, mở ra một không gian thơ với bối cảnh là một buổi chiều mùa đông. Chiều đông là thời gian thường dễ gợi buồn, gợi nhớ, gieo vào lòng người niềm khao khát đoàn tụ sum họp gia đình. Hình ảnh “bếp lửa” khá quen thuộc trong văn học xưa nay, thường gắn liền với hình ảnh người mẹ - người giữ gìn hơi ấm cho căn bếp, gìn giữ sự ấm no và niềm vui quây quần, đoàn tụ của mỗi gia đình. Và ở đây, mẹ đồng nghĩa với sự ấm áp, thảo thơm, tảo tần thương khó. Nhưng “Bếp chưa lên khói” báo hiệu mẹ vắng nhà, càng gợi sự trống vắng, nhớ mong mẹ trong lòng người con.

Nỗi nhớ mẹ càng được trải ra khi nhà thơ gặp những hình ảnh vô cùng thân thuộc, đơn sơ và bình dị: “nón mê ngồi dầm mưa”, “áo tơi lủn củn”, “chiếc nơm hỏng vành”, “chum tương đã đậy”, “đàn gà mới nở”. Những hình ảnh này luôn gắn liền với mẹ. Nhân vật người con có cảm giác chạm vào đâu cũng đều gặp hình ảnh của người mẹ tảo tần, lam lũ. Qua sự cảm nhận của tác giả, ngôi nhà của mẹ hiện lên thật giàu hình ảnh, nhiều màu sắc, thành một bức tranh giản dị, bình yên và rất đỗi thân thương, gần gũi. Và qua những hình ảnh này, người con cũng cảm nhận được sự vất vả, chịu thương chịu khó và tình yêu thương dành dụm, tích góp, một đời hy sinh thầm lặng vì con. Tình thương của mẹ lắng lại, lặn vào hình ảnh đầy xúc động: "Trái na cuối vụ mẹ dành phần con". Một trái na nhỏ bé, đơn sơ nhưng lại thể hiện rõ nét nhất sự yêu thương, dụm dành, chăm chút của mẹ. Trái na đã đến cuối vụ mà mẹ chưa nỡ hái, vẫn dành chờ con bởi trái na này luôn chắt chiu, lắng đọng những ngọt ngào, thảo thơm của tình mẹ. Trái na ấy là hình ảnh rất cụ thể của nỗi chờ trông, mong ngóng đứa con xa vẫn hằng được giữ gìn, nâng niu trong lòng mẹ.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

Về thăm mẹ vào một buổi chiều đông, dẫu mẹ không có nhà nhưng nhà thơ vẫn thấy bóng dáng thân thuộc của mẹ, thấu hiểu những hi sinh thầm lặng của mẹ. Từ tận đấy lòng trào dâng niềm xúc động. Cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, nhà thơ càng thấy thương mẹ nhiều hơn. Các từ láy: "nghẹn ngào", "rưng rưng" được đặt ở đầu hai dòng thơ như nốt trầm rung ngân những cung bậc cảm xúc, như hai lớp sóng tâm trạng đang trào dâng, rồi trải ra vô tận trong con. Và hai câu cuối như “công tắc thơ” đã “bật sáng” cả bài thơ, “bật sáng” lòng con giữa một chiều đông vắng mẹ…

Bằng thể thơ lục bát uyển chuyển cùng nhiều hình ảnh ẩn dụ và ngôn từ giản dị, bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ với nhiều phẩm chất quý báu và diễn tả một cách chân thực, xúc động sự nhớ mong và biết ơn của người con dành cho mẹ - người một đời tần tảo, hi sinh, dành tất cả tình thương yêu cho chúng con…

Trần Văn Lợi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/211056/ve-tham-me