Vệ tinh giúp Trung Quốc thúc đẩy quyền lực mềm ở châu Phi

Hỗ trợ tài chính và công nghệ cho chương trình không gian của các quốc gia châu Phi đang giúp Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm tại lục địa đen.

Người dân Ethiopia chụp ảnh “tự sướng” với một ăng-ten vệ tinh. Ảnh: AFP

Người dân Ethiopia chụp ảnh “tự sướng” với một ăng-ten vệ tinh. Ảnh: AFP

Temidayo Oniosun, nhà khoa học vũ trụ người Nigeria kiêm Giám đốc điều hành trang web tin tức “Space in Africa” tiết lộ, Bắc Kinh thường hỗ trợ về công nghệ cũng như cung cấp các khoản vay để các nước châu Phi có được vệ tinh cho riêng mình. Theo ông Oniosun, sở dĩ Trung Quốc giúp các nước châu Phi phát triển dự án vũ trụ là bởi họ có quan hệ thương mại tốt với Bắc Kinh. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với kim ngạch 2 chiều đạt hơn 208 tỉ USD hồi năm ngoái.

Tương tự, Julie Klinger, trợ lý giáo sư tại Ðại học Delaware (Mỹ) cho rằng công nghệ vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - châu Phi. Theo bà Klinger, công nghệ vũ trụ đã giúp hình thành xương sống của mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi trong 20 năm qua. Do đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường dành sự hợp tác không gian cho các chính phủ có quan hệ đối tác chặt chẽ với nước này.

Ðến nay, 20 chính phủ châu Phi đã ký kết thỏa thuận về không gian với Trung Quốc, trong đó có Ethiopia. Khi nước này phóng vệ tinh đầu tiên từ một trạm vũ trụ của Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh được cho đã hỗ trợ Addis Ababa số tiền lên tới 6 triệu USD trong số 8 triệu USD tổng kinh phí dự án. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ giúp Ethiopia phóng vệ tinh viễn thám thứ hai vào ngày 20-12 tới. Viện Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Ethiopia cho biết, tàu thăm dò sẽ được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên. Ðược biết, vệ tinh này do các kỹ sư Ethiopia và Trung Quốc tại Tập đoàn Công nghệ Vệ tinh Thông minh ở Bắc Kinh thiết kế.

Ngoài Ethiopia, Trung Quốc cũng hợp tác với Sudan, Algeria, Nigeria và Cộng hòa Congo.

“Space in Africa” ước tính, ngành công nghiệp vũ trụ châu Phi trị giá khoảng 7 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên 10 tỉ USD trong 5 năm tới. Năm 2017, Liên minh châu Phi thông qua quyết định thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Phi có trụ sở chính tại Ai Cập. Nhiều quốc gia lục địa đen gồm Nam Phi, Sudan, Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Ma-rốc và Kenya khi đó đã công bố chương trình không gian của nước mình.

Không những ra sức hỗ trợ các nước châu Phi, Trung Quốc trong những năm gần đây tăng cường phóng tên lửa, vệ tinh, tàu thăm dò không gian, tàu vũ trụ có hoặc không người lái. Chỉ riêng trong năm 2019, nước này đã phóng 32 tên lửa vào không gian, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Còn hồi tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh phóng thành công tên lửa hạng nặng Trường Chinh 5B sau khi phóng thất bại tên lửa Trường Chinh 3B vào tháng 4 và Trường Chinh 7A vào tháng 3. Theo dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trong số 2.666 vệ tinh ở trên quỹ đạo tính đến tháng 3 năm nay, 363 vệ tinh do các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành, trong khi Nga và Mỹ lần lượt có 169 và 1.327 vệ tinh. Trong đó, đáng chú ý nhất là hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu - đối thủ của hệ thống GPS của Mỹ, Glonass của Nga và Galileo của châu Âu.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ve-tinh-giup-trung-quoc-thuc-day-quyen-luc-mem-o-chau-phi-a126311.html