Vẻ thanh tao của tiểu thư Nam Kỳ

Con gái nhà giàu thời ấy trưng diện nền nã lắm. Các cô khoe khéo cái vẻ đẹp thanh tân trong tà áo dài thụng bằng lụa, cổ đeo xâu chuỗi, tóc xức dầu dừa bới gọn gàng.

Cô Ba xà bông là người đẹp nổi tiếng đất Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Ảnh: T.L.

Một lần săm soi những bức ảnh cũ ố màu trong cuốn album sơn mài đã in dấu thời gian, ngoại chỉ cho cô cháu gái tròn xoe mắt ngắm nghía:

“Hình này là bà, con kêu bằng bà sơ, là bà ngoại của ngoại đó con”.

Bà sơ trong ảnh là một cô gái trẻ, da trắng mịn như tờ giấy, mặt bầu bầu, mắt nhỏ mà đen lay láy, ngồi đường hoàng trên chiếc ghế tay ngai, hai bàn tay đeo đầy nhẫn đặt thẳng trên đầu gối, cổ tay quấn đầy những chuỗi hạt vàng. Cô gái ấy mặc một tấm áo rộng màu xanh lam, cổ nặng trĩu những chuỗi hạt vàng, vòng này vòng khác, dài đến tận ngực.

Ngoại nói rằng ăn mặc như vậy mới đúng kiểu tiểu thơ Nam Kỳ. Tóc thì xức dầu dừa, bới trễ cho có “bánh lái”, mặt dồi phấn Coty, áo rộng đậm màu, quần ống thẳng, mà phải là quần trắng, chân mang hài lụa bọc, mũi hài chỉ được thấp thoáng gấu quần.

Tập tản văn Chân đi hài lụa, cổ quấn hạt vàng của Kỳ Nam Uyên. Ảnh: K.Đ.

Ngoại kể,nhà mình hồi xưa, con gái mười bốn tuổi như ngoại lúc đó thì đã được thưa là cô Ba, nắm tay hòm chìa khóa, cắt đặt công việc trong nhà, lo chuyện giỗ quải cả năm. Mà thiệt, một năm thì giỗ hội một lần, còn quanh năm thì tháng nào cũng có giỗ.

Đám giỗ phải chuẩn bị đủ thứ, tép sông nhảy xoi xói kêu mua mỗi lần cả bội, rồi quết giã làm chạo, tôm càng nhúng sơ rồi làm gỏi, gà vịt thì đếm không xuể, có khi vật cả con bò, bánh trái thì mâm này mâm khác… Con gái đảm đang phải biết sắp xếp sao cho công việc đâu vào đó, người nào việc nấy, răm rắp.

Cháu gái lè lưỡi: “Bà sơ, bà cố, bà ngoại hồi xưa sao giỏi dữ há ngoại. Giỏi hơn giám đốc tổ chức event bây giờ!”. Ngoại cười: “Cha bây, ngoại đâu có biết ì ven là gì, nhưng con gái thời đó phải vậy, trong nhà lo quán xuyến hết công chuyện, sai biểu kể ăn người làm chớ con, rồi phải biết lo gia chánh, thêu thùa, bánh trái đủ thứ…”.

Cháu gái cười hinh hích: “Thời trang của bà sơ ngày xưa mà con thấy giống áo dài của MH bây giờ nè ngoại. Bữa nào con diện áo dài MH ngoại coi nghen, chỉ có điều không có hột vàng quấn đầy cổ đâu. Bây giờ vàng đâu mà quấn dữ vậy, ngoại hen!”.

Mười sáu, mười bảy tuổi là gả chồng. Đám cưới hồi xưa linh đình lắm, ngoại về nhà chồng có cô tỉ tất (cô hầu gái, theo cách gọi trong gia đình giàu có thời trước) theo hầu. Đám cưới, bà cố mời thầy bên Tàu về làm pháo bông, cây pháo cao hơn cái nhà việc trong làng, nhà trai đi ghe hầu qua rước dâu, đãi đằng cả tuần lễ.

Hồi đó rước dâu về phải đi bằng ghe, ghe hầu là chiếc ghe lớn lắm, bảy tám người chèo, lát sàn gỗ cẩm lai bóng loáng, ngăn phòng ngủ, nhà bếp, y như cái nhà trên đất vậy. Nội sinh lễ đã chở một ghe, sắm sanh đủ hết, riêng hột xoàn là phải còm-măng (phiên âm tiếng Pháp commande, nghĩa là đặt hàng) bên Pháp về nữa chớ.

Cháu gái trầm trồ:

“Chao ôi, đám cưới ngoại ngày xưa cứ như đám cưới Nam Phương hoàng hậu!”.

Ngoại thoáng buồn. [...].

Đóng cuốn album cũ, hình ảnh xưa “chân đi hài lụa, cổ quấn hạt vàng” tan biến. Trước mặt ngoại là cô cháu gái thế kỷ 21 “chân đi giày bốt, áo lửng hai dây” cười rạng rỡ.

Nụ cười ngót trăm năm mà sao vẫn giống hệt người trong ảnh.

Kỳ Nam Uyên/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ve-thanh-tao-cua-tieu-thu-nam-ky-post1374017.html