Vẽ tranh nơi công cộng: Làm đẹp hay bôi bẩn?

'Mấy bạn trẻ lúi húi vẽ mấy bức tranh trên cầu bộ hành ở Bệnh viện Ung bướu nhìn cũng vui mắt thiệt. Nhưng bác tài nào đi đường cũng lo nhìn tranh vẽ chỗ này, chắc bị đụng xe. Thiệt tình, tui nghĩ nên bàn cách sao giữ cho cầu vượt sạch sẽ, bà con đừng vứt rác trên cầu, ngó bộ thiết thực hơn', ông Năm, chạy xe ôm gần đó nói. Đây là một chia sẻ xung quanh những công trình thanh niên gần đây trên địa bàn TPHCM.

“Nở hoa” nửa mùa

Chạy xe dọc tuyến đường Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm, Bình Thới (quận 11), thấy rợp hình những bông hoa trên thân cột điện. Đây là công trình của Quận Đoàn quận 11, triển khai từ giữa tháng 7-2017, được người dân ví von là “cột điện nở hoa”.

Dù mục đích của công trình là nhằm hạn chế tình trạng dán tờ rơi quảng cáo lên thân cột điện, nhưng nhìn tổng thể đường phố, những bức tranh với nét vẽ đơn điệu, lòe loẹt ấy trở nên lạc lõng và có phần phản cảm.

Trước công trình “cột điện nở hoa” là công trình vẽ tranh trên nắp cống được khởi xướng từ Đoàn Thanh niên quận 5. Sau đó, công trình này được nhân rộng ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố như quận 1, quận 3... rồi lan tỏa đi nhiều tỉnh thành khác.

Những bức vẽ này cũng được thực hiện bởi các “họa sĩ” tay ngang nên mỗi nét vẽ thiếu đi cái tinh tế, còn tổng thể bức tranh lại không hài hòa, chưa ăn nhập với không gian chung. Hay những thảm tranh tường trong con hẻm 62, 64 Nguyễn Khoái (quận 4) được một người dân lớn tuổi vẽ cũng lộ rõ vẻ “thảm họa” mà nó mang lại.

Những bức tranh nửa mùa trong một con hẻm trên đường Nguyễn Khoái (quận 4) làm xấu mỹ quan đô thị

Những bức tranh nửa mùa trong một con hẻm trên đường Nguyễn Khoái (quận 4) làm xấu mỹ quan đô thị

Những bức tranh này không chỉ thiếu chuyên nghiệp mà dường như tác giả cố dùng màu sơn để che kín các bức tường nên khi bước vào hẻm không khỏi có cảm giác ngộp vì màu.

Vẽ tranh trên đường phố không mới, nó bắt nguồn từ những người trẻ đam mê nghệ thuật graffiti (tranh đường phố). Ở các nước, nghệ thuật graffiti khá phát triển nhưng nó được quy hoạch một khu riêng để những người đam mê thể loại tranh vẽ này thỏa sức trổ tài.

Còn ở nước ta, những người vẽ tranh graffiti thường vẽ lén vào ban đêm ở bất kỳ đâu, trên các bức tường nhà dân và nơi công cộng, tác phẩm chủ yếu là những hình thù kỳ dị, vô nghĩa, nét này chồng lên nét kia. Trước thực trạng đó, một số nhóm sinh viên mỹ thuật đã vẽ tranh lên tường để hạn chế tình trạng vẽ bậy và dán tờ rơi quảng cáo.

Dần dà đoàn thanh niên của nhiều đơn vị lấy đây là một trong những công trình làm đẹp thành phố. Tuy nhiên, không có một quy chuẩn về kỹ thuật và chủ đề hoặc quy hoạch địa điểm cụ thể; địa phương nào ưng thì làm, dẫn đến tình trạng nơi có tranh, nơi không, mỗi nơi vẽ một kiểu.

Phạm Duy Hưng (sinh viên Đại học Giao thông vận tải TPHCM) nêu quan điểm: “Đã liên quan đến đường phố và nơi công cộng thì cần có một quy chuẩn chung để các bức tranh đồng bộ và đẹp hơn. Tôi thấy hầu hết các bức tranh xuất hiện trên đường phố khá màu mè và không đồng bộ với cảnh quan. Không rõ hiệu quả tuyên truyền thế nào, nhưng tôi thấy trước mắt là góp phần làm đường phố thêm mất thẩm mỹ”.

Băn khoăn hậu “nở hoa”

Đáng nói, mặc cho những tác phẩm trước đó đang góp phần làm thành phố xấu xí hơn, vẽ tranh đường phố vẫn đang được đoàn thanh niên của nhiều đơn vị triển khai, khoác lên mình “chiếc áo” công trình thanh niên.

Nguyễn Ánh Dương (sinh viên Đại học Hoa Sen) thắc mắc: “Hậu vẽ tranh là gì? Tôi thấy hàng chục bức tường trở nên xám xịt, bong tróc sơn. Nếu chỉ vì đẹp, vì lạ mắt vài ngày để vừa tốn công, vừa tốn sức, mà sau đó khiến đường phố thêm lem nhem thì cần xem lại hoạt động này”.

Rõ ràng, ý nghĩa của công trình vẽ tranh trên đường phố là có, nhưng các bạn vẽ xong tranh thì coi như kết thúc hoạt động, không có đơn vị nào chịu trách nhiệm trông coi, giám sát và chỉnh trang sau đó nên ý nghĩa ban đầu bị méo mó.

Đơn cử như những bức tranh vẽ trên nắp cống ở quận 5, với mục đích nhằm hạn chế tình trạng xả rác vào miệng cống thoát nước. Nhưng chỉ sau vài ngày nắp cống được khoác áo mới đã lộ rõ khuyết điểm của nó, nào bụi đường, nào mưa, nắng khiến màu sơn nhanh chóng phai mờ, rồi xe cộ đua nhau lao lên vỉa hè vào giờ cao điểm đã vùi dập những bức tranh một cách không thương tiếc.

Đến nay nhìn lại, còn sót lại trên nắp cống là những khối màu nhạt phếch, kết hợp với bụi bẩn và rác thải càng khiến đường phố nhếch nhác.

Nhếch nhác nhất là bức tường tại hẻm 15B Lê Thánh Tôn (phường Bến Thành, quận 1), lớp sơn đã phai và bong tróc gần hết, để lại một bức tường dài xám xịt, nham nhở. Trong khi đó, một đoạn tường của Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) mới được tô điểm bởi những bức tranh thiếu nhi vui nhộn, nhưng chỉ sau chừng 1 tuần là bị bôi bẩn.

Mới đây, một đơn vị Đoàn sở tiếp tục khởi động chuỗi hoạt động tô điểm 7 cầu bộ hành trên địa bàn TPHCM. Dù đây là hoạt động hưởng ứng Chương trình hành động năm an toàn giao thông cho trẻ em và làm đẹp không gian đô thị, các bức tranh được vẽ bởi những họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng nhiều người băn khoăn về khâu chỉnh trang các bức tranh sau khi hoàn tất.

Dĩ nhiên, nếu có quy chuẩn rõ ràng, chủ đề thiết thực, đồng bộ, có đơn vị thực hiện, quản lý giám sát và chỉnh trang sau khi hoàn thiện thì tranh trên đường phố cũng sẽ là điểm nhấn làm đẹp cho phố phường. Còn với việc vẽ tranh theo kiểu tự phát, bỏ ngỏ khâu hậu kiểm như hiện nay, thì cần xem xét lại, liệu hoạt động này có thực sự là làm đẹp hay góp phần bôi bẩn đường phố?

HẢI THU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ve-tranh-noi-cong-cong-lam-dep-hay-boi-ban-554754.html