Vệ tinh Tsubame của Nhật Bản lập kỷ lục Guinness về quỹ đạo siêu thấp

Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản ngày 30-12 thông báo, vệ tinh có độ cao siêu thấp 'Tsubame' của nước này đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận là vệ tinh quan sát Trái đất ở quỹ đạo thấp nhất.

Nhóm nhà khoa học phát triển chương trình vệ tinh của JAXA nhận chứng nhận từ Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (Ảnh: JAXA)

Nhóm nhà khoa học phát triển chương trình vệ tinh của JAXA nhận chứng nhận từ Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (Ảnh: JAXA)

Trong chương trình thử nghiệm kéo dài từ 23-12-2017 đến 1-10-2019, từ 23-9-2019 đến 30-9-2019, vệ tinh này đã bay ở quỹ đạo cách Trái đất 167,4 km. Trong khi đó, hầu hết các vệ tinh quan sát Trái đất hoạt động ở quỹ đạo cách Trái đất từ 600km đến 800km.

Tsubame duy trì độ cao thấp kỷ lục trong thời gian bảy ngày bằng cách sử dụng hệ thống động cơ ion và các động cơ phản lực chạy bằng khí đốt. Trong khi duy trì quỹ đạo thấp kỷ lục, Tsubame đã chụp thành công các hình ảnh có độ phân giải cao và thu được dữ liệu về khí quyển và mật độ nguyên tử oxy.

Hệ thống động cơ ion của Tsubame do Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chế tạo. Do loại vệ tinh này cần một lực đẩy lớn hơn so với các vệ tinh thông thường, JAXA đã bổ sung một động cơ ion có khả năng tạo ra lực đẩy lớn gấp 10 lần so với lực đẩy phản lực bằng khí đốt để chống lại lực cản của khí quyển.

Vệ tinh Tsubame đã đạt được quỹ đạo quan sát Trái đất thấp kỷ lục (Ảnh: KYOD)

Việc cho một vệ tinh hoạt động ở một quỹ đạo siêu thấp có thể thu được nhiều quan sát chi tiết hơn về các hoạt động trên bề mặt của Trái đất, song hoạt động ở độ cao dưới 300km là điều khá khó khăn.

JAXA cho biết ở độ cao như vậy, vệ tinh sẽ tiếp xúc với “sức cản khí quyển gấp 1.000 lần so với độ cao thông thường và mật độ tập trung nguyên tử oxy” sẽ làm tăng tốc độ bào mòn các bộ phận của vệ tinh.

Theo JAXA, chương trình thử nghiệm giai đoạn 2017 đến 2019 cũng cho thấy vật liệu mà JAXA phát triển có khả năng chống chọi được với sự tiếp xúc nguyên tử oxy trong một khoảng thời gian dài.

Quản lý dự án Vệ tinh thử nghiệm độ cao siêu thấp tại JAXA, nhà khoa học Masnori Sasaki nói: “Tôi muốn đưa vào sử dụng thành tựu này trong ứng dụng vệ tinh, kỹ thuật và khoa học tương lai, và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội nhiều nhất có thể”.

Tsubame lần đầu đạt được độ cao quỹ đạo 271,5km hồi tháng 4-2018, sau đó giảm dần độ cao quỹ đạo tới mức 167,4 km và giữ ở độ cao này trong bảy ngày trước khi kết thúc chương trình thử nghiệm hôm 1-10 và tự bốc cháy trong khí quyển vào ngày 1-12 khi kết thúc thời hạn vận hành.

N.T

Theo Kyodo

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42754102-ve-tinh-tsubame-cua-nhat-ban-lap-ky-luc-guinness-ve-quy-dao-sieu-thap.html