Về Tòng Sành xem Lễ cấp sắc của người Dao

Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng bậc nhất mà bất cứ người đàn ông Dao nào cũng phải làm một lần trong đời để được công nhận đã trưởng thành. Đây là một trong những phong tục độc đáo và quan trọng bậc nhất trong văn hóa của dân tộc Dao.

Lễ đón các thầy cúng đến làm lễ cấp sắc.

Xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (Lào Cai) là nơi sinh sống của 100% đồng bào người dân tộc Dao, nơi đây hiện còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, độc đáo của người Dao. Theo truyền thống của người Dao, chỉ những người được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành, nếu chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành.

Lễ cấp sắc của người Dao thường diễn ra vào dịp cuối năm, hoặc đầu năm mới âm lịch.Cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 là cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lựa chọn bậc cấp sắc khác nhau.

Lễ truyền phép cho học trò tham dự lễ

Năm nay, xã Tòng Sành tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn tại thôn Láo Vàng Chải cho 35 cặp vợ chồng thuộc 3 họ với 14 thầy Mo từ khắp nơi đến làm lễ. Đây là lễ cấp sắc bậc cao nhất với các nghi thức văn hóa cầu kỳ và thời gian kéo dài nhất diễn ra trong 5 ngày liên tục.

Theo thầy mo Chảo Tờ Sài, thôn Ky Công Hồ xã Tòng Sành, khác với cấp 3 đèn, 7 đèn, để tổ chức được lễ cấp sắc 12 đèn bắt buộc phải có từ 3 dòng họ trở lên mới làm được. Địa điểm để tổ chức lễ cấp sắc phải rộng, đồng bào dân tộc Dao sẽ lợp lán để tổ chức. Nếu tổ chức lễ cấp sắc trong nhà thì sau khi tổ chức xong sẽ không được ở trong căn nhà đó nữa mà phải di chuyển đi nơi khác. Mỗi đoàn thầy mo chỉ được tham gia tổ cấp sắc cho 1 lễ trong 1 năm. Đối với những người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, và có đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng.

Lễ thắp đèn cho các học trò.

Trong Lễ cấp sắc tuân thủ theo thứ tự huyết thống, người đàn ông có vợ được chọn để cấp sắc trước ở nhà trưởng họ, người phụ nữ Dao đỏ có chồng làm lễ cấp sắc phải trùm kín đầu trong chiếc khăn đỏ suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Những người xin được cấp sắcphải đội mũ trên đầu và mặc trang phục truyền thống dân tộc mình. Trong suốt thời gian khi tổ chức lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến người xin cấp sắc và khách mời đều ăn chay, tuyệt đối không có món nào dính mỡ. Đặc biệt, trước khi tổ chức lễ cấp sắc 1 tháng, các cặp vợ chồng đều không được ở gần nhau, phụ nữ và đàn sông phải ngồi ăn ở mâm riêng.

Bên cạnh các nghi thức, lễ cấp sắc còn diễn ra phần hội với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian biểu đạt các mục đích tôn giáo, tín ngưỡng thông qua âm nhạc, thánh ca, diễn xướng, nhảy múa, trình diễn, lễ nghi, các điệu múa dân gian… phản ánh nội dung về lịchsử, văn hóa, tạo nên một sinh hoạt vui tươi, thu hút sự tham gia sôi nổi người dân các bản, làng.

Lễ cấp dấn dấu cho các cặp vợ chồng xin cấp sắc

Kết thúc lễ cấp sắc, thầy sẽ làm lễ tạ ơn tổ tiên, sư phụ đã ủng hộ các thầy làm lễ cấp sắc đạt kết quả tốt, đồng thời lấy bánh trong buổi lễ cấp sắc cho mọi người cùng ăn, thưởng thức, chia vui với người được cấp sắc.

Lễ cấp sắc của người Dao là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nghi lễ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyềnthống của người Dao góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc nói chung.

Nguyễn Hải

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ve-tong-sanh-xem-le-cap-sac-cua-nguoi-dao-d189205.html